Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục giữ vững mục tiêu dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục giữ vững mục tiêu dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Bảo hiểm phi nhân thọ: Vẫn lỗ nghiệp vụ kinh doanh chính

(ĐTCK-online) Kết thúc năm 2008, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) đối mặt với hậu quả thua lỗ về kinh doanh bảo hiểm toàn thị trường tới 163 tỷ đồng. Có 18/26 doanh nghiệp thua lỗ, nhờ có đầu tư tài chính nên đã đem lại lãi cho 21/26 doanh nghiệp bảo hiểm. Và bức tranh lợi nhuận từ hoạt động chính của khối doanh nghiệp này trong năm 2009 cũng không sáng sủa hơn.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2009 tăng trưởng trên mức ổn định với tỷ trọng doanh thu/GDP ước đạt 2,3%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước cả năm 2009 đạt khoảng 24.681 tỷ đồng; trong đó, doanh thu phí BHPNT đạt 13.250 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2008). Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục giữ vững mục tiêu dẫn đầu thị trường BHPNT Việt Nam với thị phần 30,4%, kế tiếp là PVI với thị phần 20,6%, Bảo Minh 17,1% và PJICO với 9,7%... Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 6.016 tỷ đồng, trong đó: các doanh nghiệp BHPNT đạt 1.350 tỷ đồng, các doanh nghiệp nhân thọ đạt 4.666 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2008). Cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp như thế nào hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp. Tuy nhiên, đánh giá chung là đa số DN chưa thể có lãi trong nghiệp vụ kinh doanh chính năm vừa qua.

Ông Tôn Lâm Tùng, Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIC) cho biết, tính đến ngày 31/12/2009, tổng doanh thu toàn Công ty đạt 548,99 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm 2008. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vượt mốc 402 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2008), từ hoạt động đầu tư tài chính đóng góp 146 tỷ đồng (tăng 107% so với năm 2008), lợi nhuận trước thuế đạt 81,25 tỷ đồng. Năm 2009, BIC tiếp tục duy trì vị trí thứ  6/28 công ty BHPNT về thị phần, nhưng hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn bị lỗ và được bù đắp bởi hoạt động đầu tư tài chính.

Ông Tùng cho biết, năm 2009, kinh doanh từ hoạt động chính bị lỗ do bồi thường lũ lụt, thiên tai (cơn bão số 9 và 11). Doanh nghiệp này mở rộng thị phần khi thực hiện bảo hiểm cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phía Nam. Lũ lụt làm các doanh nghiệp thiệt hại nặng nề và mức bảo hiểm chi trả khá cao. Dẫu sao, thua lỗ này là do thiên tai bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Trên thực tế, tình trạng thua lỗ từ hoạt động kinh doanh chính của không ít doanh nghiệp bảo hiểm lại đến từ việc hạ phí và trục lợi bảo hiểm, mở rộng điều kiện bảo hiểm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp BHPNT cho biết, để đạt lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm, mỗi năm doanh nghiệp ông đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ bồi thường 4%. Như vậy, với mức bồi thường trên 60% trong năm 2008, doanh nghiệp này phải mất vài năm nữa mới thể có về điểm “hòa vốn”. Vì nếu bồi thường trên 50% thì doanh nghiệp sẽ không còn lợi nhuận.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (AVI) cho rằng, tình trạng thua lỗ từ kinh doanh chính của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích tụ trong nhiều năm do nhiều vấn đề, nên không thể giải quyết được trong 1 - 2 năm. “Ngoài việc hạ phí để cạnh tranh thì tình trạng không quản lý chặt khâu bồi thường khiến các doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ. Chỉ khi nào giải quyết được vấn đề này, doanh nghiệp mới có thể cải thiện lợi nhuận từ nghiệp vụ chính”, ông Lộc nói.

Một chuyên gia về bảo hiểm cho biết, nếu thực hiện nghiêm túc chế độ kế toán, hạch toán của các doanh nghiệp, thì có thể con số thua lỗ từ nghiệp vụ kinh doanh chính sẽ nhiều hơn. Vì nhiều khoản chi bồi thường vẫn chưa được hạch toán, việc trích lập quỹ bồi thường rủi ro chưa được tuân thủ nghiêm túc. Việc cạnh tranh bằng hạ phí bảo hiểm không tương xứng với rủi ro có lẽ sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm 2010. Vì thế, để có lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh chính là vấn điều không đơn giản.