Phố Wall đảo chiều tăng điểm cuối phiên - Ảnh: Reuters

Phố Wall đảo chiều tăng điểm cuối phiên - Ảnh: Reuters

Phố Wall đảo chiều cuối phiên

(ĐTCK) Dù dao động ở dưới mức tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch ngày 23/5, nhưng phố Wall đã bất ngờ đảo chiều tăng điểm vào cuối phiên.

 

Những lo ngại về tình hình nợ công châu Âu và khả năng Hy Lạp sẽ ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu khiến cho giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu, khiến phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ.

 

Tuy nhiên, giới thạo tin cũng cho biết, Liên minh châu Âu đang xem xét một đề nghị đảm bảo tiền gửi ngân hàng trên toàn khối. Động thái này giúp giảm bớt sự sợ hãi về việc người dân sẽ đồng loạt rút tiền khỏi các ngân hàng ở Tây Ban Nha và Hy Lạp.

 

Ngoài thông tin tích cực trên, việc chỉ số S&P 500 xuống dưới ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.300 điểm cũng đã kích thích lực mua bắt đáy, giúp thị trường phục hồi trở lại vào những phút cuối phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/5), trong đó S&P 500 và Nasdaq đảo chiều thành cồng, trong khi Dow Jones kém may mắn hơn khi chưa kịp vượt qua mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 6,66 điểm (-0,05%), xuống 12.496,15. Chỉ số S&P 500 tăng 2,23 điểm (+0,17%), đóng cửa ở 1.318,86. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 11,04 điểm (+0,39%), lên 2.850,12 điểm.

Kết thúc trước thị trường chứng khoán Mỹ mấy tiếng đồng hồ, thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm mạnh Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 136,87 điểm (-2,53%), xuống 5.266,41 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 149,85 điểm (-2,33%), xuống 6.285,75 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 80,82 điểm (-2,62%), xuống 3.003,27 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á sau phiên tăng mạnh hôm thứ Ba (22/5) đã đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch hôm qua (23/5). Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 172,69 điểm (-1,98%), xuống 8.556,6 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 252,96 điểm (-1,33%). Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 9,87 điểm (-0,42%), xuống 2.363,44 điểm.Giá dầu cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua. Cụ thể, tại Mỹ giá dầu thô tương lai giao tháng bảy giảm 2,30 USD xuống 89,55 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 1/11/2011, dầu thô được giao dịch dưới mức 90 USD/thùng.