Tự doanh CTCK “xả hàng” blue-chip?

Tự doanh CTCK “xả hàng” blue-chip?

(ĐTCK) Từ giữa tháng tháng 8, các CTCK thay đổi chiến thuật trong tự doanh bằng việc tập trung “xả hàng” ở các mã cổ phiếu blue-chip có thị giá cao.

Diễn biến của TTCK từ đầu tháng 8 đến nay ghi nhận rất nhiều bất ngờ, từ chỗ VN - Index nhanh chóng thiết lập đỉnh mới 511,02 điểm đến việc tuột khỏi mốc 500 điểm chỉ trong vài phiên. Biến động mạnh của thị trường luôn là cơ hội để các CTCK mua, bán cổ phiếu, thực hiện nghiệp vụ tự doanh để kiếm lời.

Tự doanh CTCK “xả hàng” blue-chip? ảnh 1

VietibankSC hiện dành khoảng 70% vốn chủ sở hữu cho hoạt động tự doanh 

Thay đổi chiến thuật

Không đứng ngoài thị trường, nhiều CTCK đã thực hiện chốt lời thành công sau thời gian gom hàng trước đó. Nhìn vào diễn biến giao dịch của khối này cho thấy, thời gian gần đây, các CTCK đã phản ứng khá linh hoạt với diễn biến thị trường, khi thực hiện mua ròng - bán ròng liên tục.

Với 23 phiên giao dịch của tháng 7, tự doanh CTCK đã mua ròng 14 phiên và bán ròng 9 phiên. Cụ thể, trong tháng 7, tự doanh CTCK đã mua vào 15,96  triệu cổ phiếu và bán ra 11,37  triệu cổ phiếu; tương ứng với giá trị mua vào 407,23 tỷ đồng, bán ra 401,95 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 4,59 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị mua ròng 5,28 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ giữa tháng tháng 8, các CTCK thay đổi chiến thuật trong tự doanh bằng việc tập trung “xả hàng” ở các mã cổ phiếu blue-chip có thị giá cao và gom vào các mã có thị giá thấp hơn, thể hiện ở việc khối tự doanh mua ròng về mặt khối lượng, nhưng lại bán ròng về mặt giá trị. Đơn cử, tại ngày 14/8, giá trị trung bình 1 cổ phiếu khối tự doanh CTCK mua vào là 14.000 đồng, trong khi giá trị 1 cổ phiếu bán ra gần 45.000 đồng.

 

Chuẩn bị nguồn vốn chờ cơ hội

Nhìn vào thực tế tại CTCK, dù rất khó để nhận ra từng mã cổ phiếu các CTCK thực hiện tự doanh, vì các CTCK chưa bắt buộc phải công khai ra thị trường về danh mục tự doanh cổ phiếu, mà chỉ gửi báo cáo cho Sở GDCK và UBCK. Việc mua-bán các cổ phiếu phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng công ty, nhưng tựu trung, các CTCK dành một phần vốn cho hoạt động tự doanh và sẵn sàng giải ngân khi có cơ hội.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (AGR) cho biết, vài năm trở lại đây, Công ty luôn dành nguồn vốn ổn định khoảng 200 - 300 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh và Công ty vẫn chờ cơ hội để thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư hợp lý hơn.

Tương tự, CTCK VNDirect (VND) cũng dành khoảng 300 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh, bao gồm cả đầu tư vào cổ phiếu niêm yết lẫn cổ phiếu OTC. Theo đại diện VND,  với diễn biến của thị trường hiện tại thì hoạt động tự doanh của khối CTCK vẫn có cơ hội. Mặc dù vậy, quan điểm tự doanh của VND từ nay đến hết năm 2013 vẫn theo chiến lược thận trọng.

Chủ yếu tập trung cho mảng tự doanh trái phiếu, nhưng một số CTCK như CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) hay CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC) cũng không đứng ngoài cơ hội kiếm lời từ tự doanh cổ phiếu khi thị trường hồi phục. VietinBankSC hiện dành khoảng 70% vốn chủ sở hữu cho hoạt động tự doanh và mảng hoạt động này đang đem lại doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho Công ty. Chỉ trong quý II/2013, doanh thu từ hoạt động tự doanh đạt 22,71 tỷ đồng. Theo VietinbankSC, kết quả đó là nhờ Công ty đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động kinh doanh cổ phiếu và trái phiếu, cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Bên cạnh đó, ở một số CTCK, việc mua bán cổ phiếu vẫn diễn ra đều đặn, nhưng theo nguồn tin tin cậy thì việc này nhằm tạo ra “kho cổ phiếu” cho vay với những khách hàng “đặc biệt” của công ty. Để hợp thức hóa việc cho vay cổ phiếu với các khách hàng đặc biệt, các giao dịch của nhóm cổ phiếu này vẫn được các CTCK tính vào mục tự doanh.

Dù hoạt động tự doanh đã từng là nguyên nhân đẩy nhiều CTCK vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản, nhưng đây vẫn là một nghiệp vụ hấp dẫn đối với khối CTCK. Với những bài học từ những sóng gió của hoạt động tự doanh vài năm trước, các CTCK đang tập trung chủ yếu vào các mã cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt.