Eximbank chủ trương sáp nhập hoặc hợp nhất

Eximbank chủ trương sáp nhập hoặc hợp nhất

(ĐTCK) Ngày 26/4, ĐHCĐ của Eximbank đã thông qua chủ trương sáp nhập hoặc hợp nhất với một ngân hàng khác. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Eximbank có chủ trương hợp nhất với một ngân hàng khác, trong khi đã có lộ trình sáp nhập với Sacombank. Ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?

Chủ trương của Eximbank là sáp nhập hoặc hợp nhất với một ngân hàng khác, nhưng với đơn vị nào vẫn còn phải nghiên cứu, xem xét. Lộ trình Eximbank hợp nhất hoặc sáp nhập với Sacombank được đưa ra là trong vòng 3 - 5 năm tới. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm đối tác, Eximbank cũng phải có sự nghiên cứu xem đơn vị nào tốt nhất, đáp ứng được hiệu quả của hai bên, vì hợp nhất hoặc sáp nhập đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao giữa các bên để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngược lại, nếu giữa hai bên không đồng thuận, dù chỉ một điểm nhỏ cũng phải mất nhiều thời gian mới có thể đi đến thống nhất. Chẳng hạn, khi hai bên sáp nhập, tên ngân hàng mới sẽ như thế nào, sử dụng logo của ai, tỷ lệ chuyển đổi cổ phần, hệ số nào để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông… Do đó, cần rất nhiều thời gian mới có thể hoàn tất, nhất là đối với việc thống nhất quyền lợi.

 

Thời gian thực hiện chiến lược sáp nhập, hợp nhất của Eximbank là bao lâu?

Chúng tôi có chủ trương thực hiện chiến lược trên trong vòng 3 - 5 năm. Vì đối với việc tìm kiếm đối tác chiến lược cũng như sáp nhập, hợp nhất đòi hỏi phải có sự thận trọng và kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Việc sáp nhập nhiều khả năng không thể thực hiện trong năm 2016, trừ khi có ngân hàng nhỏ muốn sáp nhập vào Eximbank và chúng tôi xem xét phù hợp thì mới có thể tiến hành nhanh được. Còn với ngân hàng có quy mô ngang bằng thì để tiến tới sáp nhập phải mất nhiều thời gian.

 

Được biết, Eximbank là cổ đông lớn nhất tại Sacombank với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 10%. Ông đánh giá như thế nào về khoản đầu tư này?

Chúng tôi rất hài lòng với khoản đầu tư này, đại diện vốn của nhóm cổ đông mới đã được bầu vào HĐQT của Sacombank. Trong năm 2012, HĐQT Sacombank phải giải quyết những khó khăn và tồn đọng của Ngân hàng. Năm 2013 mới thể hiện năng lực của HĐQT mới, nhưng quý I đầu năm nay, Sacombank đã đạt được 850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn nhiều so với các NHTM cùng quy mô. 4 tháng đầu năm nay, Eximbank đạt khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Chỉ tiêu lợi nhuận Sacombank đưa ra cho năm nay ở mức 2.800 tỷ đồng và HĐQT Sacombank cho biết, có cơ sở để đạt được.

Kết quả đạt được trong quý I/2013 cho thấy, hoạt động của HĐQT Sacombank là hiệu quả.

 

Vì sao lợi nhuận trước thuế đạt được của Eximbank trong 4 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với kết quả 3 tháng mà Sacombank đạt được, thưa ông?

Sacombank hiện có 423 điểm giao dịch trên cả nước và đã có mặt tại Lào, Campuchia. Trong khi đó, Eximbank mới chỉ có 207 điểm giao dịch, chưa bằng 50% so với Sacombank. Do đó, lợi nhuận Eximbank đạt được trong 4 tháng thấp hơn Eximbank là điều không khó hiểu. Vì khi mạng lưới giao dịch hạn chế sẽ ảnh hưởng đến huy động; huy động thấp thì cho vay cũng sẽ thấp hơn. Muốn phát triển và tạo bứt phá thì Eximbank phải sáp nhập hoặc hợp nhất và Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng như vậy. Đến năm 2015, cả nước chỉ cần khoảng 10 - 15 ngân hàng thương mại.

 

Theo ông, chỉ tiêu lợi nhuận Eximbank đề ra cho năm nay ở mức 3.200 tỷ đồng liệu có cao?

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định về trích lập dự phòng tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Nếu Thông tư 02 được áp dụng, theo tôi, chỉ tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ đồng trước thuế năm nay của Eximbank là cao. Bởi khi Thông tư 02 đi vào thực tiễn, nợ xấu Ngân hàng sẽ tăng và đòi hỏi khoản trích lập dự phòng tăng tương ứng, Ngân hàng không thể kỳ vọng lợi nhuận cao.