Thị trường vàng cần giải  pháp căn cơ hơn

Thị trường vàng cần giải pháp căn cơ hơn

(ĐTCK-online) Với việc thành lập liên minh gồm 5 ngân hàng (Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank, DongABank) và SJC được NHNN cho phép để xả hàng bình ổn thị trường vàng, đã có hơn 5 tấn vàng được liên minh này bán ra trong ngày 6/10, thu hẹp đáng kể mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các giải pháp bình ổn thị trường vàng cần được tiến hành một cách căn cơ hơn.

Chênh lệch hẹp dần

Theo NHNN, trước tình hình chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, cơ quan này đã kịp thời thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng để tránh bị giới đầu cơ đẩy giá nhằm mục đích trục lợi, đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp xử lý kịp thời. 

Một trong những giải pháp vừa được đưa ra và có tác động tích cực lên thị trường là việc thành lập liên minh trên. Qua đó, kéo được giá vàng trong nước về sát với giá quốc tế khi lượng lớn hàng được liên minh tung ra.

Số vàng bán ra trong 2 ngày (6 và 7/10) do liên minh 5 ngân hàng và SJC đã đạt trên 5 tấn, tương đương hơn 130.000 lượng, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong quỹ vàng của các đơn vị này. Theo liên minh trên, trong thời gian tới, việc bán vàng can thiệp sẽ được thực hiện tiếp cho đến khi đạt mục tiêu giữ giá vàng trong nước ở mức hợp lý so với giá thế giới và ổn định tỷ giá hối đoái.

Trên thực tế, với giải pháp thành lập liên minh để bán vàng bình ổn giá, cung đáp ứng đủ cầu, nên giá vàng giao dịch trên thị trường nội địa trong 3 ngày cuối tuần qua đã dần được kéo sát lại với giá vàng thế giới. Sáng 8/10, giá vàng SJC giảm còn 43 - 43,4 triệu đồng/lượng, chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 700.000 đồng/lượng, thay vì 3 - 4 triệu đồng/lượng trước đó.

Trả lời ĐTCK, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, trong ngày 6/10, Công ty đã bán ra gần 4.000 lượng vàng và bán thêm 1.500 - 1.600 lượng vàng trong buổi sáng 7/10; trong khi doanh số mua vào chỉ là 700 - 800 lượng.

"Với giải pháp vừa được NHNN đưa ra để can thiệp thị trường vàng, trước mắt đã có tác động tích cực lên thị trường, mà điều quan trọng nhất là kéo được giá bán ở nội địa về gần giá thế giới", bà Cúc nói.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc SJC, giải pháp bình ổn giá vàng đang đi đúng hướng, đồng thời tạo điều kiện lưu thông cho thị trường.

Những đơn vị tham gia liên minh trên còn cho biết, sẽ hành động theo hướng liên minh chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của NHNN, chiến lược kinh doanh sẽ được điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với thị trường. Vì thế, khả năng mức chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới sẽ ngày càng thấp hơn.

Sau khi NHNN dùng giải pháp mạnh, mãi lực vàng vật chất trên thị trường nội địa đã nguội dần. Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBJ), bà Nguyễn Ngọc Quế Chi cho hay, trong 2 ngày cuối tuần qua, lượng vàng bán ra của Công ty chỉ đạt hơn 1.000 lượng/ngày và mua vào cũng rất ít. Theo bà Chi, sở dĩ giao dịch vàng trở nên trầm lắng dù giá đã giảm và mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới được thu hẹp là do các dự báo rằng, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục lình xình do đã tăng nóng một thời gian dài trước đó.

Tuy nhiên, theo Nhóm tư vấn tiền tệ Eximbank, USD giảm giá trở lại đang là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá vàng. Kim loại quý này có khả năng sắp kết thúc giai đoạn tích lũy và bước vào giai đoạn tăng giá trong tuần này nếu vẫn giữ ở mức trên 1.660 USD/ounce. Tại thị trường nội địa, Sacombank - SBJ cho rằng, với sự can thiệp của NHNN, kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ chỉ còn chênh so với giá thế giới khoảng 200.000 - 400.000 đồng/lượng. Mức này là phù hợp đối với thị trường có nhu cầu về vàng cao như Việt Nam .

 

Cần giải pháp căn cơ hơn

Sacombank - SBJ dự báo, nhu cầu vàng trong nước tiếp tục gia tăng vào cuối năm, kể cả với mục đích đầu tư và nhu cầu sử dụng vàng trang sức. Tuy nhiên, việc lướt sóng trong giai đoạn này vẫn khá rủi ro. Do đó, theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, để bình ổn thị trường vàng thì cần có giải pháp dài hạn và căn cơ hơn. Nói cách khác là cần mở cửa thị trường (khơi thông xuất - nhập). Khi đó, giá vàng sẽ tự điều tiết để cân bằng và giao dịch sát với giá trên thị trường thế giới, thay vì phải dùng các biện pháp bình ổn mang tính chất tình thế như hiện nay.

Trên thực tế, mỗi khi giá vàng thế giới biến động và giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, NHNN đã can thiệp bằng cách cấp quota cho nhập vàng, song do lượng hạn ngạch nhập khẩu không đủ nên vẫn khó can thiệp, giá vàng trong nước vẫn cao hơn. 

Phó tổng giám đốc PNJ, bà Cúc cho rằng, về dài hạn, cần có thêm một số giải pháp khác ngoài biện pháp vừa được NHNN đưa ra là thành lập liên minh bán vàng can thiệp thị trường, chẳng hạn như việc linh hoạt hơn trong xuất - nhập vàng.

Thời gian qua, do sự không liên thông giữa hai thị trường trong và ngoài nước nên có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 3 - 4 triệu đồng/lượng. Điều này dẫn đến nhu cầu nhập khẩu vàng để can thiệp ứng phó, làm tiêu tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ. Vì thế, theo đánh giá của một số chuyên gia, nếu không thay đổi tư duy quản lý, sự mất liên thông hoặc lệch pha giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ là căn bệnh kinh niên của thị trường, vì nó tồn tại như một hệ quả tất yếu xuất phát từ các biện pháp quản lý hành chính.