Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore trao đổi tại buổi giao lưu

Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore trao đổi tại buổi giao lưu

Việt Nam không phá giá tiền đồng

Hôm qua (17/11), tại buổi đối thoại với doanh nghiệp ở Singapore, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, kinh tế Việt Nam đang dần ổn định và không có chuyện phá giá VND.

Ông David Koh - đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - cho rằng, thời gian qua, VND mất giá so với USD, đô la Singapore (SGD)... có thể do ách tắc của thị trường hoặc do tác động của các chính sách tiền tệ trong nước. “Những chính sách này rất quan trọng đối với nhà đầu tư Singapore và nước ngoài. Nhà đầu tư khi làm ăn tại Việt Nam mong muốn VND được giữ giá theo lộ trình của họ”, ông Koh nói.

 

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trả lời: “Việt Nam rất thận trọng trong mọi sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Mặc dù linh hoạt, nhưng việc điều chỉnh luôn ở trong một giới hạn cho phép, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư”. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng khẳng định: “Việt Nam không tuyên bố phá giá đồng nội tệ” và cho biết thêm, tỷ giá được điều chỉnh theo thị trường với biên độ cho phép, đảm bảo VND ổn định trong một quá trình dài. Về dài hạn, ông Ninh nói rằng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để cân bằng cán cân thương mại. Mặt khác, “Việt Nam có lượng dự trữ ngoại hối hơn 21 tỷ USD, nên hoàn toàn có thể đảm bảo được chính sách tỷ giá và tiền tệ”.

 

Hôm qua, đại diện 85 doanh nghiệp Việt Nam và trên 150 doanh nghiệp Singapore đã có buổi giao lưu. Trong buổi sáng, đã có 3 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được ký kết giữa Cảng vụ Singapore (PSA) với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), giữa Japan Land Limited (văn phòng Singapore) và Công ty bất động sản Thái Sơn, giữa Credit Suisse Singapore và Công ty cổ phần Vincom.

Theo Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, trong 2 năm qua, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát có lúc lên rất cao. Nhưng nhờ có “các chính sách đối phó đồng bộ và quyết liệt, kinh tế Việt Nam đã ổn định và tăng đều trở lại. Bên cạnh đó chúng tôi vẫn đề phòng lạm phát tăng trở lại bằng cách một mặt thúc đẩy tăng trưởng, mặt khác đầu tư cho chất lượng tăng trưởng, làm sao cho sức lao động được sử dụng ngày một tốt hơn, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm nhiều hơn”.