Thượng Hải phát triển nhanh sau công cuộc THH tại TQ

Thượng Hải phát triển nhanh sau công cuộc THH tại TQ

Cổ phần hóa ở Trung Quốc: Tư hữu hóa vĩ mô

Từ năm 1999, Quốc hội Trung Quốc (TQ) thừa nhận khối kinh tế phi nhà nước là “thành phần không thể thiếu của nền kinh tế đất nước”, thay cho quan điểm trước đó rằng khối kinh tế này là “cái đuôi của tư bản chủ nghĩa”. Việc thừa nhận này khẳng định quyết tâm tư hữu hóa (THH) nền kinh tế của TQ.

 



Phân quyền

 

Một trong những mục tiêu chính của cải cách kinh tế TQ là đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp phi nhà nước (DNPNN), đồng thời tăng quyền tự kiểm soát của các DNNN và hướng chúng đến nền kinh tế thị trường.

 

Sự phát triển của DNPNN ở TQ không chỉ dựa vào THH hay cổ phần hóa các DNNN có sẵn mà đẩy mạnh việc thành lập những doanh nghiệp mới không chịu sự kiểm soát của nhà nước. Việc này được giới chuyên môn gọi là hình thức THH trên bình diện vĩ mô. Dù một số DNPNN bị phá sản sau một thời gian ngắn hoạt động vì không chịu nổi sự cạnh tranh của thị trường, nhưng chính điều này củng cố sức mạnh cho các DNPNN trụ lại được, giúp họ vượt qua DNNN cả về hiệu quả và lợi nhuận. Bằng cách này, TQ dần dần tạo được sự cân bằng giữa khu vực DNNN và DNPNN.

 

Song song với việc đẩy mạnh lĩnh vực DNPNN, chính phủ cũng tiến hành cải cách các DNNN để phù hợp với sự vận động của thị trường. Từ năm 1984, TQ “phân quyền” cho các DNNN như những “pháp nhân” độc lập, dù thuộc sở hữu nhà nước nhưng quyền tự quyết nằm trong tay lãnh đạo doanh nghiệp.

 

Để tạo điều kiện cho các DNNN hoạt động độc lập trong khi vẫn bảo đảm các mục tiêu kinh tế, những “hợp đồng trách nhiệm” được triển khai ở mọi cấp độ liên quan, tương tự kiểu khoán chỉ tiêu. Một khi đã hoàn thành chỉ tiêu, doanh nghiệp được phép sử dụng các sản phẩm hay lợi nhuận dôi ra.

 

Từ cuối thập niên 1990, việc phân quyền còn cho phép các DNNN vừa và nhỏ tự quyết định số phận của mình. Doanh nghiệp nào không thể cạnh tranh có thể THH để đổi mới, việc THH bao gồm THH từng phần (cổ phần hóa) hoặc bán đứt cho tư nhân.

 

Thương mại hóa doanh nghiệp

 

Nếu các nước Đông Âu và Nga tiến hành THH ồ ạt và chủ yếu tập trung ở các DNNN lớn, thì TQ làm ngược lại. Những DNNN nhỏ hoặc không thuộc ngành trọng điểm được THH trước tiên, trong khi vẫn giữ lại hình thức sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp lớn và thuộc những ngành trọng điểm hoặc nhạy cảm. Chính phủ đẩy mạnh việc thương mại hóa các DNNN lớn bằng việc bán cổ phần của các doanh nghiệp này ra thị trường chứng khoán.

 

Tháng 7-2007, TQ cho biết họ đang tăng tốc việc bán ra các cổ phần nhà nước có trị giá khoảng 280 tỷ USD sau khi thí điểm thành công với 46 DNNN, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Công ty sản xuất thép Baosteel, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc (BoC). Tuy nhiên, chính phủ luôn giới hạn một tỷ lệ cổ phần nhất định mà nhà đầu tư tư nhân có thể sở hữu. Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, giới hạn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 20% cổ phần/1 nhà đầu tư, mức tổng cộng dưới 25%. Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần kiểm soát tuyệt đối với các ngân hàng lớn (tối thiểu 51%, thông thường là 70%-75%). Tại ngân hàng vừa và nhỏ, tỷ lệ nắm giữ của nhà nước ít hơn.

 

Một cách làm khác để THH doanh nghiệp nhà nước tại TQ là bán cổ phần của các DNNN cho lãnh đạo doanh nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy số cổ phần bán cho “lãnh đạo tay trong” ở TQ ngày càng tăng, từ năm 1996-2002 tăng từ 5-32%. Ngoài ra, chính phủ cũng tiến hành bán một số DNNN cho các cấp chính quyền địa phương, biến những doanh nghiệp này thành doanh nghiệp hương trấn. “Khi còn trong tay chính quyền trung ương, những doanh nghiệp này rõ ràng hoạt động kém hiệu quả, nhưng khi trở thành doanh nghiệp hương trấn, biểu hiện của chúng cực kỳ tốt” - nhà nghiên cứu kinh tế TQ, Giáo sư Gerald McDermott, nói.

Theo SGGP

Tin liên quan:

CPH ở Trung Quốc: Thực tiễn quyết định chính sách