Thị trường mong mỏi những giải pháp căn cơ

(ĐTCK-online) Ngày 22/1, tại Hà Nội, UBCK đã tổ chức hội thảo "Các giải pháp kích cầu cho TTCK Việt Nam". Hầu hết ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức hiệp hội, quỹ đầu tư… đều cho rằng, việc kích cầu thị trường chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Bên cạnh việc đưa ra chính sách cung - cầu hợp lý, cần có các giải pháp cấu trúc, tổ chức thị trường phù hợp và dài hạn hơn. ĐTCK-online đã ghi nhận một số ý kiến.

Giải pháp kích cầu không nhắm đến "kích giá" cổ phiếu

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa,Phó chủ tịch UBCK

Thị trường mong mỏi những giải pháp căn cơ ảnh 1

Những giải pháp vừa qua vẫn mang tính trước mắt, nhằm tăng cầu trên TTCK và giải tỏa tâm lý cho NĐT. Cơ quan quản lý đã thực hiện một số giải pháp như NHNN đã mua ngoại tệ, hạn chế cung quá nhiều vào thị trường. NĐT cũng không nên kỳ vọng các giải pháp đưa ra nhằm "bốc" thị trường lên thật nhanh. Trong lúc này, mọi người đều phải suy nghĩ và hành xử sâu sắc hơn, nhìn vào bản chất vấn đề hơn. Không nên chỉ đi theo một xu hướng là mong chờ giá CP lên mãi.

Điều mà tất cả thành viên thị trường và cơ quan quản lý đều nhìn thấy là, cần có những giải pháp dài hạn, đồng bộ, vững chắc hơn. Bên cạnh kích cầu, TTCK vẫn phải tăng cung do quy mô TTCK vẫn còn quá nhỏ và mỏng. Mà càng mỏng thì thị trường càng dễ chao đảo.

Quỹ đầu tư sẽ hạn chế ảnh hưởng tâm lý khi thị trường chao đảo

Bà Đặng Thị Hồng Phương, Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ chứng khoán Sài Gòn

Để các quỹ đầu tư và các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp thực hiện được vai trò kiến tạo cầu lớn và ổn định cho thị trường, Bộ Tài chính và UBCK nên  cho phép các công ty quản lý quỹ đa dạng hóa sản phẩm hay loại hình quỹ đầu tư để thu hút nguồn vốn trên thị trường, đặc biệt từ phía các NĐT cá nhân tham gia quỹ thành viên. Nên áp dụng một mặt bằng cân xứng giữa thuế thu nhập chứng khoán cho cá nhân đầu tư và các tổ chức đầu tư  trong và ngoài nước. Không nên hạn chế các công ty có vốn nhà nước trên 51% tham gia quỹ thành viên mà nên căn cứ năng lực tài chính của từng DN. Cần khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia quỹ thành viên nội địa thông qua việc không hạn chế tỷ lệ tham gia tối đa.

CPH cần nhắm đến mục tiêu lớn hơn

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Học viện Tài chính

TTCK thời gian qua có sự điều chỉnh là do cung và cầu mất cân đối, cung quá lớn mà sức cầu có hạn. Để giảm cung, việc giãn tiến độ IPO của một số DN chuẩn bị CPH đã được đặt ra. Đứng ở khía cạnh giảm cung, thì giải pháp này là hợp lý, nhưng xét ở khía cạnh CPH các DNNN thì giãn tiến độ IPO để tìm sự cân đối với sức cầu thì lộ trình CPH đặt ra sẽ bị chậm tiến độ. Bởi ai dám chắc, giãn tiến độ IPO chỉ một lần này khi mà TTCK chưa có được sự phát triển ổn định? Các cơ quan quản lý cần có cái nhìn sâu hơn về trung và dài hạn, thay vì chỉ ngắn hạn cho sự phát triển của thị trường.

Mặt khác, cổ phần hoá DNNN, phát hành CP lần đầu ra công chúng không phải là bán được giá càng cao càng tốt để Nhà nước hút được nhiều vốn, mà mục tiêu lớn nhất là tạo ra động lực giúp DN phát triển, quản trị tốt hơn, kinh doanh hiệu quả hơn.

Do đó, để giảm cung, bên cạnh giãn tiến độ IPO một số DN một cách hợp lý, cần lưu ý đến sự trông đợi của NĐT, đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ kế hoạch tăng vốn của các DN, trong đó có khối ngân hàng TMCP.

Xem xét lại cách xác định giá khởi điểm khi IPO các DNNN

Ông Lê Đình Ngọc, Giám đốc CTCK Thăng Long

Chúng ta có thể phân chia những giải pháp kích cầu thành hai nhóm, giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, nên kích thích nhóm đầu tư nước ngoài thông qua một số giải pháp như: mua ngoại tệ của tổ chức đầu tư nước ngoài, bán cổ phiếu bằng đồng tiền nước ngoài cho đối tác chiến lược, cho phép tổ chức phi ngân hàng phát hành công cụ nợ hoặc vay vốn bằng ngoại tệ. Mặt khác, cần xác lập lộ trình cho các vụ IPO lớn, xem xét lại cách xác định giá trị và giá khởi điểm khi IPO các DNNN. Về dài hạn, có thể tính đến giải pháp như ưu đãi về thuế với NĐT, có thể nghiên cứu việc chuyển cấp tín dụng mua chứng khoán cho các CTCK...

Phải làm chứ đừng bàn, đừng nói mãi

Ông Nguyễn Thanh Kỳ,Tổng thư ký Hiệp hội chứng khoán

Ở góc độ Hiệp hội, chúng tôi đề xuất lại một số giải pháp. Thứ nhất, cần ổn định chính sách lâu dài cho ngành kinh doanh, đầu tư chứng khoán, thực tế thời gian qua chưa có chính sách sắc bén, hữu hiệu để điều hành vĩ mô và khống chế lạm phát hiệu quả, hai ngành tài chính, ngân hàng chưa thực sự liên kết để phát triển TTCK non trẻ này. Thứ hai, trong việc điều chỉnh Chỉ thị 03 nên theo hướng áp dụng việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro cho từng tổ chức tín dụng, việc cho vay phụ thuộc vào sức khỏe từng ngân hàng và từng đối tượng vay vốn. Thứ ba, trong bối cảnh thị trường chưa phát triển, chưa nên áp dụng thuế thu nhập đối với đầu tư kinh doanh chứng khoán để NĐT yên tâm bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Cải thiện khả năng dự báo của cơ quan quản lý

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc TTGDCK Hà Nội

Thị trường mong mỏi những giải pháp căn cơ ảnh 6

Nói đến giải pháp kích cầu, có lẽ cần đề cập đến cả vai trò của các bộ, ngành, chứ  không chỉ mỗi tầm với của UBCK, cụ thể hơn là cơ chế phối hợp giữa những cơ quan này. Ít nhất, giữa các cơ quan cũng phải tổ chức được hệ thống trao đổi dữ liệu, đơn cử như thông tin về thu - chi ngân sách, số liệu liên quan đến quản lý tiền tệ... Chính vì thiếu dữ liệu nên khả năng dự báo của chúng ta rất kém, do đó điều hành quản lý thị trường chưa chủ động. Một vấn đề tôi muốn đề cập là, cần thay đổi chính sách với nguồn ngoại tệ chảy vào Việt Nam, thay vì thu hút vào và hạn chế chảy ra, nên chăng nghĩ tới giải pháp khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Câu chuyện về IPO doanh nghiệp lớn cũng đã đến lúc đa dạng hóa phương thức phát hành cổ phần, ngoài đấu  giá công khai, có thể bán thỏa thuận hoặc bảo lãnh phát hành.

>> Giải pháp "cứu thị trường"