Bancassurance tại Việt Nam, vẫn chỉ là kỳ vọng

Bancassurance tại Việt Nam, vẫn chỉ là kỳ vọng

(ĐTCK) Tại hội nghị châu Á lần thứ 14 về bancassurance và thay thế kênh phân phối vừa được tổ chức tại Indonesia, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, bancassurance là một trong những kênh phát triển nhanh nhất ở hầu hết thị trường tại châu Á, đồng thời là kênh phân phối hàng đầu trong nhiều thị trường này.

Bancassurance tại Việt Nam, vẫn chỉ là kỳ vọng ảnh 1Nhiều DN bảo hiểm đẩy mạnh bancassurance như Prudential, Manulife, Prevoir, VCLI, Vietin-Aviva…

 

Chỉ tính đến năm 2010, tỷ lệ đóng góp doanh thu phí bảo hiểm của bancassurance cho các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Thái Lan, Trung Quốc , Malaysia , Singapore , Hồng Kông đã tăng lên hơn 50%, so với mức 0% đến hơn 10% của năm 2000. Đặc biệt, với thị trường có xuất phát điểm là 0% vào năm 2000 như Thái Lan, thì đến năm 2010, tỷ lệ đóng góp doanh thu phí bảo hiểm của bancassurance cho các công ty bảo hiểm nhân thọ tại đây cũng đã lên tới hơn 40%. Trong khi đó, tỷ trọng thu nhập từ bancassurance trên tổng thu nhập về phí của ngân hàng tại Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông cũng tăng lên từ gần 30% đến trên 40% vào năm 2010.

Các chuyên gia về bancassurance nhận định, tổng số phí bảo hiểm được tạo ra thông qua kênh bancassurance sẽ tăng hơn nữa nhờ tầng lớp trung lưu đang tăng ở những nước đang phát triển. Sự tăng trưởng của phân khúc khách hàng trung lưu cũng mở ra cơ hội cho các công ty bảo hiểm và ngân hàng cung cấp sản phẩm phù hợp với phân khúc này.

Tại thị trường Việt Nam, theo phó tổng giám đốc phụ trách kênh bancassurance của một công ty bảo hiểm lớn, tăng trưởng tỷ lệ đóng góp doanh thu phí bảo hiểm của kênh bancassurance tại thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển ở châu Á. Hiện chưa có con số cụ thể, nhưng sự vào cuộc ngày càng mạnh mẽ của các công ty bảo hiểm là một trong những dấu hiệu cho thấy sẽ có sự bùng nổ về tăng trưởng doanh thu từ kênh này tại Việt Nam. Không chỉ có các công ty bảo hiểm nhân thọ, mà khối phi nhân thọ cũng vào cuộc quyết liệt không kém. Ngoài ra, bancassurance đang trở thành một trào lưu và xu hướng tất yếu để các ngân hàng trong nước tìm tới một nguồn thu bổ sung bền vững và an toàn, thay vì dựa vào hoạt động tín dụng vốn nhiều rủi ro.

“Trước đây, một số ngân hàng trong nước hay các chi nhánh ngân hàng không thích bán sản phẩm này, nhưng bây giờ đã có những suy nghĩ khác”, vị phó tổng giám đốc trên nói và cho biết, một hai năm gần đây, các ngân hàng bắt đầu thay đổi nên kênh bancassurance đã phát triển hơn. Kênh bancassurance chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp, dù thực tế không dễ đẩy được nhanh như kênh đại lý, vì vẫn đang trong giai đoạn xây dựng.

Những công ty bảo hiểm đang phát triển mạnh kênh phân phối này tại thị trường Việt Nam hiện nay là Prudential, Manulife, Prevoir, VCLI, Vietin-Aviva… Các công ty bảo hiểm khác như Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life, AIA Việt Nam, Great Eastern, Hanwha Life… cũng đã vào cuộc.

Bà Tina Nguyễn, Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam - một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam về phát triển bancassurance nói rằng, Prudential Việt Nam đã phát triển kênh bancassurance từ rất sớm so với tình hình phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Có những giai đoạn Công ty tự hỏi có nên phát triển kênh này nữa hay không? Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện tại thì bancassurance đã giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của Prudential. Năm 2013, Prudential Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư để thúc đẩy sự tăng trưởng của kênh bancassurance.

Ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, trong chiến lược phát triển thời gian tới, bên cạnh kênh phân phối chủ lực qua hệ thống đại lý, Công ty tiếp tục tăng cường phối hợp với nhiều đối tác để triển khai bancassurance. Doanh thu bảo hiểm từ kênh này trong quý I/2013 của Công ty tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù được kỳ vọng là kênh phân phối hàng đầu trong nhiều thị trường châu Á, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, kênh này là không phải không có thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất đó là quyết tâm đầu tư, khả năng triển khai sản phẩm phân phối qua kênh này tại các công ty bảo hiểm và sự phối hợp của các ngân hàng với các công ty bảo hiểm.

“Sự phối hợp ở đây không chỉ là cái ‘bắt tay’ hợp tác của Ban giám đốc hai bên, mà cần cả sự đồng thuận của nhân viên các phòng, ban, chi nhánh của các ngân hàng sẽ triển khai dịch vụ này”, lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm nói.