Cuộc đua tăng lãi suất huy động VND vẫn đang diễn ra trên diện rộng.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động VND vẫn đang diễn ra trên diện rộng.

Nỗi lo tăng trưởng tín dụng nóng

(ĐTCK-online) Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 12/2007, tổng dư nợ cho vay và đầu tư vào nền kinh tế của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam tăng gần 37,8% so với cuối năm 2006, vượt xa so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cả năm là 18 - 22% và thực tế năm 2005 chỉ tăng 19,2% và năm 2006 tăng 21,4%. Dư nợ cho vay theo các ngành kinh tế lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng quá nóng như vậy khiến giới phân tích không khỏi lo ngại, bởi hệ lụy của nó là cung tiền trong lưu thông tiếp tục tăng, đẩy lạm phát lên cao.

Lo ngại lớn hơn ở góc độ nhà điều hành chính sách là cuộc đua tăng trưởng tín dụng có thể ảnh hưởng xấu tới chất lượng. Một quan chức NHNN cho hay, các ngân hàng thương mại cổ phần và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh tăng từ 38% trở lên; các ngân hàng thương mại nhà nước có tốc độ tăng dưới 30%. Tăng trưởng năm 2007 tập trung chủ yếu ở những lĩnh vực ẩn chứa rủi ro cao, như cho vay tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán. Nhiều ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, mở rộng cho vay đối với các dự án lớn thuộc các ngành năng lượng, vật liệu xây dựng, bất động sản, vượt quá khả năng thẩm định và quản trị rủi ro; tăng số lượng chi nhánh kéo theo việc mở rộng tín dụng, nhưng ở một số nơi có biểu hiện "nới lỏng" điều kiện cho vay để cạnh tranh thu hút khách hàng… Thời điểm này, những con số tăng trưởng trên đều đẹp nhưng khi được cố tình vượt quá ngưỡng an toàn có thể sẽ gây hậu quả lâu dài. Cũng theo thống kê của NHNN, nợ xấu năm 2007 chỉ chiếm 2% tổng dư nợ cho vay, giảm so với cùng kỳ năm trước là 2,65%, nhưng khi những thị trường nhạy cảm nói trên đột ngột đảo chiều, nhiều khoản vay đáo hạn thì không chắc con số 2% còn đảm bảo.

Câu chuyện tín dụng tăng nóng cũng cho thấy, công tác dự báo, từ đó đưa ra những chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cần được củng cố hơn nữa. Có lẽ vì thế mà tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng mới đây, mục tiêu đề ra cho năm 2008 là tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán không quá 32%, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế không quá 30%. NHNN cũng khẳng định, sẽ có giải pháp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng; hỗ trợ, mở rộng tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn; điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt để kịp thời rút về lượng vốn khả dụng dư thừa, chủ động kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2008.

Cụ thể hơn, trong năm 2008, NHNN sẽ sửa đổi và ban hành các quy chế đảm bảo an toàn liên quan đến hoạt động tín dụng cho phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; yêu cầu kiểm soát chặt chẽ quy mô và chất lượng tín dụng, nhất là tín dụng kinh doanh chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng; thu hẹp đối tượng cho vay bằng ngoại tệ nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa.

Một mặt, thanh tra NHNN sẽ tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm 2008; các tổ chức có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn 25% trong năm 2007 sẽ trong "tầm ngắm", nhất là các tổ chức dành nhiều tín dụng cho những dự án bất động sản và tiêu dùng, tín dụng cho các dự án lớn.

Có thể, vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng có lý do để bào chữa cho mình khi đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng, nhưng với một tầm nhìn xa hơn của cơ quan điều hành, kiểm soát và hạn chế ở mức độ an toàn là điều tối cần thiết. Giải pháp cần thực hiện đồng bộ để tạo ra hiệu quả nhất định, song hiện tại, cuộc đua tăng lãi suất huy động VND vẫn đang diễn ra trên diện rộng, với tốc độ tương đối nóng, khi các ngân hàng tiếp tục chủ động bơm vốn cho nền kinh tế.