Ảnh minh họa. Ảnh: Đức Thanh

Ảnh minh họa. Ảnh: Đức Thanh

VN-Index phục hồi 10,83 điểm: Một ngày có tạo nên xu hướng?

Phiên giao dịch khá lạc quan ngày 1.11 đã kết thúc với chỉ số VN-Index tăng 10,83 điểm, đưa thị trường vượt lên "cái bóng" giảm 28,28 điểm của ngày 29.10. Diễn biến này cũng trùng hợp với sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cắt giảm lãi suất và TTCK thế giới có phản ứng hết sức tích cực.

 

Tuy nhiên, việc tăng điểm một phiên vẫn chưa thể giúp thị trường thoát khỏi xu thế điều chỉnh.

 

Tăng nhưng vẫn thiếu lạc quan

Ngay khi FED công bố cắt giảm đồng thời lãi suất cơ bản và lãi suất chiết khấu thêm 0,25 điểm phần trăm, TTCK Hoa Kỳ đã có mức tăng trưởng đáng kể. Chỉ số Down Jones công nghiệp tăng 137,54 điểm, tương đương 1% S&P 500 tăng 18,36 điểm, tương đương 1,2% và NASDAQ tăng 42,41 điểm, tương đương 1,51%. Theo bình luận của các nhà phân tích quốc tế, mức cắt giảm này không quá bất ngờ và được dự đoán từ trước.

 

Tuy nhiên, vẫn có những hy vọng FED sẽ cắt giảm mạnh tay như hồi tháng 9 với mức giảm 0,5 điểm phần trăm. Hãng tin CNN Money cho rằng, chính sự lạc quan hơn trong bản nhận định của FED đã giúp thị trường tin tưởng hơn. Theo FED,  nền kinh tế Mỹ đã có tốc độ tăng trưởng tốt và sự căng thẳng trên thị trường tài chính đã giảm bớt.

 

Dù vậy, áp lực về lạm phát vẫn còn do giá năng lượng tăng cao và cần có sự giám sát chặt chẽ. Theo nhận định của FED, sau việc cắt giảm lần này và đợt cắt giảm tháng 9 vừa qua, tỉ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ở mức cân bằng hơn. Tuy nhiên, theo bình luận của Hãng tin MSNBC, việc cho rằng rủi ro suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức lạm phát đã cân bằng hàm ý ít có khả năng có thêm sự cắt giảm nữa trong ngắn hạn: "Việc lựa chọn từ ngữ như vậy là tín hiệu rằng FED cố gắng tránh áp lực phải điều hành tỉ giá theo động thái thị trường hơn là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và bình ổn giá. FED không muốn kẹt trong thế phải làm điều thị trường muốn".

 

Trước sự kiện TTCK phản ứng mạnh với quyết định cắt giảm lãi suất, nhiều ý kiến phân tích vẫn cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều lo ngại. "Giảm lãi suất nhằm khuyến khích chi tiêu, nhưng điều đó sẽ không xảy ra ngay lập tức mà phải chờ ít nhất 6 tháng nữa. Chẳng hạn sau đợt cắt giảm tháng 9, doanh số bán lẻ vẫn tăng không mạnh như mong đợi" - một ý kiến bình luận trên kênh CNNMoney.

 

TTCK VN: Sức tăng có dài hơi?

Phiên giao dịch ngày 1.11 đã chứng kiến sự trỗi dậy của một số CP đầu tàu "ngủ quên" mà điển hình là STB và REE cùng với sự đảo chiều chóng mặt của SSI và KDC. Toàn thị trường có 65 CP tăng giá và 25 CP giảm giá. Nếu không có sự níu kéo của nhóm FPT, SJS, VIC, VSH, PPC thì chắc chắn thị trường sẽ chứng kiến một phiên bùng nổ. Cũng tương tự lần tăng điểm sau quyết định cắt giảm lần trước của FED, nhóm CP đầu tàu tạo sức kéo cho VN-Index liên quan nhiều đến lĩnh vực tài chính, NH.

 

STB phiên này đạt mức giá cao nhất 70.000đ/CP, chỉ cách mức trần đúng 500đ. Trên 1,93 triệu CP được đặt mua với quy mô lệnh tương ứng 1.545 CP/lệnh. Lượng bán ra khoảng 2,11 triệu CP, tương ứng 1.638CP/lệnh. Tương quan quy mô giao dịch của STB đã có sự cải thiện đáng kể so với những phiên bị bán ra mạnh trước đó. Khối lượng khớp lệnh thành công của STB đạt 1,24 triệu đơn vị, cao hơn 17% so với mức giao dịch trung bình 5 phiên. Với lượng giao dịch lớn và đột phá về giá, STB đang chứng tỏ sức mạnh khi chạm mức hỗ trợ 67.000đ.

 

Tuy nhiên, lực bán ra với STB cũng không hề nhỏ khiến cường độ tăng giá không được duy trì về cuối phiên. Với SSI, sự đảo chiều phiên này cũng không quá khó đoán khi mức 265.000đ của phiên trước cũng chính là mức giá đóng cửa phiên cuối cùng trên sàn Hà Nội. Đây được coi là một mức hỗ trợ và thực tế lượng bán ra của SSI đang rất mạnh đã giảm đột ngột. SSI có lượng giao dịch giảm tới 32% so với phiên trước do thiếu hàng: Toàn bộ 940.290 CP chào bán được vét hết và dư mua vẫn còn trên 560.000 đơn vị.

 

Động thái giao dịch của NĐTNN phiên này đáng chú ý nhất là việc giảm cường độ xả hàng với một số blue-chips mà rõ rệt nhất là KDC: Chỉ bán 59.000 CP và mua vào 9.000 CP. Cầu nội đã đẩy KDC lên kịch trần với cầu gấp 3 lần cung. VNM bị bán ra khoảng 105.000 đơn vị và mua vào 65.000 đơn vị. Các giao dịch mua lớn đáng chú ý là PPC (126.280 CP), TCM (140.240 CP), SSI (89.880 CP), FPT (65.380 CP)... Tuy nhiên nếu tính theo lượng giao dịch thuần, sức đẩy từ nguồn vốn ngoại không thực sự mạnh khi khối lượng chỉ đạt hơn 600.000 đơn vị, giảm tới 41% so với phiên trước.

 

Mặc dù với phiên tăng khá mạnh ngày 1.11, VN-Index đã bứt ra khỏi biên độ giảm lớn của phiên ngày 29.10. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa chứng minh được sức mạnh thật sự khi khối lượng khớp lệnh CP giảm khoảng 8%. Số liệu về tổng cầu ghi nhận tăng lên xấp xỉ 3% nhưng điều đó không phản ánh thực sự tâm lý thị trường: Lượng dư mua chiếm tới 51% cho thấy NĐT vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào một sự đi lên bền vững. Thực tế thị trường hiện tại vẫn không có thêm thông tin hỗ trợ mới nào và dường như sự đảo chiều chỉ nhờ vào yếu tố ngoại lực cũng như sự chạm mức hỗ trợ của một số CP lớn.