Ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc

(ĐTCK-online) Ngân hàng và CTCK nên ngồi lại với nhau để đồng thuận không bán tháo cổ phiếu với giá sàn, tiếp tục cho vay hoặc gia hạn thời gian giải tỏa cầm cố.

Trong hàng trăm ý kiến của NĐT gửi về ĐTCK đề xuất các giải pháp hỗ trợ thị trường, phần lớn mong mỏi các CTCK, ngân hàng dừng ngay việc bán cổ phiếu cầm cố của NĐT trong một thời gian. Nhiều CTCK thông qua cam kết với Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã thống nhất dừng bán cổ phiếu tự doanh của đơn vị mình, vậy còn các ngân hàng suy nghĩ sao? 13.149 tỷ đồng là số tiền các ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán tính đến cuối năm 2007, song lớn hơn nữa là những khoản đầu tư tài chính khổng lồ của bản thân các nhà băng. Thời điểm này, nếu nhiều ngân hàng ép giải toả cầm cố và chủ động bán tháo cổ phiếu thì dù các thành viên thị trường khác có nỗ lực đến mấy, hàn thử biểu vẫn không khỏi tuột dốc.

Vốn nổi tiếng là một ngân hàng "bảo thủ", điều kiện cho vay kinh doanh chứng khoán khá ngặt nghèo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là một trong những đơn vị đang đứng trước áp lực giải toả cầm cố lớn nhất. Không trực tiếp tham gia cho vay kinh doanh chứng khoán, nhưng ngân hàng này hợp tác với một số CTCK thực hiện nghiệp vụ cầm cố chứng khoán cho NĐT, điều kiện cơ bản nhất để xem xét cho vay là cổ phiếu có giá thị trường gấp 3 lần mệnh giá và giá trị tối đa NĐT được vay bằng 30% giá thị trường tính bình quân của 5 phiên khớp lệnh gần nhất. Chẳng phải nhìn đâu xa, nhiều mã cổ phiếu trên sàn Hà Nội nếu như được cầm cố hồi tháng 12/2007 thì nay đã giảm giá tới 60 - 70%, NĐT tất nhiên phải bổ sung tài sản thế chấp hoặc trả bớt nợ nhưng thị trường giảm liên tục khiến họ hết đường xoay xở. "Tại CTCK tôi mở tài khoản, chỉ cần CTCK gọi điện thoại 2 lần, ngay cả trong trường hợp NĐT chưa nghe máy, họ cũng tự động bán cổ phiếu cầm cố", một NĐT than thở.

Nếu như làm cuộc khảo sát bỏ túi với các ngân hàng có cho vay kinh doanh chứng khoán, đơn vị nào cũng trả lời ngọt ngào rằng, dư nợ cho vay loại hình này không có gì đáng ngại và hầu hết khoản vay đã được tất toán. Bà Trần Ngọc Diệu, Giám đốc bộ phận bán lẻ Sở Giao dịch Ngân hàng Á châu (ACB) cho biết, tại ACB trước ngày 31/12/2007, nhiều khoản cho vay chứng khoán đã được thu hồi và sau thời điểm đó, Ngân hàng hầu như không cho vay tiếp. Tuy nhiên, sự thực lại không êm ả như vậy với nhiều nhà băng. Tại một ngân hàng cổ phần tầm cỡ, tài sản đảm bảo bổ sung chỉ được chấp nhận khi đó là bất động sản, ngân hàng thậm chí cắt cử hẳn một tổ đặc trách chuyên lo đôn đốc CTCK giải tỏa cầm cố trước khi giá cổ phiếu "thâm" vào giá trị cho vay.

Thị trường càng thiếu thanh khoản, sự sốt ruột của các ngân hàng càng lớn, NĐT đặt lệnh bán với giá sàn do sức ép từ việc vay mượn càng đông và như một vòng xoáy luẩn quẩn, giá cổ phiếu càng đuối. Giám đốc khối nghiệp vụ bán lẻ một ngân hàng cổ phần xót xa tâm sự: "Bản thân chúng tôi cũng không muốn bán cổ phiếu giá rẻ nhưng mình tôi thì không làm gì được. Đó là quyết định của cả một tập thể, của Hội đồng đầu tư, HĐQT và áp lực từ cổ đông. Nói gì thì nói, phải cứu mình trước đã".

Ngân hàng là tổ chức kinh doanh, lợi nhuận, an toàn vốn là yếu tố được coi trọng hàng đầu, đặt vấn đề họ hành động vì thị trường trong thời điểm này thật khó khả thi. Tuy vậy, nếu như ngân hàng cho nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu đến hạn được vay tiếp hoặc gia hạn thêm một thời gian, để NĐT cũng như CTCK hạn chế bán ra, liệu tình hình có khác?

Đem mong mỏi này chia sẻ với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, người viết bài này nhận được câu trả lời: "Không có việc gì là hoàn toàn không có lối thoát". Ông Kiêm nói, để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ TTCK, trong số 19 giải pháp đưa ra Chính phủ đã bật tín hiệu về những giải pháp tiền tệ "mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn" phù hợp với diễn biến thị trường, quan trọng là đề xuất của các cơ quan quản lý trực tiếp và nhanh chóng đưa vào thực thi.

Với câu chuyện khó của các ngân hàng thương mại trong việc đảm bảo an toàn khoản tiền cho vay kinh doanh chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước khó có thể ban hành một biện pháp mang tính mệnh lệnh hành chính, kiểu yêu cầu các ngân hàng gia hạn thời gian cho vay, song những can thiệp mang tính hỗ trợ gián tiếp có thể được thực hiện dễ dàng hơn, như tăng cường khả năng thanh khoản cho các ngân hàng bằng cách giãn thời gian thực hiện mua tín phiếu bắt buộc, tạo thuận lợi cho giao dịch trên thị trường mở... Cũng có thể, các ngân hàng và CTCK ngồi lại với nhau để cùng đồng thuận không bán tháo cổ phiếu với giá sàn, tiếp tục cho vay hoặc gia hạn thời gian giải tỏa cầm cố... "Khó thực hiện nhưng nếu có nỗ lực của tất cả các bên, thị trường mới không đổ vỡ, bán cổ phiếu giá rẻ, thị trường tài chính suy thoái, bản thân ngân hàng cũng không được lợi", ông Kiêm nói.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS), người từng nhiều năm lăn lộn trong ngành ngân hàng và hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIBBank) cho rằng, khi định giá cổ phiếu để cho vay, các ngân hàng đã đưa ra một ngưỡng giá khá an toàn và trong trường hợp giá cổ phiếu xuống dưới cả giá trị thực, ngân hàng có thể nhận luôn tài sản đảm bảo là cổ phiếu như một khoản đầu tư thay vì giải tỏa ngay. Tại một số nước từng lâm vào khủng hoảng tài chính trong khu vực, một số ngân hàng thậm chí còn đổ tiền ra mua cổ phiếu và sau này kiếm lãi lớn.