Quý I/2015, tăng trưởng tốt, xuất khẩu tốt, nhưng số DN đóng cửa cao hơn, nhiều chỉ số khác ở mức “bình bình”

Quý I/2015, tăng trưởng tốt, xuất khẩu tốt, nhưng số DN đóng cửa cao hơn, nhiều chỉ số khác ở mức “bình bình”

Nền kinh tế chuyển biến chưa thực chất

(ĐTCK) Nền kinh tế năm 2014 và quý I/2015 có chuyển biến tích cực, song tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có những biện pháp, chính sách điều hành linh hoạt.

Đó là ý kiến chung của các chuyên gia trong phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, khai mạc ngày 21/4 ở Nghệ An.

Chất lượng phục hồi vẫn thấp

Nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2014 và quý I/2015, nền kinh tế Việt Nam có những tín hiệu tốt, tổng cầu dần phục hồi, lạm phát ở mức thấp…, tạo điều kiện cho việc áp dụng một số cơ chế, chính sách nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài.

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia nhận xét: “Tăng trưởng chưa bền vững, thể hiện ở mức tăng trưởng của nông nghiệp, thủy sản giảm khá mạnh trong quý I/2015. Tổng cầu của nền kinh tế phục hồi, nhưng chậm và chưa vững chắc. Đáng chú ý, nhiều khó khăn của nền kinh tế trong các năm trước chưa được xử lý căn cơ như: nợ xấu, nợ công, tái cấu trúc các ngành kinh tế mà trọng tâm là ngành ngân hàng, DNNN”.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quý I/2015 có hình ảnh của năm 2014, đó là tình hình tốt lên, tăng trưởng tốt, xuất khẩu tốt, nhưng số DN đóng cửa cao hơn, nhiều chỉ số khác ở mức “bình bình”. Tái cơ cấu DNNN có những chuyển biến tích cực là đã làm theo nguyên tắc thị trường và định hướng thị trường, nhưng vẫn chậm và chưa đạt mục tiêu tái cơ cấu. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có những kết quả tốt, các ngân hàng yếu kém được sáp nhập để tránh nguy cơ đổ vỡ. Tình trạng nợ xấu của khối DNNN và sở hữu chéo hầu như chưa được giải quyết.

Trong khi đó, bên cạnh cơ hội thì nền kinh tế hiện đang đối mặt với không ít thách thức về hội nhập khi Việt Nam đang và sắp hoàn tất ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương ở “đẳng cấp” rất cao, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa nhìn chung ở mức yếu, trình độ quản trị kém, năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

“Nhìn tổng thể, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa bền vững và có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp bất cứ lúc nào”, ông Thiên nhấn mạnh. 

Triển vọng lạc quan, nhưng cần cảnh giác

TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tăng trưởng GDP năm 2015 sẽ tích cực hơn năm 2014 nhờ sự cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung. Mặt khác, năng suất của nền kinh tế đã có sự chuyển biến và mức tăng trưởng dài hạn bắt đầu cải thiện từ quý I/2014. Dự báo, tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt trên mức 6,2%.

“Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức do biến động kinh tế thế giới và khu vực, sức ép của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và những tồn tại của nền kinh tế về năng lực cạnh tranh. Trước mắt, có 2 vấn đề cần được tiếp tục theo dõi và có đánh giá thích hợp là việc giảm sút FDI và nhập siêu trong quý I, vì đây là có thể là những vấn đề sẽ tác động tới công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô khác”, ông Tuấn nói.

Về chính sách tiền tệ, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chính sách tiền tệ có nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm với điều kiện kinh tế thế giới không có biến động lớn, các chính sách kinh tế có liên quan được triển khai tích cực và hiệu quả, đồng thời công tác điều hành tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế trong, ngoài nước và quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

“Việc đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra cho năm 2015 với lạm phát khoảng 5% và tăng trưởng GDP khoảng 6,2% là những thách thức không nhỏ đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là vấn đề thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh dư địa hạ lãi suất rất hạn hẹp. Do đó, chính sách tiền tệ cần theo sát hơn và tăng cường khả năng dự báo những diễn biến của kinh tế trong và ngoài nước để kịp thời có các đối sách thích hợp”, ông Tuấn khuyến nghị. 

Chính sách tiền tệ và tài khóa cần phối hợp nhịp nhàng

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2015 là năm cuối thực hiện đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

TS. Hà Huy Tuấn khuyến nghị, việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt theo hướng đảm bảo tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, căn cứ vào diễn biến lạm phát. Công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng.

“Để gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, giảm dần trình trạng đô la hóa diễn ra trong nhiều năm qua, cần kiên định với mục tiêu duy trì giá trị đồng nội tệ. Chính sách tỷ giá cần được ưu tiên duy trì ổn định trong giai đoạn trước mắt. Còn trong trung và dài hạn, nên xem xét, cân nhắc tổng thể các yếu tố của nền kinh tế trên cơ sở theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước để chủ động có những kịch bản xử lý linh hoạt”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần tích cực thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển thị trường vốn trung và dài hạn, thông qua việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và tái cơ cấu TTCK. Để thị trường vốn hoạt động hiệu quả hơn, việc tiếp tục cải cách thủ tục, tăng cường minh bạch, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp uy tín là cần thiết. Phát triển thị trường vốn trung và dài hạn sẽ hỗ trợ và giảm sức ép lên chính sách tiền tệ đối với các nguồn vốn ngắn hạn.

Tin bài liên quan