Thoái vốn ngoài ngành, phải chấp nhận… trả giá

Thoái vốn ngoài ngành, phải chấp nhận… trả giá

(ĐTCK) Muốn hóa giải bế tắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện tại, các chuyên gia cho rằng phải chấp nhận đau đớn.

Thoái vốn ngoài ngành, phải chấp nhận… trả giá ảnh 1Các tập đoàn kinh tế nhà nước đang đau đầu trong việc xử lý hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành

 

Coi chừng “lây bệnh”

Quá trình tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã không ít lần được Bộ Tài chính đánh giá là chậm. Tuy nhiên, giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thì theo các chuyên gia, đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng và chưa đủ liều lượng cần thiết.

Một trong những giải pháp tái cấu trúc đang được các TĐ, TCT thực hiện là bán, chuyển giao các DN, dự án, khoản vốn đầu tư ngoài ngành cho các DNNN có ngành nghề kinh doanh phù hợp. Tại Hội thảo “Đổi mới vai trò Nhà nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế - cơ sở quan trọng cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, CIEM, cảnh báo, nếu cách làm này không minh bạch và công bằng, sẽ là mầm mống “lây bệnh” trong các DNNN. Trường hợp chuyển giao một số DN thành viên, các dự án của Vinashin sang Vinalines là một ví dụ… Tình trạng trầm trọng của Vinalines có thể đã không diễn ra nhanh, nếu không bị “gánh” một loạt các DN, dự án hoạt động không hiệu quả từ Vinashin?

Một hình thức tái cơ cấu phổ biến khác là chuyển giao DN từ các Bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Là người trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu và công bố kết quả đề tài “Nghiên cứu cơ chế bán, chuyển giao DN, dự án trong tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT”, TS. Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, CIEM, cho hay, việc chuyển giao DN về SCIC còn chậm so với yêu cầu, một phần do vai trò của đơn vị này chưa được khẳng định. Tính hiệu quả của mô hình SCIC chưa thuyết phục được các cơ quan quản lý, để được trao quyền mạnh hơn sau gần 7 năm hoạt động. Đáng nói trong tổng số vài trăm DN mà SCIC nhận về, thì chỉ có hơn 50 DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ vốn, còn lại hầu hết là không cần nắm giữ. Do các DN này hoạt động không hiệu quả, có nhiều tồn tại về tài chính, nên không thể cổ phần hóa...

 

Không trả giá sẽ bế tắc

Một giải pháp quan trọng khác trong quá trình tái cơ cấu DNNN, nhất là các TĐ, TCT là thúc đẩy các DN này thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, việc thực hiện biện pháp này đang bế tắc, do giá thị trường của các khoản đầu tư này hiện quá thấp so với giá vốn đầu tư ban đầu, trong khi yêu cầu đặt ra trong quá trình thoái vốn là phải bảo toàn vốn nhà nước.

Ông Cường cho rằng, nếu cứng nhắc và máy móc trong thực hiện nguyên tắc bảo toàn vốn, thì bế tắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành rất khó được hóa giải. Thực tế cho thấy, phải chấp nhận trả giá nếu muốn thành công trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Cụ thể là phải chấp nhận cắt lỗ với các khoản đầu tư ngoài ngành. Nên coi đây là một sai lầm, một khoản lỗ trong kinh doanh như các khoản đầu tư khác của các DNNN. Phải coi biện pháp cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành lỗ là cơ chế đặc thù, để xử lý “chuyện đã rồi”, chứ không phải là chính sách mang tính dài hạn. Nói cách khác, khi ban hành cơ chế cho phép DN thoái vốn lỗ ít nhất có thể, phải khoanh vùng các khoản nợ thuộc diện cho phép áp dụng cơ chế này, để tránh DN lợi dụng cho hợp thức hóa các khoản đầu tư ngoài ngành mới phát sinh. Việc áp dụng cơ chế đặc biệt này không được coi là tiền lệ áp dụng với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề chính trong tương lai. Nói cách khác, cùng với cho phép sử dụng liệu pháp “đau” để sớm kết thúc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn các khoản đầu tư này phát sinh trong tương lai.

“Hệ quả của hàng loạt DNNN, nhất là các TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành tràn lan như hiện nay, không chỉ có lỗi của chính các DN, mà còn của cả các cơ quan quản lý, giám sát. Do đó, khi xem xét biện pháp trả giá cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cần có hướng tiếp cận thực tế và khả thi…”, ông Cường khuyến nghị, đồng thời cảnh báo, nếu không tính toán phương án cho phép DNNN thoái vốn lỗ hợp lý, thì e rằng sẽ làm tăng nguy cơ mất vốn của Nhà nước, bởi có thể hiện tại các khoản đầu tư ngoài ngành đem ra bán còn có người mua, chứ nếu để quá lâu sẽ khiến giá trị các khoản đầu tư ngày càng sụt giảm, thậm chí bán không ai mua. Một khi điều này xảy ra, thì nguy cơ Nhà nước mất trắng các khoản vốn do DNNN đem đi đầu tư ngoài ngành không có gì chắc chắn là không xảy ra.