Xét xử vụ án lừa đảo gần 600 tỷ đồng tại Techcombank

Xét xử vụ án lừa đảo gần 600 tỷ đồng tại Techcombank

(ĐTCK) TAND tỉnh Lâm Đồng vừa đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), với số tiền lên tới 559,4 tỷ đồng.

Có tới 9 bị can đã bị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay của các TCTD, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2009 đến tháng 1/2010, Phan Thành Chính, Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Công Chính đã thực hiện hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn của Techcombank chi nhánh TP. HCM, nhằm chiếm đoạt số tiền 415,9 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2002, Công ty Công Chính bắt đầu thua lỗ, đến tháng 3/2010, lỗ lũy kế của công ty này đã lên tới 310 tỷ đồng. Tuy nhiên, để vay được vốn từ ngân hàng, Công ty đã lập các BCTC thể hiện kết quả kinh doanh có lãi và đã được Techcombank TP. HCM cấp hạn mức tín dụng 24 triệu USD cho mục đích bổ sung vốn lưu động kinh doanh cà phê, trà.

Để được giải ngân, Phan Thành Chính và chị gái là Phan Thị Lan làm giả hồ sơ đối với 45 khế ước. Chính đã làm giả 96 hợp đồng bán hàng để chứng minh đầu ra, hình thành quyền đòi nợ để thế chấp. Dựa trên phiếu giám sát vận chuyển thật cho các lô hàng khác, Chính đã làm giả 126 phiếu giám sát vận chuyển, 127 phiếu giao hàng đưa vào hồ sơ vay vốn. Chính cũng ký vào 29 giấy thông báo số lượng, chất lượng hàng hóa trong kho không đúng thực tế để thế chấp. Tiếp đó, Chính lập 155 bảng kê thu mua hàng nông sản trị giá 386 tỷ đồng để đưa vào 45 khế ước. Xác minh 1.922 người bán, thì 1.791 người không có thực tại địa phương. Tổng cộng, Techcombank TP. HCM đã giải ngân 434,2 tỷ đồng cho Công ty Công Chính. Hàng hóa có thật trong kho chỉ bán được 13 tỷ đồng, Công Chính đã chiếm đoạt 415,9 tỷ đồng của Ngân hàng.

Bên cạnh đó, Phan Thành Chính còn dùng tài sản của Công ty (được định giá 219,4 tỷ đồng) đem thế chấp tại nhiều ngân hàng khác như Vietinbank Bảo Lộc, Vietinbank Gia Định – TP. HCM, Eximbank Đà Lạt.

Cũng sử dụng thủ đoạn tương tự, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thái Nguyên gồm 2 thành viên là Phan Thành Lập (em trai Chính) và Hoàng Thị Phương Linh (vợ Chính) đã được Techcombank Hồ Chí Minh giải ngân nhiều lần, với tổng dư nợ 149,8 tỷ đồng. Số lượng cà phê thực trong kho chỉ có 294 tấn so với gần 6.000 tấn đưa vào thế chấp, bán được 6,4 tỷ đồng. Để chiếm đoạt được 143,4 tỷ đồng,  Phan Thành Lập đã làm giả 41 hợp đồng bán hàng, làm giả 23 phiếu giám sát vận chuyển, 23 phiếu giao hàng, lập khống 21 bảng kê thu mua. Tại Tòa, Lập khai Công ty Thái Nguyên hoạt động có lãi, không có nhu cầu vay vốn mà vay hộ cho Công ty Công Chính.

Cơ quan điều tra xác định, trong quá trình giải ngân vốn qua 63 khế ước cho 2 công ty nói trên, 3 nhân viên ngân hàng gồm Bùi Minh Hải, Phạm Phú Phong, Nguyễn Thúy Hằng đã vi phạm các quy định về cho vay: không kiểm tra thực tế 2 công ty, không kiểm tra hàng thế chấp, không kiểm tra quyền đòi nợ. Điều đáng nói là 2 công ty nói trên đã vay được gần 600 tỷ đồng mà hồ sơ vay vốn chỉ là bản fax các hợp đồng, giấy tờ… Ngoài ra, ba nhân viên ngân hàng khác gồm Lương Hữu Lâm, Đinh Thị Hiền, Huỳnh Xuân Quang bị truy tố vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phan Thành Chính án tù chung thân, Phan Thành Lập 16 năm tù; Phan Thị Lan và các bị cáo còn lại đều 3 năm tù, cho hưởng án treo.