Giao dịch chứng khoán sáng ngày 17/4: Nhóm cổ phiếu nông nghiệp ngược dòng khởi sắc

Giao dịch chứng khoán sáng ngày 17/4: Nhóm cổ phiếu nông nghiệp ngược dòng khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán không quá lớn nhưng diễn ra trên diện rộng đã khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm. Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu nông nghiệp với hàng loạt mã như DBC, BAF, HAG, HNG đua nhau tăng mạnh.

Dường như dự báo về trạng thái thị trường tích lũy để đi lên đã bị gạt bỏ bởi tuần giao dịch không mấy khả quan vào giữa tháng 4. Chỉ số VN-Index liên tiếp có những phiên mất điểm, đặc biệt là pha giảm sâu ngày cuối tuần 14/4 với mức giá đóng cửa thấp nhất trong phiên cùng biên độ giảm khá lớn, cho thấy tâm lý giao dịch tiêu cực.

Tuy nhiên, theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC, nhịp điều chỉnh là cần thiết nhằm lành mạnh hóa thị trường, khi dòng tiền có xu hướng đầu cơ và “quay cuồng” luân chuyển khắp các nhóm cổ phiếu mid-cap, small–cap và penny và không quan tâm nhiều đến góc độ cơ bản doanh nghiệp.

Dòng tiền đầu cơ có thể không xấu, nhưng bởi xu hướng giao dịch ở các cổ phiếu vốn hoá nhỏ sẽ khiến chỉ số khó bứt phá. Một nhịp “rũ” có thể khiến các cổ phiếu cơ bản chiết khấu về mặt bằng giá thấp hơn, qua đó chuyển hướng dòng tiền ngắn hạn về các cổ phiếu cơ bản.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã để mất các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn ở các đường MA20, MA50, nên xác suất kiểm định vùng 1.043-1.047 điểm đang tăng lên trong bối cảnh trong và ngoài nước không có thông tin hỗ trợ.

Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng ngày 17/4, cũng như những phiên gần đây, sắc xanh nhanh chóng được tìm lại. Cùng thanh khoản khá thấp, trạng thái phân hóa của thị trường chung và nhóm bluechip nói riêng khiến VN-Index chỉ duy trì đà tăng nhẹ.

Tuy nhiên, sau khoảng 25 phút mở cửa, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường chuyển sang gam đỏ. Chỉ số VN-Index dần nới rộng biên độ giảm và để thủng mốc 1.050 điểm khi số mã giảm điểm dần chiếm áp đảo trên bảng điện tử.

Điểm tích cực tại thời điểm này có thể nhận thấy đó là lực bán không quá lớn nên các cổ phiếu giảm trong biên độ hẹp, giúp thị trường không xảy ra pha giảm sâu. Chỉ số VN-Index chỉ lình xình ở vùng giá 1.050 điểm.

Cùng diễn biến chung của thị trường, hầu hết các nhóm ngành cũng đều biến động tăng giảm nhẹ quanh mức 1%.

Xét về vốn hóa, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm chính của thị trường. Điểm sáng là cổ phiếu HAG với mức tăng khá tốt, hiện đã lấy lại mức giá 8.000 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ thua chút ít so với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây (đạt gần 11,4 triệu đơn vị/phiên).

Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai đã có báo cáo cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh tháng 3 với điểm nhấn là giá chuối duy trì ở mức cao đã giúp bầu Đức xuất khẩu 18.676 tấn, thu về gần 300 tỷ đồng trong tháng 3, cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, tính trung bình, bầu Đức sẽ thu về khoảng 10 tỷ đồng mỗi ngày nhờ vào bán chuối.

Mốc 1.050 điểm vẫn được đánh giá là vùng hỗ trợ khá tốt. Lực cầu nhanh chóng nhập cuộc giúp VN-Index tìm lại được ngưỡng này và có thời điểm hồi phục sắc xanh.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,34 điểm (-0,13%) xuống 1.051,55 điểm với 139 mã tăng và 206 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 207,46 triệu đơn vị, giá trị 3.293,13 tỷ đồng, giảm 39,49% về khối lượng và 42,77% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 14/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,95 triệu đơn vị, giá trị gần 155 tỷ đồng.

Cổ phiếu HAG dù không kéo trần thành công nhưng đã tạm dừng phiên sáng tích cực trong bối cảnh thị trường chung lình xình. Cụ thể, với mức tăng 4,3%, cổ phiếu HAG đứng tại mức giá 8.030 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 16,89 triệu đơn vị.

Một số mã vừa và nhỏ khác cũng ghi nhận phiên khởi sắc, như NVL sau 2 phiên điều chỉnh giảm đã bật tăng khá tốt và chốt phiên sáng nay tăng 2,8% lên 14.600 đồng/CP, cùng thanh khoản thuộc top 3 khi đạt hơn 9 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến tích cực của HAG, nhóm cổ phiếu nông nghiệp là điểm sáng ngược dòng thị trường với DBC có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 6,1%, BAF tăng 3,4%, HNG tăng 1,4%... trong đó DBC có thanh khoản thuộc top 10 khi khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh thị trường chung mất điểm, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn có được sắc xanh nhạt với sự đóng góp của VIX tăng 1,2%, VCI tăng 1,3%, HCM tăng 1%, BSI tăng 2,1%, APGG tăng 1,6%, CTS tăng 1,8%...

Trái lại, dòng bank tiếp tục điều chỉnh nhẹ với các mã VCB, CTG, SHB, MBB, ACB, TPB… giảm nhẹ trên dưới 1%; chỉ còn BID, TCB, VPB, STB có được sắc xanh với mức tăng chỉ từ 0,5% trở xuống.

Trên sàn HNX, thị trường cũng rung lắc nhẹ và tiếp tục có thêm phiên giảm điểm.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,35%), xuống 206,52 điểm với 58 mã tăng, trong khi có 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,3 triệu đơn vị, giá trị 362 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,95 triệu đơn vị, giá trị 25,69 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS chốt phiên tại mốc tham chiếu 10.100 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn vượt trội, đạt hơn 9 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ 2 thuộc về CEO khớp 2,73 triệu đơn vị.

Bên cạnh CEO, cổ phiếu bất động sản khác là IDJ cũng rung lắc và chốt phiên may mắn tăng nhẹ 0,9% lên 11.100 đồng/CP và khớp 1,29 triệu đơn vị; IDC cũng tăng nhẹ 0,8% lên 38.300 đồng/CP…

Điểm sáng là cổ phiếu HHG chốt phiên tại mức giá trần 1.300 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 với 1,23 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, sau thời gian ngắn đầu phiên le lói sắc xanh, thị trường cũng quay đầu điều chỉnh trong xu hướng chung.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,2%), xuống 78,53 điểm với 79 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,33 triệu đơn vị, giá trị 147,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 16,24 tỷ đồng.

Tin bài liên quan