Xuất khẩu quý I, những cánh én báo tin vui

Xuất khẩu quý I, những cánh én báo tin vui

(ĐTCK) Các thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU và Nhật Bản… đều đã và đang tung ra các gói kích cầu giúp nhu cầu tiêu dùng tại các nước này tăng trưởng, gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam.

Xuất khẩu quý I, những cánh én báo tin vui  ảnh 1Từ nay, các DN Việt Nam có thể tự kiểm định hàng thủy sản khi xuất khẩu vào Nhật Bản

 

“Sau nhiều năm Nhật Bản luôn tự quyết định trong việc kiểm tra chất lượng hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam thì bắt đầu từ ngày 15/3/2013, phía Nhật đã chấp nhận các phòng kiểm nghiệm của Việt Nam và để DN Việt Nam tự kiểm tra hàng hóa trước khi xuất vào Nhật, tránh tình trạng phải kiểm tra 2 lần rất mất thời gian. Đây là chính là cơ hội rất tốt cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam”, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản thông báo tin vui này tới các DN tại Diễn đàn xuất khẩu 2013 vừa diễn ra tại TP. HCM cuối tuần qua.

Cũng theo ông Dũng, không chỉ thủy sản xuất khẩu có tin vui mà các DN xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật Bản cũng đang nhen nhóm những cơ hội mới, bởi bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã xuất được gạo vào thị trường này. “Dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo vào Nhật Bản mới đạt mức rất khiêm tốn là 15 triệu USD, nhưng cũng là một tín hiệu tích cực, bởi nhiều năm qua Nhật Bản luôn tự túc 100% mặt hàng này”, ông Dũng nói.

Với những động thái tích cực này, Tham tán thương mại tại Nhật Bản hy vọng mục tiêu xuất nhập khẩu song phương năm 2013 sẽ đạt con số 29 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu dự kiến đạt 15 tỷ USD, tăng 20%. Theo ông Dũng, khó có thể khẳng định sẽ có làn sóng đầu tư thứ mấy của Nhật vào Việt Nam, nhưng có một sự thật là đang có nhiều DN Nhật muốn tiếp tục đầu tư Việt Nam. “Cơ  hội này sẽ đến và đi rất nhanh, nên DN Việt Nam cần nhanh chân tận dụng”.

Đến từ thị trường đang là tâm điểm đầu tư của các DN Việt Nam thời gian qua, ông Vũ Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar cho biết, năm 2012 rất nhiều DN Việt Nam đã chủ động thâm nhập thị trường này để tìm hiểu cơ hội kinh doanh và đối với thị trường Myanmar, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng từ những mặt hàng ở lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và xây dựng… Việt Nam lại có nhiều lợi thế để xuất khẩu vào Myanmar như quan hệ chính trị tốt đẹp, gần gũi về địa lý, nhiều mặt hàng có thương hiệu quốc gia xuất khẩu vào đây đã được chấp nhận, nhưng năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn rất nhỏ so với nhu cầu và mới đạt hơn 200 triệu USD.

Theo ông Vũ Cường, cơ hội tại Myanmar cho DN Việt Nam rất lớn, bởi nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất tại thị trường này còn phải nhập khẩu (sắt thép trên 90%, xi măng trên 80%) và nhập khẩu trên 90% các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp cũng như tiêu dùng… Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, cơ hội là to lớn nhưng DN Việt Nam cũng cần phải có cái nhìn đúng chứ không nên ngộ nhận. Thực tế, nhiều DN Việt Nam vẫn nghĩ Myanmar mới mở cửa nên họ thiếu thông tin, nhưng suy nghĩ này là rất sai lầm. Myanmar trước khi bị cấm vận vốn là nước khá phát triển và là thành viên sáng lập của WTO. Thời kỳ bị cấm vận, họ vẫn kinh doanh với nhiều nước trên thế giới nên không hề thiếu kinh nghiệm và thông tin.

“Dù Myanmar mới mở cửa nhưng trình độ phát triển của họ không hề thấp, quy hoạch xã hội, kiến trúc thượng tầng, trình độ dân trí khá cao. Chính vì thế, đầu tư vào Myanmar phải có chiến lược dài hạn, chứ không thể làm theo kiểu đánh nhanh, thắng nhanh”, ông Cường nhận định và cho biết, cơ hội đầu tư vào thị trường này cũng sẽ qua rất nhanh, những cơ hội để hợp tác thương mại chỉ còn nhiều trong vòng 2 năm nữa, còn dư địa đầu tư vào bất động sản đã khá chật chội. 

Theo ông Nguyễn Bảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Úc, dù khó khăn nhưng năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với Úc cũng đã đạt ngưỡng 5 tỷ USD. Úc tuy dân số không đông nhưng GDP bình quân rất cao 60.000 AUD/người với sức mua lớn. Quan hệ Việt - Úc cũng có nhiều điểm thuận lợi với các khuôn khổ pháp lý cơ bản hoàn thiện. Đây là cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam . Hiện tại, Úc đang nhập hầu hết những mặt hàng sử dụng nhiều lao động như may mặc, thủy sản, đồ gỗ… Đây là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam .

“Dư địa xuất khẩu vào thị trường này rất tốt, nhưng vấn đề là DN chúng ta phải đáp ứng chất lượng và giá cả, quy cách, thời gian giao hàng… Và quan trọng hơn, chúng ta phải có chiến lược làm ăn lâu dài, đừng theo kiểu ‘đánh quả’. Một số tranh chấp thương mại nảy sinh vừa qua chủ yếu là do làm ăn kiểu đánh nhanh, rút gọn’, ông Bảo cho biết.    

 

Dù còn khá nhiều khó khăn nhưng theo Bộ Công thương, các thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU và Nhật Bản… đều đã và đang tung ra các gói kích cầu giúp nhu cầu tiêu dùng tại các nước này tăng trưởng, gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam. Trong khi đó, ở trong nước, kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất… Năm 2013, dự kiến xuất khẩu tăng trưởng 10% và nhập siêu ở mức 8% kim ngạch xuất khẩu.