VSD có trách nhiệm bảo mật thông tin về nhà đầu tư

VSD có trách nhiệm bảo mật thông tin về nhà đầu tư

Từ ngày 26/4, Trung tâm Lưu ký (VSD) bắt đầu chạy hệ thống nghiệp vụ mới, trong đó có chức năng quản lý thông tin sở hữu chứng khoán chi tiết của NĐT. Việc này mang lại nhiều tiện ích cho các thành viên TTCK, nhưng cũng đồng thời nảy sinh lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin của NĐT.

VSD có trách nhiệm bảo mật thông tin về nhà đầu tư ảnh 1
Bà Phương Hoàng Lan Hương

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với ĐTCK, bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc VSD khẳng định: VSD có trách nhiệm bảo mật thông tin của NĐT.

Được biết, VSD đang gặp nhiều khó khăn khi chuẩn hoá thông tin của NĐT. Cụ thể đó là những trở ngại nào, thưa bà?

Để thực hiện quản lý thông tin sở hữu chứng khoán chi tiết đến NĐT theo quy định tại Thông tư 43/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, VSD đã yêu cầu các thành viên chuyển toàn bộ dữ liệu thông tin của NĐT, cũng như thông tin về chứng khoán sở hữu tại ngày 22/4 (ngày 23, 24, 25/4 là các ngày nghỉ) để đăng nhập vào hệ thống mới của VSD và đồng bộ hóa với phần dữ liệu liên quan của NĐT đã có trên hệ thống của VSD. Khi nhập thông tin vào hệ thống, dù đã chạy thử nghiệm nhiều lần và lường tính trước các phát sinh, nhưng chúng tôi cũng gặp một số khó khăn.

Khó khăn chính là do trước đây, việc quản lý thông tin NĐT tại mỗi thành viên, cũng như tại mỗi tổ chức phát hành (TCPH) rất khác nhau và không đầy đủ. Thông tin để nhận diện NĐT, nơi thì dùng số CMND, nơi lại dùng số hộ chiếu hoặc một số loại giấy tờ khác. NĐT khi mở tài khoản tại CTCK thì dùng số CMND, nhưng khi đăng ký sở hữu tại TCPH lại dùng số hộ chiếu. Hoặc NĐT khi đổi CMND đã điều chỉnh tại TCPH này, nhưng lại chưa điều chỉnh tại TCPH khác... Thực tế này dẫn đến cùng là một NĐT, nhưng có nhiều thông tin khác nhau, nên rất khó cho việc quản lý và nhận diện.

Hệ thống mới của VSD hiện là hệ thống mở và có đủ nền tảng để phát triển các nghiệp vụ phát sinh liên quan, trong đó có bán chứng khoán ngày T+2. Khi xây dựng giải pháp kỹ thuật cho giao dịch T+2 trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD cũng căn cứ vào hệ thống này để đề xuất phương án. VSD cho biết, ngay sau khi có văn bản chính thức từ cơ quan quản lý cho phép triển khai giao dịch T+2, VSD sẽ điều chỉnh hệ thống để thực hiện nghiệp vụ này.

Ngoài ra, trong đợt nhập dữ liệu NĐT từ các CTCK vào hệ thống của VSD vừa qua, có rất nhiều CTCK đã nhập sai thông tin của NĐT, chủ yếu là sai ngày cấp CMND. Do yêu cầu của hệ thống mới, cũng như các quy chế hoạt động nghiệp vụ của VSD, khi thông tin không đồng nhất và không đầy đủ, thì phải thực hiện điều chỉnh thông tin, sau đó mới có thể thực hiện được các giao dịch liên quan như lưu ký, thực hiện quyền cho người sở hữu, thanh toán bù trừ…

 

Thưa bà, bao giờ sẽ hoàn chỉnh việc chuẩn hoá thông tin của NĐT và điều này mang lại những tiện ích gì cho các CTCK khi giao dịch qua cổng giao tiếp điện tử của VSD?

Để đảm bảo thông tin NĐT được chuẩn hóa, VSD đã triển khai quy chế quy định về thông tin nhận diện của NĐT để tất cả thành viên lưu ký và TCPH áp dụng thống nhất. Cụ thể, thông tin nhận diện NĐT cá nhân trong nước là số CMND và ngày cấp, đối với NĐT nước ngoài là số trading code và ngày cấp.

Theo ước tính của chúng tôi, với việc thực hiện điều chỉnh thông tin tiến hành liên tục như hiện nay, thì trong vòng 2 - 3 tháng tới, phần lớn thông tin NĐT sẽ được chuẩn hóa và công việc phát sinh liên quan đến điều chỉnh thông tin sẽ giảm đi.

Hệ thống mới của VSD có chức năng cổng giao tiếp điện tử cho phép các thành viên truy cập, kết xuất dữ liệu thanh toán bù trừ, lưu ký, thực hiện quyền, gửi thông tin về hồ sơ lưu ký lên cho VSD... Dữ liệu CTCK gửi lên VSD là thông tin về hồ sơ lưu ký mà đáng lẽ trước đây phải gửi bằng file qua email cho VSD, nay có cổng giao tiếp điện tử nên họ có thể nhập trực tiếp vào hệ thống. Việc này giúp ích rất nhiều cho CTCK, bởi có thể xem được trạng thái hiệu lực hồ sơ lưu ký, nhận được thông tin về thanh toán bù trừ, thực hiện quyền trong thời gian ngắn... Đây là những tiện ích mà hệ thống trước không thể mang lại cho các CTCK. 

 

Việc quản lý thông tin sở hữu chứng khoán chi tiết của NĐT khiến VSD trở thành một tổ chức "siêu quyền lực" về thông tin trên TTCK. Nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin của NĐT. Lo lắng này liệu có cơ sở không, thưa bà?

Theo quy định của Luật Chứng khoán, VSD có trách nhiệm bảo mật thông tin về NĐT trên hệ thống của mình. Chúng tôi có các quy định nội bộ chặt chẽ về việc khai thác và sử dụng hệ thống tin học tại VSD. Ngoài ra, hệ thống mới của VSD cũng hỗ trợ cho việc bảo mật thông tin qua cơ chế phân quyền.

Hệ thống cho phép phân quyền đến từng nhân viên tham gia xử lý giao dịch. Mỗi nhân viên chỉ được biết thông tin và chịu trách nhiệm xử lý, quản lý thông tin trong phạm vi mình được phân quyền.

Đối với các CTCK, VSD chỉ phân quyền trên hệ thống cho họ được tiếp cận thông tin liên quan đến các giao dịch của chính họ và NĐT mở tài khoản tại chính CTCK đó, mà không được tiếp cận bất kỳ thông tin nào liên quan tới CTCK khác.

Hệ thống máy trạm đặt tại các CTCK kết nối với cổng giao tiếp điện tử của VSD đều phải đăng ký với VSD và chỉ được sử dụng để thực hiện trao đổi thông tin nghiệp vụ với hệ thống của VSD, mà không được dùng vào mục đích khác, cũng như kết nối với các máy khác.

Đối với các nhân viên nghiệp vụ của CTCK, chỉ các nhân viên đã qua lớp tập huấn nghiệp vụ của VSD mới được phép truy cập và thao tác trên hệ thống.