Nếu lạm phát trong những tháng tới có xu hướng như tháng 9, tháng 10 thì lãi suất cơ bản có thể được cắt giảm xuống 12%.

Nếu lạm phát trong những tháng tới có xu hướng như tháng 9, tháng 10 thì lãi suất cơ bản có thể được cắt giảm xuống 12%.

Lại khổ vì... thừa tiền!

(ĐTCK) Một loạt chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung ra mới đây khiến nhiều ngân hàng sau giai đoạn mất tính thanh khoản đã trở lại trạng thái dư thừa vốn, trong khi hạn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng còn tới 12%. Làm gì để tiêu tiền một cách có hiệu quả trong 2 tháng cuối năm đang là bài toán với hầu hết ngân hàng? Tăng cường cho vay sản xuất - kinh doanh, cho vay tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản (BĐS), đẩy vốn kinh doanh giấy tờ có giá, trái phiếu chính phủ và xoay xở gia tăng doanh thu từ khối dịch vụ là những phương án phổ biến được ghi nhận.

Nếu như trước đây, người vay phải ngọt nhạt, sốt sắng với ngân hàng, tổ chức tín dụng thì nay tình thế đã bớt nghiêng về một phía. Công ty Tài chính Prudential cho nhân viên liên hệ với những khách hàng từng có nhu cầu vay trước đây để chào mời, lãi suất cho vay được điều chỉnh thấp hơn khá nhiều so với trước. Techcombank nối lại dịch vụ cho vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà có thời hạn tới 15 năm, lãi suất cố định 2 năm đầu 19,5%/năm, những năm sau điều chỉnh theo thực tế thị trường, chỉ cần khách có nhu cầu nhân viên Ngân hàng đến tận nơi tư vấn. ABBank cũng cho vay trở lại khách hàng cá nhân một cách có chọn lọc. Đặc biệt với những ngân hàng mới hoạt động, khi quan hệ tín dụng với doanh nghiệp chưa được thiết lập nhiều, đối tượng khách hàng cá nhân rất được chú trọng.

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Phó tổng giám đốc Tien Phong Bank chia sẻ, trong quý IV này, Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp, cho sinh viên vay, cho vay để cầm cố chứng khoán, nhưng riêng BĐS thì ngân hàng này vẫn nói không, bởi nhận định thị trường thời điểm này hầu như đóng băng, với những người có nhu cầu thực sự thì lãi suất vẫn quá cao và có đưa ra dịch vụ cũng khó giải ngân.

Bên cạnh khối khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có cơ hội tốt hơn để tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ dành 2.000 tỷ đồng tập trung cho vay đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Nhu cầu tiêu dùng của người dân chậm lại, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh khó khăn hơn, song một cách chọn lọc vẫn có thể cho vay ra thị trường những ngành sản xuất ít bị bất ổn trong nền kinh tế", ông Sơn nói.

Một mảng hoạt động được nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính quan tâm là kinh doanh giấy tờ có giá, nhất là trái phiếu chính phủ. Trong bối cảnh này, ngân hàng có 3 cái lợi: thứ nhất, cân bằng rủi ro cơ cấu vốn; thứ hai, mức độ rủi ro khi kinh doanh trái phiếu chính phủ thấp, đặc biệt lãi suất và chiết khấu do nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra khá cao có thể mang lại khoản lời hấp dẫn; thứ ba, đây là nguồn dự trữ thanh khoản tốt.

Thừa vốn, ngân hàng cũng chăm chút hơn đến mục tiêu gia tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ. Techcombank khuyến khích khách hàng mở thẻ; Habubank triển khai tư vấn tài chính cá nhân; ABBank thu hộ tiền điện, quản lý dòng tiền cho các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Liên Việt đẩy mạnh quảng bá dịch vụ giữ hộ tài sản; Tien Phong Bank mạnh tay đầu tư cho dịch vụ ngân hàng điện tử với tham vọng sẽ tăng cơ số khách hàng từ 1.000 người hiện nay lên 10.000 người trong năm 2008.

Đề cập đến khả năng mở rộng hoạt động cho vay và đầu tư của các ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nhiều ngân hàng đã quay trở lại cho vay tiêu dùng, rót vốn vào chứng khoán, BĐS và cho vay sản xuất - kinh doanh một cách có chọn lọc. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất phổ biến ở mức 18 -19%/năm vẫn vượt quá khả năng đáp ứng của cả người dân và doanh nghiệp, khiến mảng tín dụng khó có thể sôi động.

Bà Mùi cũng lưu ý một tình huống mà các thành viên trong Hội đồng khuyến cáo là khi NHNN giải chấp tín phiếu trước hạn đã "cởi trói" cho một lượng tiền lớn, tạo điều kiện cho các ngân hàng cho vay những dự án lớn. Phần lớn dự án này của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu vốn được đầu tư mà dự án không có hiệu quả cao, lạm phát có thể trở lại.

Vốn khả dụng dư thừa, trong khi doanh nghiệp và người dân không mấy mặn mà với vay ngân hàng, nhu cầu huy động vốn của ngân hàng sẽ giảm mạnh. Vậy lãi suất thời gian tới sẽ biến động ra sao, nhất là trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước cắt giảm mạnh lãi suất cơ bản để kích thích kinh tế? Trả lời câu hỏi này, bà Mùi cho rằng, lãi suất phải hài hòa quyền lợi của người gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp, giờ bối cảnh kinh tế đã khác, không nhất thiết lãi suất cao người dân mới gửi tiền, vì thế lãi suất huy động có thể giảm mạnh. Còn nếu lạm phát trong những tháng tới có xu hướng như tháng 9, tháng 10 thì lãi suất cơ bản có thể được cắt giảm xuống 12%.