Hạ lãi suất, muốn nhanh nhưng phải từ từ!

Hạ lãi suất, muốn nhanh nhưng phải từ từ!

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 1081/QĐ-NHNN ngày 25/5/2012 về việc giảm lãi suất tái cấp vốn từ 13%/năm xuống 12%/năm, lãi suất cho vay thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14%/năm xuống 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 11%/năm xuống 10%/năm.

Hạ lãi suất, muốn nhanh nhưng phải từ từ! ảnh 1

Việc NHNN quyết định hạ lãi suất huy động đã được các NHTMlường trước

Đồng thời, NHNN ban hành Thông tư số 17/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 về việc hạ lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng từ 4%/năm xuống 3%/năm và với kỳ hạn trên 1 tháng từ 12%/năm xuống 11%/năm. Các văn bản trên có hiệu lực từ ngày 28/5/2012.

Theo báo cáo phân tích về tình hình lạm phát của Việt Nam trong tháng 5/2012 vừa được Khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC công bố, lạm phát tháng 5 tính theo năm giảm từ 10,5% trong tháng 4 xuống còn 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả đã giữ nguyên không thay đổi trong hai tháng liên tiếp. Giá lương thực thực phẩm tháng 5 đã giảm từ mức 11,9% trong tháng 4 xuống mức 8,5% so với cùng kỳ năm trước. So sánh theo tháng, trong tháng 5/2012, giá mặt hàng này có tính cả yếu tố mùa vụ đã giảm nhẹ 0,1% so với sự suy giảm 0,8% của tháng 4.

Báo cáo nhận xét, cuối cùng thì lạm phát một con số mà Việt Nam trông đợi cũng đã diễn ra trong tháng 5/2012. Kể từ tháng 10/2010, tỷ lệ lạm phát tính theo năm của Việt Nam luôn ở mức hai con số, nổi bật là lạm phát tháng 8/2011 đạt mức đỉnh điểm 23% so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm giá xăng dầu hỗ trợ một phần vào sự suy giảm lạm phát, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do nhu cầu tổng thể trong nước thấp. Kết quả là, giá lương thực thực phẩm đã giảm mạnh (thực phẩm chiếm 40% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng).

Bên cạnh đó, tín dụng cũng giảm trong quý đầu năm 2012, chứng tỏ tình hình hoạt động kinh doanh thật sự khó khăn tại Việt Nam . Nguyên nhân được cho là các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay do lãi suất cao hoặc thiếu tài sản đảm bảo. Do vậy, mặc dù NHNN đã cắt giảm lãi suất vào cuối quý I và đầu quý II, mức 1%/năm mỗi lần, xuống còn 12%/năm, nhưng áp lực giảm lãi suất vẫn đè nặng lên cơ quan này.

“Tôi không ngạc nhiên khi biết tin NHNN cắt giảm tiếp lãi suất mức 1%/năm vào cuối tuần trước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, ACB đồng cảm và đã dự báo định hướng của NHNN hạ trần lãi suất huy động. Việc hạ lãi suất huy động sẽ làm lãi suất cho vay giảm. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn hơn để tăng cường sản xuất và tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, nhiều ngân hàng cũng đã dự đoán trước được tình hình nên đã sớm ra quyết định hạ lãi suất. Eximbank công bố biểu lãi suất huy động mới từ ngày 25/5, với điểm đáng chú ý ở sản phẩm “Tiết kiệm chọn kỳ lĩnh lãi”, các kỳ hạn 6 và 12 tháng có lãi suất 11,7%/năm. Tiết kiệm thông thường, kỳ hạn từ 13 - 60 tháng, lãi suất huy động ở mức 11%/năm.

Vietcombank công bố mức lãi suất cho vay từ 13%/năm dành cho các khoản vay theo sản phẩm kinh doanh tài lộc và từ 14%/năm áp dụng tối đa 12 tháng dành cho các khoản vay mua nhà, xây hoặc sửa chữa nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê.

Ông Tai Hui, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, khi lạm phát cao và các hoạt động kinh tế diễn ra mạnh mẽ, thì lãi suất cao là cần thiết. Hiện lạm phát đang giảm, nhất là trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng đang giảm, thì hoàn toàn hợp lý khi lãi suất giảm từ từ. Các chính sách tiền tệ nên được nới lỏng hơn so với năm ngoái.

“Điều quan trọng ở đây là sự ổn định tỷ giá, tạo điều kiện cho NHNN linh hoạt hơn trong việc hạ lãi suất. Khi tình hình lạm phát tiếp tục giảm nhiều hơn kỳ vọng, NHNN có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất nhiều hơn”, ông Tai Hui nói.

Tuy nhiên, theo ông Tai Hui, nếu giảm lãi suất quá nhiều và quá nhanh, niềm tin của thị trường sẽ bị lung lay. Đồng thời, áp lực mất giá VND sẽ trở lại. Tốc độ và biên độ giảm lãi suất, cũng như thông điệp từ các cơ quan có thẩm quyền sẽ đóng góp vào việc hình thành kỳ vọng trên thị trường.

“Tốc độ và biên độ giảm lãi suất cần phải tỷ lệ thuận với tốc độ giảm của lạm phát và tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế. Đó là điểm mấu chốt”, ông Tai Hui nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Tai Hui, quan trọng hơn là phải nhìn về lâu dài, hướng tới sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc này không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam , mà còn cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam .

“Nhiều công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam phản ánh, những biến động của nền kinh tế vĩ mô trong 5 năm qua khiến họ lo ngại. Nhưng nếu các chính sách của Chính phủ có thể giữ lạm phát và kinh tế ở mức ổn định thì sẽ rất tốt. Do đó, tôi nghĩ có 2 yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp: một là hỗ trợ ngắn hạn thông qua giảm thuế và đầu tư công vào xây dựng cơ sở hạ tầng; hai là, về dài hạn, Việt Nam cần có môi trường kinh tế ổn định hơn”, ông Tai Hui nói.