Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những bước tiến dài.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những bước tiến dài.

“Cú nhảy 10 bậc” về cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK-online) Theo Báo cáo môi trường kinh doanh (MTKD) năm 2011 khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 4/11, lần đầu tiên Việt Nam đạt được thứ hạng tốt nhất về mức độ cải thiện MTKD, khi xếp hạng 78 trong tổng số 183 nền kinh tế thuộc diện điều tra của Báo cáo, tiến 10 bậc so với năm 2010. Dẫu vậy, tác giả của Báo cáo MTKD năm 2011, cũng như nhiều chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục tạo ra MTKD thông thoáng, tiết kiệm chi phí hơn cho DN.

3 cải thiện nổi bật

Lý giải về “cú nhảy 10 bậc” của Việt Nam trong Báo cáo MTKD 2011, ông Neil Gregory, quyền Giám đốc Hệ thống chỉ số và Phân tích toàn cầu của WB, tác giả chính của Báo cáo cho biết, Việt Nam xếp thứ 4 trong số 10 nền kinh tế có nhiều cải thiện nhất về mức độ thuận lợi của MTKD năm 2009 - 2010. Các cải cách này được thể hiện nổi bật trên 3 khía cạnh.

Đầu tiên là những cải thiện trong thành lập DN, nhờ áp dụng cơ chế một cửa, trong đó kết hợp giải quyết đồng thời các thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Thứ hai là những bước tiến trong cấp giấy phép xây dựng, nhờ triển khai một loạt cải cách: chuyển chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường, lệ phí trước bạ nhà giảm 50%. Cải cách ấn tượng thứ ba là trong lĩnh vực thông tin tín dụng, với quy định cho phép người đi vay vốn được kiểm tra báo cáo tín dụng về họ và chỉnh sửa nếu có sai sót.

“Ba cải cách quan trọng trên đã giúp Việt Nam tiến 10 bậc trong Báo cáo MTKD năm 2011, đứng trên cả Trung Quốc, cũng như nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, như Indonexia xếp thứ 121, Philippin xếp thứ 148…”, ông Neil Gregory nói.

 

Thông điệp “ngược”

Tuy nhiều chỉ số về MTKD năm 2011 có bước tiến ấn tượng, nhưng cũng không ít chỉ số quan trọng mà Việt Nam đang ở vị trí thấp như: nộp thuế và giải thể DN cùng xếp hạng 124, bảo vệ nhà đầu tư ở vị trí 173…

Nhận định về Báo cáo MTKD 2011, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kết quả này phản ánh khá khách quan những nỗ lực cải thiện MTKD mà Việt Nam thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên, do Báo cáo chỉ xem xét 9 nhóm chỉ số, với hơn 30 chỉ số cụ thể trong tổng số hàng ngàn chỉ số phản ánh MTKD, nên Báo cáo MTKD 2011 chỉ nêu được một phần thực chất bức tranh MTKD của Việt Nam. Không nên nhìn vào kết quả điều tra mà ngộ nhận MTKD đã có bước cải thiện mạnh mẽ. Thậm chí, có chỉ số trong Báo cáo MTKD 2011 “nói ngược” thực tế, chẳng hạn như cải thiện về thông tin tín dụng. Trong khi Báo cáo đánh giá đây là một trong những bước tiến, thì thực tế từ đầu năm đến nay, DN gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn...

Theo ông Karim Belayachi, đồng tác giả Báo cáo MTKD 2011, chỉ tiêu nộp thuế của Việt Nam xếp thứ 124, DN phải tốn tới 941 giờ trong năm để chấp hành nghĩa vụ thuế cho thấy, đây là lĩnh vực cần cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới. Muốn đạt mục tiêu này, cần sớm cắt bỏ các thủ tục hành chính thuế rườm rà, nhằm thiết lập một bộ thủ tục hành chính thuế gọn nhẹ, dễ thực thi cho DN. Đặc biệt, Việt Nam nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, để DN có thể khai, nộp thuế qua mạng, thay vì phải đến cơ quan thuế vừa tốn thời gian, vừa dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cũng đồng hạng ở vị trí 124, chỉ số giải thể DN trong Báo cáo MTKD 2011 được ông Cung nhìn nhận là lĩnh vực gần như không có cải thiện đáng kể nào trong nhiều năm qua. Kể từ khi Luật Phá sản được ban hành năm 2003 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ công bố chính thức nào về một vụ DN phá sản. Điều này chứng tỏ Luật Phá sản đã thực sự… phá sản. Chừng nào cách nhìn nhận về phá sản DN còn nặng nề như hiện nay, thì Việt Nam sẽ còn rất khó khăn “khai tử” DN, cũng như khó cải thiện chỉ số này trong Báo cáo MTKD những năm tới.

Với chỉ số bảo vệ nhà đầu tư ở vị trí 173, theo ông Neil, Việt Nam cần sớm cải thiện thứ hạng này nếu muốn MTKD có bước tiến dài. Để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, cần tăng cường công khai thông tin cả ở khía cạnh các cấp quản lý, cũng như DN. Đặc biệt, nên làm rõ trách nhiệm của giám đốc DN trong quản lý, điều hành, tiếp tục cụ thể hoá cơ chế để cổ đông có thể dễ dàng khởi kiện lãnh đạo DN khi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư bị xâm hại, tránh tình trạng có quy định pháp lý, nhưng thiếu khả thi như hiện nay.

TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 30) cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiếp tục tạo bước cải thiện mạnh mẽ về MTKD trong những năm tới, khi Đề án 30 đang đi vào giai đoạn quyết định, đó là cắt giảm các thủ tục hành chính trên rất nhiều lĩnh vực, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian cho DN trong tuân thủ các thủ tục hành chính.