Tín hiệu tốt của doanh nghiệp niêm yết

Tín hiệu tốt của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Doanh thu của các công ty niêm yết đã nhích lên đôi chút so với năm trước. Tuy nhiên, khả năng sinh lời, khả năng chi trả cổ tức vẫn đang là bài toán khó với các doanh nghiệp này.

Điểm yếu nổi trội

So với lần công bố Bảng xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất Việt Nam (V 1.000) trước, dựa trên số liệu phân tích năm 2011, thì lần này, theo báo cáo dựa trên số liệu nộp thuế năm 2012 của doanh nghiệp niêm yết, số doanh nghiệp thua lỗ tăng 64,8% và tổng giá trị thua lỗ tăng 62,5%. Trong khi đó, số doanh nghiệp có lãi giảm 10,9% với tổng giá trị lợi nhuận giảm 18,1%.

Nếu tính thêm các lưu ý, ngoại trừ của kiểm toán độc lập có thể lượng hóa được, thì kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2012 của doanh nghiệp niêm yết giảm đi hơn 413 tỷ đồng. Có 13 công ty rơi vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết trong Bảng xếp hạng V 1.000 chiếm chưa tới 15%, với số thuế đóng góp tính trên tổng số thuế của V 1.000 chỉ ở mức khiêm tốn 22%, mà phần đông vẫn là doanh nghiệp thuộc ngành tài chính, ngân hàng và khoáng sản, xăng dầu.

Cũng theo số liệu thu thập riêng đối với doanh nghiệp niêm yết, chỉ số ROA  (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) và lợi nhuận sau thuế/tổng doanh thu của các doanh nghiệp này xét theo nhóm ngành ở mức thấp. Chỉ có 32,7% doanh nghiệp niêm yết thuộc Bảng xếp hạng V 1.000 có chỉ số ROA cao hơn 0,1 (tương đương với mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra được 10 đồng lời). Trong khi đó, hơn 67,3% doanh nghiệp không đạt được kết quả này. Xét về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản, chỉ 1/3 doanh nghiệp niêm yết đạt 10%, còn lại đều dưới 10%.

Xét về chỉ số ROE, chưa đến 44,7% doanh nghiệp niêm yết đạt mức lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu trên 0,15, trong khi hơn 55,3% số doanh nghiệp niêm yết có ROE nhỏ hơn hoặc bằng 0,15. Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra chỉ để trả lãi vay ngân hàng (lãi suất 15%).

Có thể thấy, ngay cả những điển hình của doanh nghiệp niêm yết trong việc đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách quốc gia, hay có thể nhìn nhận ở góc độ những doanh nghiệp hoạt động tốt trong năm 2012, cũng bộc lộ nhiều điểm yếu của mình khi bị đặt trước câu hỏi về khả năng sinh lời, cùng với đó là khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông bởi họ là các doanh nghiệp niêm yết.

Một vài tín hiệu tốt

Số liệu thống kê tổng thể của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy sự khởi sắc trong kinh doanh thể hiện qua sự gia tăng về doanh thu, lợi nhuận trong bán niêm 2013.

Doanh thu của các công ty niêm yết trên cả 2 sàn HSX và HNX trong nửa đầu năm 2013 đã nhích lên đôi chút (hơn 1%) so với năm trước, đạt 362.592 tỷ đồng. So với mức tăng trưởng chung, đây là con số khá thấp, nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì đây được coi là tín hiệu khá tích cực.

Hơn thế, mức tăng trưởng lợi nhuận gộp rất ấn tượng đạt gần 19%.

Nếu hợp nhất các doanh nghiệp trên sàn lại, (trừ ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) thì lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ trong nửa đầu năm 2013 đạt 28.347 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động tài chính có dấu hiệu khả quan hơn, một phần nhờ giảm chi phí lãi suất. Doanh thu hoạt động tài chính gia tăng đáng kể, đạt 14.090 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đã tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2013 sau 2 năm giảm liên tiếp.

Những tín hiệu này phần nào an ủi giới đầu tư. Nhưng liệu rằng, doanh nghiệp niêm yết đã tìm được lối đi riêng cho mình trên con đường sinh lời hay chưa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc ổn định kinh tế vĩ mô và những hỗ trợ của Chính phủ đối với thị trường tài chính sẽ là động lực để doanh nghiệp niêm yết nỗ lực hơn nữa cho mục tiêu phục hồi và tăng trưởng trong tương lai không xa.n

(*) Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam