Ngân hàng kiếm bao nhiêu từ thu phí?

Ngân hàng kiếm bao nhiêu từ thu phí?

(ĐTCK) Ngân hàng “than” dịch vụ ATM chưa bao giờ là nguồn sinh lời, người sử dụng “tố” ngân hàng hưởng lợi từ dịch vụ còn thu phí… Đâu là sự thực?

Ngân hàng kiếm bao nhiêu từ thu phí? ảnh 1

BaoViet Bank là một trong 22 ngân hàng vẫn miễn phí rút tiền qua ATM

Từ ngày 1/3, theo Thông tư 35 của NHNN, người dân sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ATM) sẽ chính thức bị thu phí.

Theo Thông tư 35, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, sau đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2014 và lên 3.000 đồng từ năm 2015. Tuy nhiên, đa số lãnh đạo NHTM đều cho rằng, kể cả phí được thu như vậy vẫn không đủ bù đắp chi phí cho hoạt động của dịch vụ này.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank kiêm Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, toàn ngành ngân hàng đã phát hành 54,5 triệu thẻ, với 93% là thẻ nội địa. Nếu tính tổng chi phí cho ATM của các ngân hàng trong Hội thẻ Việt Nam trên tổng số giao dịch, trung bình mỗi một giao dịch ngân hàng phải chi ra từ 7.000 - 9.000 đồng.

“Riêng Vietcombank, nếu thu phí trong kỳ này thì Ngân hàng chỉ giảm được 1.000 đồng chi phí và vẫn phải bù lỗ 6.000 đồng”, ông Tuân nói.

Giám đốc trung tâm thẻ một NHTM cỡ trung cho biết, Vietcombank không phải là ngân hàng có số lượng thẻ phát hành nhiều nhất, nhưng lại là ngân hàng có số lượng thẻ giao dịch nhiều nhất mà còn lỗ 6.000 đồng/giao dịch thì các NHTM khác còn lỗ hơn nhiều. Vị giám đốc này phân tích, để dịch vụ thẻ ATM đi vào hoạt động, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu là phần mềm, in dập, phôi thẻ, máy móc… Chi phí mua máy ATMlần đầu tiên đã rất cao, khoảng 20.000 - 30.000 USD/máy, ngân hàng còn phải bỏ phí duy trì khoảng 18 - 20%/năm và 5 - 7 năm lại phải thay thế, đặc biệt, mỗi ngày phải bỏ hàng chục tỷ đồng tiếp quỹ vào ATM. Cụ thể như tại Vietcombank, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Quản lý Quỹ ATM, Sở giao dịch Hà Nội, trong một ngày cung cấp 50 - 60 tỷ đồng vào ATM.

“Đó là chưa kể chi phí để quảng bá sản phẩm, nhân viên bán hàng… của các ngân hàng nhỏ thường tốn kém hơn các ngân hàng lớn do độ nhận diện thương hiệu còn yếu… Do vậy, dịch vụ ATM chưa bao giờ là nguồn sinh lời của ngân hàng”, vị giám đốc trung tâm thẻ trên nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Khi ngân hàng để một lượng tiền mặt vào máy ATM thì đó là tiền chết hoàn toàn mà trên lượng tiền đó, ngân hàng vẫn phải giữ một khoản dự trữ bắt buộc tại NHNN”.

“Giám đốc chi nhánh một NHTM từng chia sẻ với tôi rằng, để vận hành hệ thống ATM hiện nay, mỗi tháng, đơn vị này phải chịu lỗ 22 triệu đồng/máy”, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN xác nhận và cho biết thêm: “Tính đến ngày 27/2/2013, gần 80% ngân hàng đã gửi báo cáo, nội dung biểu phí ATM mới có hiệu lực từ 1/3. Trong đó, 2 ngân hàng quy định phí dưới mức cho phép (từ 200 - 500 đồng cho một giao dịch rút tiền nội mạng), 10 ngân hàng thu tối đa 1.000 đồng và 22 ngân hàng vẫn miễn phí”.

Tại TienPhong Bank, chính sách phí giao dịch ATM nội mạng và liên mạng từ 1/3 không thay đổi so với trước đây. Lãnh đạo của TienPhong Bank cho biết: “Ngân hàng vẫn tiếp tục miễn phí giao dịch ATM nội và liên mạng với mục tiêu khuyến khích, mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng thẻ, từ đó, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên chính tài khoản của khách hàng như thanh toán hóa đơn, nạp tiền, chuyển khoản, mua hàng trực tuyến, mua vé máy bay…”

BaoViet Bank cho biết cũng tiếp tục duy trì chính sách miễn phí rút tiền tại hệ thống ATM của tất cả các ngân hàng Việt Nam trên toàn quốc. Bên cạnh đó, hạn mức rút tiền cũng được nâng lên mức 3 triệu đồng/giao dịch đối với thẻ BVLink hạng chuẩn, 5 triệu đồng/giao dịch đối với thẻ BVLink hạng vàng (áp dụng đối với thẻ chính). Riêng thẻ BVIP có hạn mức lên tới 15 triệu đồng/giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch với giá trị cao của khách hàng.

“BaoViet Bank khẳng định mong muốn thu hút thêm nhiều khách hàng. Đây cũng là tiền đề để BaoViet Bank đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet Banking, Mobile Banking và các sản phẩm ngân hàng hiện đại khác”, lãnh đạo của BaoViet Bank nói.

“Thông tư 35 không bắt buộc các NHTM phải thu phí. Nhưng rõ ràng, cho dù có thu phí, ngân hàng cũng không bù đắp được chi phí bỏ ra và không thu phí không có nghĩa ngân hàng bỏ qua việc bù đắp chi phí vì mức thu này quá ít. Quyết định thu phí hay không tùy thuộc vào ý đồ hoạt động của ngân hàng nhưng phải khẳng định, việc vẫn còn ngân hàng chưa thu phí ATM không phải do dịch vụ này có lãi mà ngân hàng vẫn đang chấp nhận lỗ. Thực tế, ở các quốc gia phát triển như Mỹ, dịch vụ ATM cũng không sinh lời, nhưng các ngân hàng vẫn đầu tư vì hướng đến những lợi ích mà ATM đem đến. Cái lợi của ATM đối với ngân hàng là đưa ngân hàng đến với dân chúng, từ đó dân chúng sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chia sẻ, ở nước ngoài, hạ tầng thanh toán rất tốt nên việc rút tiền mặt là hãn hữu, còn ở Việt Nam, 80% các giao dịch chỉ là để rút tiền. Chính vì cơ sở hạ tầng thanh toán của Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác, nên việc sử dụng các phương tiện phi tiền mặt hiện tại vẫn còn hạn chế, gây ra phí tổn cho toàn xã hội. Vấn đề của các NHTM là phải tính toán để giảm chi phí với ATM, để lợi cho cả người dân lẫn ngân hàng.