Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vạch ra một loạt giải pháp đồng bộ và yêu cầu đồng thuận thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vạch ra một loạt giải pháp đồng bộ và yêu cầu đồng thuận thực hiện.

Thủ tướng: Thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn rót tiền đúng chỗ

Làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam ngày 7/4 về kiềm chế lạm phát, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. ông khẳng định, trong tình hình hiện nay phải thắt chặt tiền tệ, nhưng vẫn "rót" tiền đúng chỗ, ưu tiên những lĩnh vực đầu tư cấp thiết.

 

"Có đường phố đến 8-9h sáng chưa tắt đèn"

 

Đi sâu vào một số giải pháp kiềm chế lạm phát, Thủ tướng bày tỏ quan điểm, trong tình hình giá tăng, Chính phủ sẽ tiếp tục bù lỗ giá xăng, mặc dù giá xăng ở VN thấp hơn các nước xung quanh, như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, để không hoàn toàn đẩy khó khăn cho người dân.

 

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Trong tình hình hiện nay phải thắt chặt tiền tệ, nhưng vẫn phải "rót" tiền đúng chỗ, ưu tiên những lĩnh vực đầu tư cấp thiết. Có thể hoãn những công trình đang khởi công để dồn vốn vào những công trình cấp thiết.

 

Các Bộ, các địa phương cần rà soát thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, đầu tư.

 

"Có nhà máy xi măng đã hoàn thành, chuẩn bị đốt lò thì ngừng lại vì phải chờ 7-8 cột điện. Nhiều dự án gặp vướng mắc trong khi hệ thống chính trị có thể giải quyết ngay" - Thủ tướng nhắc nhở.

 

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư xây dựng, quy hoạch, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, góp ý, quy hoạch địa phương, ngành hiện nay không cập nhật, vốn đầu tư cho quy hoạch thường xuyên thiếu. Đồng thời, nhiều công trình chậm trễ kéo dài, gây ứ đọng vốn. Ông Hải đề nghị cần kiểm tra và cho kết luận nhanh chóng công trình cầu Rạch Miễu (Bến Tre) đã chậm trễ nhiều năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra thuận lợi của VN trong tình hình hiện nay: Nguy cơ an ninh lương thực của thế giới tăng cao, VN có khả năng xuất khẩu lương thực, thu về lợi nhuận.


"Nhờ đó, việc lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn cũng tốt hơn. Chúng ta đủ sức lo cho người nghèo, chịu thiên tai không bị đói, mặc dù không dư dả" - Thủ tướng nói.

Về vấn đề cắt giảm những chi tiêu công chưa thật cần thiết, Thủ tướng cho rằng: "Người dân còn than phiền về việc chi tiêu lãng phí. Tôi từng nhìn thấy có đường phố đến 8-9h sáng chưa tắt đèn. Có thể tiết kiệm 10% chi chi tiêu điện năng, xăng dầu. Cần rà soát, hạn chế hội họp, có thể thay nhiều cuộc họp triệu tập thành họp qua phương tiện máy móc. Hết sức hạn chế đi nước ngoài bằng ngân sách. Cắt giảm tiếp khách".

 

Thủ tướng nhắc nhở các địa phương quản lý chặt giá cả bằng công khai niêm yết, không để xảy ra tình trạng thiếu cục bộ.

 

Phân tích cụ thể về giải pháp chống lạm phát, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng không nên giảm chi theo phần trăm mà giảm chi theo đối tượng, giảm đối với những trường hợp không cấp bách, không hiệu quả. Đối với giáo dục, y tế, không nên giảm chi.

 

Ông đề nghị, các địa phương nên ban hành sổ tay xây dựng cơ bản cập nhật những quy định mới công bố, để cứ theo đó thực hiện, không cần chờ đợi, hỏi thông tin. Phó Thủ tướng lấy ví dụ tỉnh Trà Vinh trong quý 1 mới hoàn thành khoảng 8% khối lượng xây dựng cơ bản do vướng thủ tục.

 

Theo Phó Thủ tướng, cần lập website công bố giá các mặt hàng, để các địa phương chủ động kiểm soát giá.

 

Giảm 10% chi tiêu hành chính: Địa phương kêu khó

 

Theo ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, địa phương cũng đang phải đối mặt với vấn đề tăng giá, đặc biệt là dịch vụ y tế và dịch vụ giao thông. Khánh Hoà đã xuất hiện tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, do đời sống khó khăn.

 

Ông Phi cũng tỏ ý băn khoăn về việc thực hiện giải pháp giảm 10% chi tiêu hành chính, trong khi giá bút, mực, giấy cũng tăng. Chính phủ cần loại trừ chi tiêu tiền lương khỏi diện này.

 

"Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tác chỉ đồng ý trả bằng USD, trong khi giá USD đang giảm. Cần hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hoạt động xuất khẩu, để khắc phục tình trạng bị lỗ" - ông Phi kiến nghị.

 

Chia sẻ với ý kiến này, đại diện tỉnh Quảng Nam đề nghị gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp; phần tăng thu của địa phương so với chỉ tiêu đầu năm do HĐND quyết định, đề nghị cho địa phương giữ lại.

 

Đại diện tỉnh Quảng Nam cũng phản ánh tình trạng doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay hiện nay rất khó.

 

Quan tâm đến giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ ở các công trình, tránh ứ đọng vốn, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, TP tăng cường sự chặt chẽ trong duyệt dự án đầu tư, bám sát tiến độ công trình, áp dụng phạt đối với những trường hợp không thực hiện tiến độ. Đảng bộ TP.HCM quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

 

Ông Tài cũng khẳng định: Đối với đối tượng vừa vượt mức nghèo (thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm), TP giữ nguyên chế độ như đối với người nghèo. Chẳng hạn, giữ nguyên 300.000 thẻ bảo hiểm y tế và áp dụng chế độ miễn giảm học phí cho đối tượng này.

 

 

9 tháng tới: Sản xuất, xuất khẩu vẫn khó khăn

 

Theo dự báo của Bộ Tài chính, 9 tháng còn lại, nền kinh tế Mỹ có thể vẫn suy giảm, đồng USD tiếp tục mất giá; giá dầu thế giới diễn biến theo chiều hướng đứng ở mức cao; lạm phát cao đang trở thành xu thế của thế giới.

 

Ở VN, giá cả một số mặt hàng lương thực thiết yếu sẽ chuyển biến theo hướng giảm do thời tiết đã tốt hơn, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, do chi phí đầu vào tăng.

 

Chính sách tiền tệ tiếp tục được thực hiện theo hướng thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát sẽ tác động đến nguồn vốn cho đầu tư.

 

Đưa ra giải pháp chung kiểm soát giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh công tác kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hoá, dịch vụ theo giá niêm yết, nhất là hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu: xi măng, sắt thép và dịch vụ vận tải. Đồng thời kiểm tra việc thu các loại phí dịch vụ, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá, phí dịch vụ tùy tiện. Xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm theo quy định.

 

Bộ Tài chính đề nghị UBND các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không để tăng giá đối với: điện, xăng dầu, than cho các hộ tiêu dùng lớn, vận chuyển hành khách bằng xe buýt, hàng không, tàu hoả. Ngoài ra không tăng giá nước sạch, xi măng, sắt thép, học phí, viện phí.

 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh tế vĩ mô, nhưng tiềm năng phát triển của kinh tế VN vẫn rất lớn, hứa hẹn đạt tăng trưởng GDP 7,5% năm 2008 (bằng bình quân 5 năm trước).

 

Theo dự báo, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Hai năm tiếp theo, VN có cơ hội tăng trưởng cao.

Theo VNN

>>Kiềm chế lạm phát