Vietcombank: Day dứt chuyện IPO

Vietcombank: Day dứt chuyện IPO

(ĐTCK-online) Cuộc họp ĐHCĐ lần thứ nhất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) kéo dài từ 7 giờ 30 sáng tới hơn 3 giờ chiều mà cổ đông và cả lãnh đạo Ngân hàng ra về chẳng ai vui vẻ.

Nóng bỏng đại hội

Giá cổ phiếu VCB giảm hơn 50% so với giá trúng thầu bình quân đã là một áp lực nặng nề, tỷ lệ sở hữu quá lớn thuộc về Nhà nước khiến tiếng nói của những cổ đông khác không có trọng lượng càng khiến cho không khí đại hội thêm nóng bỏng. Diễn biến đại hội vượt qua dự tính của Ban tổ chức cuộc họp, dư âm của nó khiến những ai có cơ hội tham dự nhìn nhận ra nhiều câu chuyện bất cập và nếu không có cơ chế tháo gỡ một cách thỏa đáng, cổ phiếu VCB vốn được ví như nàng hoa hậu có nguy cơ biến thành cô gái xấu xí, để lại thất vọng chán chường cho nhiều nhà đầu tư vốn rất nặng lòng.

Sau đợt IPO hồi cuối năm 2007, có thể xếp VCB là công ty đại chúng có số cổ đông nhiều nhất Việt Nam , khoảng 15.000 người. Nghịch lý ở chỗ, 15.000 người đó chỉ sở hữu lượng cổ phần chưa tới 10%, còn 3 vị đại diện cho cổ đông nhà nước gồm ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT VCB và ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc VCB, nắm hơn 90% số cổ phiếu còn lại. Mở đầu phần thảo luận, một nhà đầu tư được uỷ quyền tham dự đại hội đã nêu ra vấn đề khiến không khí trở nên khá gay gắt: "Tổng số cổ phần của 3 vị đại diện phần vốn nhà nước chiếm hơn 90%, theo dự thảo điều lệ hoạt động của VCB sau cổ phần hóa, các vị có quyền triệu tập họp HĐQT và thông qua các nội dung, cũng như thông qua các nội dung trong cuộc họp này. Vậy, cổ đông nhỏ lẻ ngồi đây làm gì?".

Băn khoăn không được giải đáp, lại nghe lãnh đạo VCB chia sẻ nỗi niềm chẳng sung sướng gì khi được giao trọng trách, cổ đông càng bức xúc khi chưa được phát biểu ý kiến mà đã được yêu cầu biểu quyết thông qua điều lệ hoạt động. Ông Phan Hồng Quân, Giám đốc CTCK EuroCapital lớn tiếng, họp như vậy là mất dân chủ. Theo ông Quân, dự thảo điều lệ mà VCB xây dựng có những điều khoản không thể chấp nhận được. Đơn cử như quy định cổ đông sở hữu 5% cổ phần trở lên mới có quyền biểu quyết đề cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. "Nếu tính 5% số vốn điều lệ tương ứng với 750 tỷ đồng nhân với giá 100.000 đồng/CP sẽ là 7.500 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD. Con số này khó có một tổ chức đầu tư trong nước nào đủ năng lực tài chính để tham gia. Vì thế, quy định như vậy hóa ra chỉ là hình thức, không ai tham gia được. Nên chăng, hạ tỷ lệ trên xuống 1%", ông Quân kiến nghị. Đôi co giữa nhà đầu tư và Ban lãnh đạo VCB khiến không khí hết sức căng thẳng và một cựu lãnh đạo của VCB đã phải đứng lên giảng hoà bằng cách đề nghị: "Nhà đầu tư nào muốn góp ý cứ cho góp ý thoải mái, vì chẳng qua cũng chỉ là đóng góp cho có lý luận thôi, còn quyết định hay không vẫn nằm ở cổ đông nhà nước".

Phân tích của một vài cổ đông về việc tiếng nói của họ không hề có trọng lượng, thực ra chỉ là hình thức tại cuộc họp ĐHCĐ khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ thực sự thất vọng, họ bỏ ra về giữa chừng mà không tham gia bỏ phiếu.

Một nội dung nữa gây thu hút và tranh luận nảy lửa là kế hoạch niêm yết của VCB liệu có nên thực hiện ngay trong năm nay. Cổ đông đang mất mát như thế nào và triển vọng thu hút nhà đầu tư chiến lược tới đây ra sao?

Theo tờ trình tại ĐHCĐ, VCB trình đại hội xem xét thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu tại sàn TP. HCM trong năm 2008 và uỷ quyền cho HĐQT chịu trách nhiệm thực hiện việc niêm yết. Một cổ đông đứng dậy nhận xét thẳng, niêm yết năm nay chưa chắc đã có lợi cho nhà đầu tư. Anh phân tích, giả sử lợi nhuận đạt như kế hoạch năm 2008 thì lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của VCB là 1.624 đồng/CP. Trong khi đó, hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) của 2 ngân hàng đang niêm yết hiện nay là STB và ACB khoảng 10 - 14 lần. Nếu nhân EPS của VCB với P/E khoảng 10 - 14 lần thì giá cổ phiếu VCB khoảng 16.000 - 22.000 đồng/CP. Như vậy, liệu giá trúng thầu bình quân của VCB có bán được cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không?

Một phương án được cổ đông đưa ra để VCB xem xét đề xuất với Chính phủ nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên là tiếp tục bán bớt phần vốn nhà nước cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá bằng mệnh giá. Làm như vậy, giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh xuống xấp xỉ 60.000 đồng/CP (từ mức giá đấu thành công bình quân là 107.860 đồng/CP), mức giá này có thể dùng để đàm phán bán cho đối tác chiến lược nước ngoài, cũng có thể là giá chào sàn hợp lý khi VCB niêm yết.

"Các vị cứ hứa hẹn với cổ đông đang đàm phán bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng tôi đố các vị bán được giá 70.000 đồng/CP đó?", cổ đông này nói như vậy sau khi phân tích cổ phiếu VCB  và cho biết, anh không có sự lựa chọn nào bởi trước đó đã mua trái phiếu chuyển đổi VCB. Anh cũng bày tỏ băn khoăn về giá khởi điểm khi VCB niêm yết: "Đưa giá cao chắc sẽ tuột dốc hoài và với tỷ trọng lớn như VCB sẽ kéo VN-Index xuống, còn ấn định giá thấp thì nhà đầu tư đau xót, vậy có nên niêm yết trong năm 2008 hay không?".

 

Thử thách bản lĩnh

Chuyển đổi hoạt động theo mô hình ngân hàng cổ phần trong bối cảnh TTCK đi xuống và giá cổ phiếu VCB đã giảm hơn một nửa, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều đang chịu thử thách lớn về bản lĩnh. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc VCB chia sẻ: "45 năm hoạt động trong cơ chế nhà nước là 45 năm trì trệ về cơ chế, con người và cần phải tháo gỡ. Khó khăn như năm 2008 này, xây dựng kế hoạch lợi nhuận như vậy đã là một sự cố gắng rất lớn, chúng tôi sẽ luôn cố gắng để làm tốt".

Cuộc họp ĐHCĐ VCB kết thúc, song dư âm của nó khiến người trong cuộc và những ai có trách nhiệm với tiến trình đổi mới DNNN phải suy nghĩ. Thực sự lãnh đạo VCB cũng đầy tâm trạng, bởi ngoài đại diện cho phần vốn nhà nước, bản thân họ, cán bộ - công nhân viên trong Ngân hàng cũng đang thua lỗ do giá cổ phiếu giảm mạnh. Nhiều phát biểu nhìn nhận rằng, giá cổ phiếu đã điều chỉnh về giá trị thực của nó, vậy câu hỏi đặt ra là việc định giá VCB với mức khởi điểm 100.000 đồng/CP có hợp lý? Giờ giá cổ phiếu giảm xuống còn 51.000 - 52.000 đồng/CP, VCB sẽ bán cho đối tác chiến lược nước ngoài với giá nào? Niêm yết với giá khởi điểm bao nhiêu để những người mua đầu tiên khỏi thiệt thòi?

Chưa hết, với tỷ lệ sở hữu của nhà nước lớn như vậy, tiếng nói cổ đông có ý nghĩa gì trong mỗi cuộc họp hiếm hoi một năm có một lần hay chỉ tham gia cho có hình thức? Những người đại diện phần vốn nhà nước tại Ngân hàng không sai, họ làm đúng luật. Có kiến nghị thì kiến nghị tại sao luật bảo vệ cổ đông thiểu số bằng cách quy định 65% biểu quyết thì thông qua mà lại không quy định thêm trong đó phải có tối thiểu bao nhiêu cổ đông thiểu số. Nhà đầu tư phải có trách nhiệm với quyết định của mình, ai cũng rõ điều đó, song tiến trình cổ phần hóa VCB nếu không tiếp tục tìm được một phương án vẹn toàn sẽ là liều thuốc đắng với mỗi nhà đầu tư khiến họ có thể phải dè dặt cân nhắc trước những sự lựa chọn mới mà các đợt IPO doanh nghiệp lớn mang tới.