Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á lại đỏ lửa vì Trung Quốc

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á lại đỏ lửa vì Trung Quốc

(ĐTCK) VN-Index xuống gần ngưỡng 950 điểm; Nhân sự ngân hàng “trong sợ ngoài thèm“; Hàng trăm cổ phiếu “treo” giá trên sàn; Chuyện các mã vào - ra rổ VN30; Thời gian gom hàng của cổ đông nội bộ; Chứng khoán châu Á đỏ lửa; Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
VN-Index tiếp tục đi xuống

Thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm và gánh nặng bluechip vẫn là nguyên nhân chính kéo thị trường đi xuống trong phiên sáng.

Bước vào phiên chiều, sau hơn 1 giờ thử thách, VN-Index đã thủng ngưỡng kháng cự này do áp lực bán gia tăng. Sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, trong đó nhóm bluechip vẫn là tác nhân chính khi chỉ còn lác đác vài ba điểm xanh.

Nhóm cổ ngân hàng giảm khá sâu như VCB giảm 1,9% xuống 56.500 đồng, BID giảm 1,2% xuống 33.900 đồng, CTG giảm 3,5% xuống 22.350 đồng, TCB giảm 0,2% xuống 28.650 đồng, MBB giảm 1,8% xuống 21.800 đồng, VPB giảm 2,9% xuống 21.800 đồng, STB giảm 0,8% xuống 12.800 đồng, HDB giảm 1,3% xuống 30.200 đồng.

Tuy nhiên EIB vẫn là điểm sáng, kết phiên tại mức giá 14.250 đồng, tăng 4,4%.

Sau nhịp kéo lên trong phiên sáng, các mã dầu khí cũng cắm đầu đi xuống như GAS giảm 1,3% xuống 95.800 đồng, PLX giảm 1,6% xuống 60.000 đồng, PVD giảm 0,6% xuống 17.200 đồng…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau giảm như SSI giảm 1,3% xuống 29.300 đồng, HCM giảm 1,2% xuống 55.400 đồng, BSI giảm 0,5% xuống 10.900 đồng, AGR giảm 1,2% xuống 3.400 đồng, VND giảm 2,3% xuống 19.300 đồng…

Các mã bluechip khác như MSN, HPG, MWG, VJC, VRE, VHM… cũng đều nới rộng đà giảm, ngoại trừ VNMlấy lại tham chiếu 135.000 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ITA vẫn là mã giao dịch mạnh nhất với 5,36 triệu đơn vị được khớp lệnh và áp lực chốt lời khiến đóng cửa giảm 3,13% xuống 3.100 đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 1,64 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 14,5 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 859.804 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 16,62 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 487.745 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 16,34 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/12: VN-Index giảm 8,21 điểm (-0,85%), xuống 952,04 điểm; HNX-Index giảm 0,65 điểm (-0,61%), xuống 106,65 điểm; UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,75%), xuống 53,47 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Tiếp đà hưng phấn của cuối phiên thứ Tư sau thông tin Tổng thống Trump cho biết, Trung Quốc đã đặt mua số lượng lớn đậu nành từ Mỹ và 2 bên đang đàm phán thương mại thông qua điện đàm với sự tham gia của nhiều quan chức, phố Wall tiếp tục mở cửa với sắc xanh đậm.

Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng hạ nhiệt khi trước mặt nhà đầu tư là hàng loạt mối lo.

Vừa kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, giới đầu tư đã nhanh chóng thận trọng về kết quả cuộc đàm phán này khi ông Trump đưa vấn đề của Giám đốc Tài chính Huawei vào, khiến tình hình trở nên khó xử hơn cho các nhà đàm phán.

Ngoài ra, đường cong lãi suất và khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp diễn ra cũng khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng.

Ở châu Âu, dù Thủ tướng Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Đảng Bảo thủ, nhưng mối lo về thỏa thuận Brexit vẫn còn, cùng với đó là mâu thuẫn giữa Ý và Liên minh châu Âu.

Trước những mối lo trên, nhóm cổ phiếu phòng thủ được ưa chuộng, còn cổ phiếu tài chính, tiêu dùng và công nghệ bị bán ra, khiến phố Wall sau đó gần như chỉ lình xình quanh tham chiếu và đóng cửa ít thay đổi, trong đó Dow Jones may mắn vẫn giữ được sắc xanh, còn S&P 500 và Nasdaq giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Dow Jones tăng 70,11 điểm (+0,29%), lên 24.597,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,53 điểm (-0,02%), xuống 2.650,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 27,98 điểm (-0,39%), xuống 7.070,33 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh do đà lao dốc của SoftBank và các cổ phiếu vốn hóa lớn khác, ngoài ra, tâm lý giới đầu tư còn bị ảnh hưởng bởi các chỉ số kinh tế đáng lo ngại từ Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 2% xuống 21.374,83 điểm. Chỉ số này đã tăng 3,2% trong hai ngày qua, nhưng tính chung cả tuần vẫn mất 1,4%. Topix giảm 1,5% xuống 1.592,16 điểm.

Theo thông báo mới nhất thì sản lượng công nghiệp trong tháng 11 của Trung Quốc tăng 5,4%, chậm nhất trong gần 3 năm qua và thấp hơn dự báo trong khảo sát của Reuters (5,9%).

Doanh số bán lẻ cũng chỉ tăng 8,1%, chậm nhất kể từ năm 2003 và cũng thấp hơn dự báo (8,8%).

Phiên hôm nay, xác cổ phiếu vốn hóa lớn như SoftBank Group Corp đã mất 4,6%, Fanuc giảm 3,2% và Tokyo Electron giảm 5,5%.

Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói với Bloomberg rằng Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều hơn những gì họ đã hứa cho đến nay để giảm bớt căng thẳng thương mại.

Điều này khiến giới đầu tư càng thêm phần chán nản và cho căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc dự kiến sẽ còn kéo, qua đó níu chân nhóm cổ phiếu chu kỳ như các nhà sản xuất công nghệ và máy móc với Awesomeest Corp giảm 2,7%, TDK Corp giảm 2% và Kyocera Corp giảm 2,5%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán một lượng cổ phiếu trị giá 600,1 tỷ Yên (5,29 tỷ USD) trong tuần đầu tiên của tháng 12, đánh dấu tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp, dữ liệu từ Japan Exchange Group cho thấy. Con số này là lớn thứ hai trong năm.

Đi ngược thị trường là Japan Display Inc, khi tăng tới gần 35% sau khi cho biết đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với một nhóm các công ty và quỹ đầu tư của Trung Quốc. 

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm, sau khi một số chỉ tiêu kinh tế tháng 11 được công bố gây thất vọng.

 Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,5% xuống 2.593,74 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,7% xuống 3.165,91 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm 1,69%, ngành tiêu dùng giảm 1,39%, bất động sản giảm 2,02% và y tế giảm 2,75% .

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tháng 11 tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ năm 2003 và sản lượng công nghiệp tăng ít nhất trong gần ba năm do nhu cầu trong nước tiếp tục yếu đi.

Trung Quốc vẫn đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 khoảng 6,5%, nhưng nền kinh tế phải đối mặt với nhiều bất ổn bên ngoài vào năm tới, một phát ngôn viên của văn phòng thống kê Trung Quốc cho biết.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất là Zhejiang Tuna Environmental Science & Technology Co Ltd tăng 10,03%, Poten Environment Group Co Ltd tăng 10,02% và Fujian Raynen Technology Co Ltd tăng 10,02%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất gồm Fujian Kuncai Material Technology Co Ltd, giảm 9,34%; Ecovacs Robotics Co Ltd, mất 9,28% và Huayi Electric Co Ltd, giảm 9,25%.

Chứng khoán Hồng Kông theo chân thị trường Đại lục đi xuống, khi lo ngại ngày càng sâu sắc về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu về tiêu dùng và sản lượng công nghiệp.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,6% xuống 26.094,79 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,9% xuống 10.359,43 điểm. Trong tuần, HSI tăng 0,1%, còn HSCE giảm 0,1%.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 1,5%, ngành CNTT giảm 2,55%, h tài chính giảm 1,36% và bất động sản giảm 1,01%.

Cổ phiếu tăng tốt nhất phiên hôm nay là Hengan International Group Company Ltd, tăng 1%, trong khi thua lỗ lớn nhất là CSPC Pharmaceutical Group Ltd, giảm 12,5%.

Nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất có Hengan International Group Company Ltd tăng 1%; Byd Co Ltd, tăng 0,09%

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm CSPC Pharmaceutical Group Ltd, giảm 12,5%, ZhongAn Online P & C Insurance Co Ltd, giảm 7,4% và China Gas Holdings Ltd, giảm 6%.

Kết thúc phiên 14/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 441,36 điểm (-2,02%), lxuống 21.374,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 40,31 điểm (-1,53%), xuống 2.593,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 429,56 điểm (-1,62%), xuống 26.094,79 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC hồi phục. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.345 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,25 - 36,43 triệu đồng/lượng, tăng thêm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.778 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.255 - 23.345 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

 - Nhân sự ngân hàng “trong sợ ngoài thèm“

Những vụ đại án, vụ kiện tụng liên tục diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng đã phần nào khiến những nhân sự "thừa lệnh" rụt rè, nhưng về tổng thể, ngành ngân hàng vẫn đang thu hút nhân lực khá tốt..>> Chi tiết

Hàng trăm cổ phiếu “treo” giá trên sàn

Thống kê phiên 11/12/2018 cho thấy, có quá nửa số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không có giao dịch, trong đó không ít mã mất thanh khoản kéo dài..>> Chi tiết

Chuyện các mã vào - ra rổ VN30

Chỉ số VN30 được xem xét và điều chỉnh theo chu kỳ 6 tháng/lần (vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm). Danh mục VN30 hiện tại đang áp dụng sẽ có hiệu lực cho đến 25/1/2019 và sẽ được xem xét và có thể thay đổi ở kỳ tiếp theo..>> Chi tiết

Thời gian gom hàng của cổ đông nội bộ

Cuối năm, giá cổ phiếu không tăng khiến cổ đông nội bộ của nhiều công ty niêm yết đăng ký mua vào cổ phiếu với mục đích nắm giữ dài hạn. Đây có thể lực đỡ cho thị trường trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ..>> Chi tiết

Dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam 2019 - 2020

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sẽ duy trì đà tăng trưởng cao, nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy giảm..>> Chi tiết

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống

Cơ quan thống kê Trung Quốc sáng nay công bố sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 11, với tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự báo..>> Chi tiết

Tin bài liên quan