Hồ sơ vay vốn, làm "đẹp" thế nào?

Hồ sơ vay vốn, làm "đẹp" thế nào?

(ĐTCK) DN nên tìm hiểu cách thức ngân hàng đánh giá khách hàng để có thể có mối quan hệ hợp tác tốt hơn với ngân hàng và xây dựng hồ sơ vay vốn “hợp nhãn” ngân hàng hơn.

Nhiều ngân hàng dành hàng nghìn tỷ đồng để cho DN vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN tại TP. HCM, cũng như các tỉnh, thành khác tại Hội nghị ngành kế hoạch đầu tư mới đây, việc tiếp cận vốn vay giá rẻ vẫn rất khó khăn?

Hồ sơ vay vốn, làm "đẹp" thế nào? ảnh 1Các chỉ tiêu phi tài chính của DN cũng được ngân hàng xem xét kỹ khi cho vay

Theo các chuyên gia, ngân hàng nào cũng có hệ thống đánh giá tín dụng nội bộ, nhưng không nhiều DN hiểu sâu sắc về vấn đề này. Bởi vậy, DN nên tìm hiểu cách thức ngân hàng đánh giá khách hàng để có thể có mối quan hệ hợp tác tốt hơn với ngân hàng và xây dựng hồ sơ vay vốn “hợp nhãn” ngân hàng hơn.

Trên thực tế, với khách hàng tốt, tiềm năng, ngân hàng khá “nhiệt tình” hỗ trợ khách hàng trong việc làm hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, việc biết rõ “ngân hàng muốn gì” sẽ giúp DN chủ động hơn trong quan hệ với nhiều ngân hàng, chứ không chỉ là một, hai ngân hàng quen.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư (BASICO), đơn vị đã tư vấn xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng nội bộ cho nhiều ngân hàng cho biết, ngân hàng phân loại, đánh giá khách hàng theo nhóm ngành nghề (khoảng 25 - 28 nhóm ngành nghề, tùy ngân hàng) trên cơ sở hệ thống các chỉ tiêu về tài chính và phi tài chính. Mỗi ngân hàng có hệ thống đánh giá riêng, phù hợp với định hướng kinh doanh, song những nét cơ bản là giống nhau.

Dẫn ví dụ về hệ thống đánh giá tín dụng của một ngân hàng, ông Hải cho hay, có gần 20 chỉ tiêu tài chính, trong đó quan trọng nhất là 4 nhóm chỉ tiêu: một là nhóm chỉ tiêu thanh khoản, phản ánh khả năng thanh toán, một trong những cơ sở để đánh giá khả năng trả nợ; hai là nhóm chỉ tiêu về hoạt động, xem xét hiệu quả trong hoạt động kinh doanh như vòng quay vốn lưu động, vòng quay hàng tồn kho, vòng quay khoản phải thu, tương quan vòng quay khoản phải thu và khoản phải trả; ba là nhóm chỉ tiêu cân nợ như tỷ lệ tổng nợ phải trả/tổng tài sản, tỷ lệ nợ dài hạn/vốn chủ sở hữu; bốn là nhóm chỉ tiêu thu nhập thực tế như lợi nhuận gộp, doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế…

Đối với các chỉ tiêu tài chính, DN đều quan tâm, vì không chỉ liên quan công việc kinh doanh hàng ngày, mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, các chỉ tiêu phi tài chính thường không được DN chú trọng, trong khi ngân hàng rất quan tâm. Các chỉ tiêu phi tài chính có thể từ vài chục cho tới cả trăm chỉ tiêu, tùy thuộc ngân hàng.

Chỉ tiêu phi tài chính DN thường được ngân hàng chia làm 5 nhóm lớn gồm: nhóm khả năng trả nợ; nhóm trình độ quản lý và môi trường nội bộ;  nhóm về quan hệ với ngân hàng;nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến ngành và nhóm các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động của khách hàng. Toàn bộ các tiêu chí sẽ được xem xét theo từng ngành nghề và không phải tất cả các tiêu chí đều áp dụng cho mọi ngành nghề. Có một số tiêu chí mà ngân hàng rất coi trọng như tiêu chí xác định khả năng trả nợ, xác định trình độ quản lý của DN. Ngân hàng còn xem xét kinh nghiệm quản trị điều hành, lý lịch tư pháp, trình độ chuyên môn của người quản lý. Trên thực tế, có DN mà Ban lãnh đạo có năng lực và có quan hệ tốt với ngân hàng nhiều năm, song khi bố trí người thân, người quen (có trình độ học vấn thấp) ngồi vào ghế giám đốc, thì vị trí của DN trong hệ thống đánh giá nội bộ của ngân hàng sẽ thay đổi, mà DN không hề biết. Ngân hàng coi trọng các DN có hệ thống tổ chức nội bộ chặt chẽ, có quy trình, quy chuẩn, quản lý nhân sự có phân công, phân cấp cụ thể. Tuy nhiên, số DN ở Việt Nam làm được điều này không nhiều. Do đó, các DN phải đặc biệt lưu tâm và tự chuẩn hóa mình trên cả hình thức lẫn nội dung.

Một yếu tố khác thể hiện sự bài bản của DN để ngân hàng đánh giá cao đó là chiến lược, mục tiêu kinh doanh trung và dài hạn. Mặc dù mang tính chính xác tương đối, nhưng yếu tố này chỉ ra mức độ bài bản trong kinh doanh của DN.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng rất thận trọng, chỉ lựa chọn những DN phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình để cho vay. Do đó, những DN biết tự đổi mới mình nhằm có sức đề kháng mạnh cho sự tồn tại và phát triển trong giai đoạn này, thông qua việc chuẩn hóa về cơ cấu tổ chức, quản trị kinh doanh, quản lý tài chính sẽ đương nhiên biến chuyển theo hướng phù hợp khẩu vị rủi ro của mọi ngân hàng.