Khách hàng giao dịch tại Prudential. Ảnh: Báo Công thương

Khách hàng giao dịch tại Prudential. Ảnh: Báo Công thương

Khách hàng tố Prudential không minh bạch lãi suất vay

Chị Lý Thị Kiều Diễm vay của Công ty Tài chính Prudential Việt Nam 19 triệu đồng, khi kết thúc hợp đồng vay trước kỳ hạn phải trả số tiền cao hơn so với thực tế và không hề được biết lãi suất phải trả chính xác là bao nhiêu.

Chị Diễm (ngụ tại TP. HCM) cho biết, ngày 24/9/2008 chị vay 19 triệu đồng của Công ty Tài chính Prudential Việt Nam với lãi suất 1,5% một tháng, thời hạn 36 tháng.

 

Theo hợp đồng, tổng số tiền thanh toán hằng tháng (vốn cộng lãi) là 816.500 đồng. Nếu thanh toán trước hạn, chị Diễm sẽ bị phạt 2% trên dư nợ gốc của khoản vay được trả trước.

Khách hàng giao dịch tại Prudential. Ảnh: Báo Công thương.

 

Trong hợp đồng vay nợ của Prudential không có công thức tính lãi cũng như bảng trả nợ cụ thể. Vì vậy trước khi ký, chị Diễm đã hỏi kỹ nhân viên soạn thảo hợp đồng rằng mức lãi suất 1,52% một tháng được cố định suốt 36 tháng, 816.500 đồng là số tiền phải trả cố định và lãi không được giảm dần theo dư nợ thực tế. Theo chị Diễm, nhân viên này xác nhận đúng và giải thích thêm do vay "tín chấp" nên các điều kiện là vậy.

 

Đến ngày 18/5, khách hàng này đến trụ sở Công ty Tài chính Prudential Việt Nam để làm thủ tục thanh lý hợp đồng trước hạn. Tại đây một nhân viên cho biết số tiền chị phải thanh toán là 10.406.222 đồng (trong đó lãi phạt là 201.222 đồng). Nhân viên này cũng thông báo nếu để qua ngày hôm sau thanh toán thì số tiền sẽ tăng lên, nên chị Diễm chấp nhận trả tiền ngay trong ngày.

 

Tuy nhiên khi về nhà tính toán lại, chị Diễm thấy có sự chênh lệch trong số tiền phải trả. Cụ thể chị đã trả 19 kỳ với số vốn gốc 527.700 đồng một tháng nên tổng số vốn đã trả là 10.026.300 đồng. Cộng tất cả lại gồm số vốn còn lại, lãi phát sinh và tiền phạt thanh toán trước kỳ hạn, thì tổng số tiền phải trả là 9.364.192 đồng, ít hơn một triệu đồng so với số tiền chị Diễm đã trả cho Prudential.

 

Cho rằng có nhầm lẫn trong cách tính lãi suất, chị Diễm liên hệ với Prudential thì được nhân viên cho biết công ty không tính vốn, lãi cố định mà thu vốn lãi theo từng thời kỳ khác nhau. Không đồng ý với cách giải thích, chị Diễm yêu cầu cung cấp bảng tính lãi và bảng trả nợ vay thì nhân viên này từ chối, với lý do năm 2008 hệ thống Prudential chưa có chương trình hỗ trợ tư vấn.

 

Chị Diễm tiếp tục khiếu nại lên Prudential thì nhận được thư phúc đáp với nội dung khách hàng đã thanh toán đầy đủ 10.406.222 đồng mà không có thắc mắc khiếu nại liên quan đến việc tất toán hợp đồng, nên Prudential không thể giải quyết những vấn đề liên quan phát sinh vào và sau ngày chấm dứt hiệu lực.

 

Về khiếu nại của khách hàng Lý Thị Kiều Diễm, ông Nguyễn Đức Chương, Giám đốc cấp cao phụ trách Nghiệp vụ và CNTT Công ty Tài chính Prudential, phản hồi là công ty đã đồng ý tất toán khoản vay trước hạn mặc dù việc này gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

 

Cụ thể trong trường hợp của chị Diễm, khách hàng đã đồng ý số tiền phải trả và các điều kiện để tất toán khoản vay trước hạn nên Prudential mới tiến hành các thủ tục cần thiết để tất toán hợp đồng tín dụng.

 

Còn ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại toàn quốc Prudential, cho biết công ty đã có thư giải đáp thắc mắc và gọi điện giải đáp cho chị Diễm về những điều khoản chung của việc thanh toán khoản vay tại công ty.

 

Tuy nhiên người khách này cho biết, điều chị cần nhất là biểu tính lãi suất thực tế của Công ty Prudential đối với khoản vay của mình thì vẫn chưa nhận được. "Tôi đã từng xin thông tin về biểu lãi suất của một hợp đồng mà tôi đã thanh toán cách đây 3 năm tại một ngân hàng và họ đã nhanh chóng cung cấp. Như vậy giải thích của Prudential hợp đồng đã tất toán nên không giải quyết khiếu nại và cung cấp thông tin lãi suất là vô lý", chị Diễm phân tích.

 

"Hơn nữa chỉ vay 19 triệu đồng tôi đã phải trả thêm hơn 1 triệu đồng để kết thúc trước hạn, thì đối với những khách hàng lớn với số tiền vay nhiều họ sẽ phải mất bao nhiêu tiền đây?", người khách này tiếp tục bức xúc.