Dự kiến, cuối năm nay Việt Nam sẽ chính thức công bố Bộ thủ tục hành chính quốc gia mới.

Dự kiến, cuối năm nay Việt Nam sẽ chính thức công bố Bộ thủ tục hành chính quốc gia mới.

Chờ "quả ngọt" từ cải cách hành chính

(ĐTCK-online) Tuy việc thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) trên lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 30) đã mang lại những kết quả tích cực, nhưng điều mà cộng đồng DN đang mong có câu trả lời nhất là bao giờ họ được hưởng thành quả cụ thể của đề án, để có thể tiết kiệm chi phí, cũng như thời gian tuân thủ TTHC?

Một chủ điểm "nóng" được đại diện cộng đồng DN trong nước và quốc tế đặt câu hỏi tại cuộc họp báo về vai trò của cộng đồng DN trong cải cách TTHC, do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 6/7, là việc tổ chức thực thi Nghị quyết 25/NQ-CP về đơn giản hoá 258 TTHC và phương án đơn giản hoá trên 5.000 TTHC còn lại đang được triển khai ra sao, để DN sớm được hưởng các lợi ích cụ thể?

Kỳ vọng trên của các DN sẽ không dễ được đáp ứng trong thời gian ngắn, khi mà ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (Tổ Đề án 30), cho biết, để triển khai Nghị quyết 25/NQ-CP hiệu quả, phải sửa đổi một số lượng lớn văn bản pháp lý liên quan. Cụ thể, muốn bãi bỏ, sửa đổi 258 TTHC ưu tiên thì phải chỉnh sửa, bãi bỏ 14 luật, 3 pháp lệnh, 67 thông tư, 33 quyết định của bộ trưởng… Điều này có nghĩa là đến cuối năm nay, nếu muốn đơn giản hoá hơn 5.000 TTHC còn lại thì sẽ phải sửa đổi, huỷ bỏ hàng nghìn văn bản pháp lý liên quan…

Với khối lượng công việc như trên, rõ ràng không dễ hoàn thành trong một sớm, một chiều. Bởi vậy, nếu không có biện pháp sáng tạo trong triển khai Nghị quyết 25/NQ-CP, thì cộng đồng DN sẽ phải đợi không ít thời gian nữa mới có thể được hưởng lợi từ thành quả của Đề án 30. Từ thực tiễn này, cộng đồng DN đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giúp việc triển khai phương án đơn giản hoá TTHC sớm mang lại lợi ích cho họ.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam kiến nghị, để mang lại cho DN những lợi ích thiết thực, nhất là tiết kiệm chi phí, cũng như thời gian tuân thủ TTHC, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm nghiêm túc triển khai các phương án đơn giản hoá TTHC đã công bố. Đây là quá trình rất khó khăn và đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của Tổ Đề án 30, nếu không sẽ khó tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, tiết kiệm chi phí hơn như kỳ vọng của DN.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Fred Burke cho rằng, điều DN đang nóng lòng chờ câu trả lời là họ được hưởng lợi gì, dù là nhỏ nhất từ thực hiện Đề án 30. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng, muốn cải cách TTHC nhanh chóng mang lại thành quả cho DN, Chính phủ cần đồng thời hướng đến hai mục tiêu: trong khi trung thành với mục tiêu dài hạn, thì trong ngắn hạn phải đạt được yêu cầu triển khai đến đâu mang lại hiệu quả thiết thực đến đó, chứ không nên ôm đồm.

"Muốn vậy, Tổ Đề án 30 nên tiếp tục chọn ra trong số 258 TTHC ưu tiên, để xem thủ tục nào đơn giản, dễ chỉnh sửa hoặc bãi bỏ nhất, nhưng có tác động lớn đến cải thiện môi trường kinh doanh để triển khai, nhằm tạo hiệu ứng tích cực cho triển khai Đề án 30. Nếu tham vọng làm đồng thời nhiều thủ tục cùng một lúc sẽ mất nhiều thời gian mới đạt mục tiêu đề ra", ông Fred Burke góp ý.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Đề án 30 cho biết, để các phương án đơn giản hoá TTHC được triển khai nhanh chóng, mang lại hiệu quả thiết thực, nếu chỉ có sự nỗ lực của cơ quan quản lý thôi chưa đủ, mà rất cần sự đóng góp của cộng đồng DN. Họ cần tích cực đề xuất các sáng kiến, giải pháp đơn giản hoá TTHC, để cùng với cơ quan quản lý đưa ra phương án đơn giản hoá TTHC có tính khả thi cao, đồng thời có thể thực thi ngay khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Các DN cần xuất phát trên lợi ích quốc gia khi đề xuất phương án đơn giản hoá TTHC, tránh tình trạng dễ cho DN, nhưng tạo ra kẽ hở trong quản lý nhà nước. Cách làm này cần được DN tích cực duy trì thường xuyên, chứ không chỉ dừng lại trong quá trình thực hiện Đề án 30.

Cũng theo ông Phúc, việc triển khai các phương án cải cách TTHC đang được Tổ Đề án 30 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rốt ráo thực hiện, để đảm bảo đến cuối năm nay sẽ chính thức công bố Bộ thủ tục hành chính quốc gia mới trên cơ sở chỉnh sửa, bãi bỏ hơn 5.000 TTHC hiện tại. Kèm theo đó, việc xúc tiến thành lập Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ cũng đang được xúc tiến, để đảm bảo ngăn ngừa tình trạng xuất hiện các TTHC mới không cần thiết, không hợp pháp. Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ Nội vụ soạn thảo đề án thành lập Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, để góp phần triển khai có hiệu quả các phương án cải cách TTHC, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng DN.