Tín dụng ngoại tệ, cần cụ thể hóa đối tượng được vay

(ĐTCK-online) Trước tình trạng cho vay ngoại tệ tràn lan dẫn đến căng thẳng trên thị trường ngoại hối thời gian qua, ngày 24/3, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2011/TT-NHNN quy định việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, trong đó yêu cầu các đối tượng được vay ngoại tệ phải đảm bảo nguồn trả nợ ngoại tệ. Các chuyên gia cho rằng, việc thắt chặt tín dụng ngoại tệ như trên là cần thiết. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa hơn nữa các đối tượng được vay ngoại tệ để hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ phẩm, không thiết yếu...

Sau khi Thông tư 25/2009/TT-NHNN ngày 15/12/2009 bổ sung 2 đối tượng được vay ngoại tệ, cộng với việc lãi suất cho vay VND quá cao so với lãi suất cho vay USD, tín dụng ngoại tệ đã bùng nổ. Theo báo cáo của NHNN, năm 2010, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 29,81%; trong đó tín dụng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%. Điều này gây sức ép đến tỷ giá giai đoạn cuối năm 2010 do nhu cầu USD tăng đột biến khi những khoản vay đáo hạn.

Thực trạng này cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô càng khiến thị trường ngoại hối thêm căng thẳng. Chính vì vậy, ngày 11/2/2011, NHNN đã phải điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng tới 9,3% - mức điều chỉnh kỷ lục trong mấy năm trở lại đây.

Thế nhưng, 3 tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ vẫn tăng ở mức cao. Tại cuộc họp báo chiều 1/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 3,27%. Trong đó, tín dụng tiền đồng tăng 0,9%, còn tín dụng ngoại tệ tăng 11% (bao gồm cả phần tăng thêm do điều chỉnh tỷ giá ngày 11/2). Dự báo, trong tháng 3, tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng ở mức cao so với VND.

Trước thực trạng này, nhằm chấn chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ, NHNN đã ban hành Thông tư 07. Theo đó, đã loại bỏ 3 đối tượng có nhu cầu vốn ngoại tệ so với quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-NHNN ngày 10/4/2008 và Thông tư số 25/2009/TT-NHNN, bao gồm: Cho vay để trả nợ nước ngoài trước hạn; Cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Cho vay trung, dài hạn để thực hiện dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu. Đặc biệt, Thông tư 07 yêu cầu các đối tượng vay ngoại tệ phải đảm bảo bằng văn bản về nguồn ngoại tệ trả nợ.

Theo nhiều chuyên gia, những quy định như vậy là cần thiết nhằm giảm dần vấn nạn đô la hóa trong nền kinh tế, ổn định thị trường ngoại hối. Động thái này cũng sẽ góp phần hạn chế đối tượng vay ngoại tệ để nhập khẩu, qua đó giảm nhập siêu. Tuy nhiên, việc quy định đối tượng được vay vốn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ quá chung chung có thể dẫn đến cơ chế xin - cho ngay trong ngân hàng và khiến DN nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu như phân bón, nguyên liệu... chưa chắc đã "đấu lại" các đơn vị nhập hàng xa xỉ phẩm, nếu như không "quan hệ tốt" với ngân hàng.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ, cơ chế xin - cho hiện rất phổ biến trong hệ thống ngân hàng, do vậy câu chuyện vay ngoại tệ để kinh doanh của các DN trong Hiệp hội Phân bón từ trước đã rất khó khăn và với Thông tư 07 sẽ còn khó khăn hơn, bởi nguồn hàng nhập về để bán trong nước nên rất khó chứng minh đươc nguồn ngoại tệ để trả nợ. Ông Thuý nói: "Chính phủ nên hạn chế việc cấp tín dụng ngoại tệ để nhập các mặt hàng xa xỉ phẩm, còn ngoại tệ phục vụ mặt hàng thiết yếu thì cần ưu tiên. Ưu tiên ở đây phải là bằng văn bản cụ thể chứ không thể nói chung chung".

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, mấy ngày nay, các DN nhập khẩu xăng dầu, khí hoá lỏng "kêu ca" với Hiệp hội rất nhiều về những khó khăn do quy định trong Thông tư 07. Nếu muốn nhập khẩu hàng hóa thì phải có ngoại tệ, trong khi những DN này không thể chứng minh có nguồn ngoại tệ trong tương lai nên không thể gõ cửa ngân hàng.

"Sản lượng gas trong nước mới chỉ cung cấp 40% thị phần, 60% còn lại phải nhập khẩu. Do vậy, cần xem xét riêng từng đối tượng và đặc biệt ưu tiên đối tượng kinh doanh những mặt hàng chiến lược phục vụ sản xuất và nhu cầu thiết yếu của nhân dân", ông Thắng nói.