Vốn FDI vào nông nghiệp: Khai thông từ PPP

Vốn FDI vào nông nghiệp: Khai thông từ PPP

Mới đây, một số tập đoàn có vốn đầu tư FDI quy mô lớn đã chính thức triển khai đầu tư 5 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Đây được xem như một bước tiến mới trong đầu tư nông nghiệp của VN.

Bộ NN& PTNT cho biết, vốn FDI vào nông nghiệp sụt giảm mạnh trong 10 năm qua và hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn FDI vào VN. Các dự án PPP sẽ khai thông vốn FDI và vốn đầu tư tư nhân trong nước vào nông nghiệp. Ngoài 12 tập đoàn quốc tế lớn tham gia Nhóm công tác PPP nông nghiệp, đã có thêm nhiều DN FDI khác đăng ký tham gia.

 

Cần môi trường pháp lý đáng tin cậy

 

Mặc dù các dự án PPP mới được triển khai ở giai đoạn thí điểm, DN FDI đầu tư mới hỗ trợ về mặt kỹ thuật và số vốn đầu tư chưa nhiều. Cụ thể, đối với dự án cà phê, các DN mới đầu tư khoảng 200.000 USD. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN& PTNT, thì sự vào cuộc của các DN FDI đã thu hút được nhiều nguồn vốn khác đầu tư trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp.

 

Được hỏi về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nguồn vốn mới này, ông Minh cho biết thêm, trong giai đoạn đầu thí điểm, nhà nước chưa trực tiếp rót vốn, mà chỉ hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật và nhân lực. Nghĩa là, nhà nước sẽ tham gia tạo môi trường chính sách trước, sau đó mới tính đến đầu tư. Có thể, nhà nước sẽ không góp vốn trực tiếp, nhưng sẽ hỗ trợ vốn gián tiếp thông qua cơ chế về tín dụng, nhân lực... Nếu các dự án thí điểm này thành công, vốn của khu vực tư nhân và vốn FDI sẽ đổ vào nông nghiệp. Điều quan trọng nhất của những dự án này là tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm, chia sẻ lợi nhuận giữa người dân và DN - ông Minh khẳng định.

 

Tuy nhiên, khi trao đổi với DĐDN về nguyện vọng đầu tư FDI trong lĩnh vực nông nghiệp tại VN, ông Nguyễn Thanh Kỳ - Giám đốc đối ngoại Cty Monsanto VN cho biết, sự hỗ trợ lớn nhất của nhà nước đối với DN là môi trường pháp lý, chứ không phải vốn. Bởi lẽ, thực tế định hướng thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp của VN hiện nay chưa được xác định rõ ràng; cơ chế, chính sách về FDI trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cho nên, muốn nhà đầu tư mở hầu bao, Chính phủ cần tạo một môi trường đáng tin cậy. Ông Kỳ cũng nhấn mạnh thêm, hình thức hợp tác PPP đang được triển khai hiện nay ở VN là rất tốt, không chỉ với DN FDI, mà còn với cả DN tư nhân trong nước. Hiện tại, Monsato đang muốn đẩy mạnh các dự án về ngô biến đổi gen, nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, vì sự chồng chéo quản lý giữa ba bộ: Y tế, Công thương, NN và PTNT. Vì vậy, để ngành nông nghiệp VN nhanh chóng phát triển với sự hợp tác đầu tư đa dạng về các ngành nghề, thì nhà nước cần phải phân cấp lại trách nhiệm rõ ràng giữa các Bộ ngành tránh tình trạng “chồng chéo” như hiện nay. Có như vậy thì các sản phẩm của các nhà đầu FDI cũng như các DN tư nhân hiện nay mới nhanh chóng được lưu thông trên thị trường. Qua đó, cũng tạo ra được một môi trường pháp lý minh bạch - ông Kỳ nhận xét.

 

Được biết, Bộ NN& PTNT đang rà soát lại toàn bộ chính sách đầu tư đối với nông nghiệp, những vấn đề riêng của ngành như thú y, thuốc, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật... Từ đó, Bộ sẽ hoàn thiện lại trên cơ sở gắn với quy định của WTO cũng như các tổ chức quốc tế. Bộ đã thành lập một đầu mối sẽ tiếp nhận mọi vấn đề về đầu tư trực tiếp, sẽ giải quyết chung các câu hỏi của các DN và nhà đầu tư muốn làm và sẽ chung vai với DN, nhà đầu tư giải quyết đến cùng những vướng mắc.

 

Và sự hợp lực

 

Tín hiệu khả quan là vậy và giải pháp “kích cầu” DN FDI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã được không ít chuyên gia, nhà quản lý bàn luận tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, khi thu hút FDI vào nông nghiệp, chúng ta cũng cần lưu ý những bài học “nhãn tiền” của các ngành thủy sản, thức ăn chăn nuôi. Trong các ngành này, DN nước ngoài gần như bao sân; nếu không có sự liên kết chặt chẽ, các DN trong nước sẽ bị đẩy đến bờ vực phá sản.

 

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng có đưa ra cảnh báo rằng, DN FDI có nguồn lực kinh tế mạnh, kinh nghiệm trong sản xuất và đầu tư. Nếu chúng ta không có giải pháp thích hợp, nhiều lĩnh vực chủ lực trong ngành nông nghiệp sẽ rơi vào tay các DN FDI. Để rồi DN VN lại rơi vào cảnh làm thuê trên chính sân nhà.

 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp cho rằng, chuyện thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp VN sẽ còn là câu chuyện dài, tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nó sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai gần, mang đến cơ hội cho nông nghiệp VN, tất nhiên, cũng kèm theo nhiều thách thức cho các DN trong nước. Hơn lúc nào hết, các DN trong nước cần nhanh chóng hợp lực, đẩy mạnh đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn.

 

Chúng ta có thể thấy, thu hút vốn FDI vào nông nghiệp là một bước để giảm gánh nặng đầu tư của Chính phủ, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp VN. Vấn đề còn lại là phải chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như vậy nông dân mới có thể giàu lên từ sản phẩm của mình- một số chuyên gia nhận định.

 

Thiết nghĩ, thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước khi VN với hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, kích cầu đầu tư như thế nào cho cân đối và hợp lý lại là điều không dễ dàng. Bởi lẽ, DN trong nước cũng có rất nhiều tiềm lực đầu tư cho nông nghiệp thế nhưng, hiện tại, họ gần như chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, rất hy vọng nhà nước sẽ có những chính sách thích hợp nhất để cùng một lúc thu hút đầu tư nhiều hơn hai nguồn vốn này trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Các dự án theo mô hình PPP trong lĩnh vực nông nghiệp tại VN

 

* Metro Cash & Carry phối hợp với Tập đoàn Cargill triển khai chương trình đào tạo nông dân nuôi trồng thủy sản tốt. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn đã đào tạo 300 hộ nuôi cá (thuộc các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, An Giang) và 80 nhà sản xuất giống, hiệp hội ngành nghề, cán bộ nuôi trồng thủy sản. Trung tâm thu mua chế biến thủy sản cũng đã được Metro xây dựng tại TP Cần Thơ. Trong trung tuần tháng 9/2011, DN này đã chính thức thu mua 15 tấn thủy sản/ngày để tiêu thụ tại mạng lưới siêu thị Metro trên toàn quốc. Nếu dự án PPP trên được vận hành suôn sẻ, Metro sẽ tính tới việc mở rộng tiêu thụ trên phạm vi thế giới.

 

* Hai Dự án trồng ngô, đậu tương biến đổi gen và Dự án Cải thiện chất lượng, hình ảnh chè VN cũng đang được Cty Monsanto VN và Unilever VN triển khai. Trước mắt, trong năm 2011, Unilever VN kỳ vọng mua được 10.000 tấn chè của VN, trong đó có 3.000 tấn chè đạt chứng nhận RA. Và mục tiêu lâu dài của Cty khi thực hiện dự án này là sẽ thu mua 25.000 - 30.000 tấn chè đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA).

 

* Mới đây, hai tập đoàn lớn là Cty Pepsico VN và Cty Syngenta VN (Tập đoàn Syngenta, Thụy Sỹ) đã phối hợp với nhau triển khai Dự án Nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng trái cây, rau thông qua việc đào tạo nông dân, thành lập trang trại thí nghiệm ở tỉnh Lâm Đồng. Hai Tập đoàn này đã nhập khẩu và hướng dẫn nông dân trồng thử nghiệm 12 giống khoai tây, trong đó, lựa chọn được 4 giống khoai tây có sức đề kháng sâu bệnh và năng suất vượt trội so với các giống khoai tây đang trồng đại trà ở VN. Theo cam kết của Pepsico thì mỗi tháng, họ sẽ thu mua 5.000 tấn khoai tây từ nông dân để chế biến các sản phẩm khoai tây chiên. Với dự án này, lãnh đạo Pepsico VN hy vọng, sẽ nâng công suất chế biến khoai tây ở VN lên 20.000 tấn/tháng, đưa VN trở thành một trong những nước sản xuất khoai tây hàng đầu thế giới.

 

* Nhóm PPP cà phê do Tập đoàn Nestlé và một số DN nước ngoài khác tham gia như: Yara, Syngenta, BASF, Bayer, EDE Consulting, Cisco... cũng đang triển khai Dự án nâng cao chất lượng cà phê, đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị cho cà phê.

 

 

Ông Kim Won Ho - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (Kotra): Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nông nghiệp- nông thôn của VN còn nhiều yếu tố khiến các nhà đầu tư chưa thực sự thoải mái. Khảo sát mới đây của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc (Kotra) cho thấy, DN Hàn Quốc phải vượt qua rất nhiều rào cản, mà khó khăn nhất là thiếu thông tin (34,6%), sau đó mới là hạ tầng (25,4%), xuất- nhập khẩu nguyên liệu (19,4%), thủ tục hành chính (17,2%).

 

Chuthichanh: Unilever VN kỳ vọng mua được 10.000 tấn chè của VN, trong đó có 3.000 tấn chè đạt chứng nhận RA trong năm 2011