Quản lý thị trường vàng: Nhiều điểm vẫn cần làm rõ

Quản lý thị trường vàng: Nhiều điểm vẫn cần làm rõ

(ĐTCK-online) Sau nhiều lần dự thảo, bản cuối cùng của Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được NHNN gửi tới một số bộ, ngành, DN và hiệp hội ngành trước khi trình Chính phủ để thông qua.

Theo dự thảo này, quyền mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân vẫn được thừa nhận, chứ không quy định theo kiểu giao dịch một chiều (chỉ bán mà không được mua) như thông tin trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh vàng miếng thì sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ được đưa vào hoạt động kinh doanh có điều kiện. Báo ĐTCK ghi nhận một số ý kiến từ DN và hiệp hội.

Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Hoạt động kinh doanh vàng miếng được quản lý chặt chẽ thì Hiệp hội và kể cả cá nhân tôi cũng cảm thấy rất cần thiết. Điều này cũng phù hợp với chủ trương đưa ra tại Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tuy nhiên, một trong những nội dung cần phải xem xét trong Dự thảo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà NHNN vừa đưa ra, đó chính là còn nặng về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trang sức. Theo tôi, điều đó còn đi ngược với xu hướng của thị trường, cũng như của thế giới. Bởi vàng trang sức thực ra chỉ là hàng tiêu dùng đơn thuần, không mang tính chất tiền tệ, mà chính là hàng hóa. Do đó, tôi cho rằng, vấn đề quản lý đối với vàng nữ trang cần thông thoáng, thay vì quy định quá chặt chẽ như nội dung đưa ra trong Dự thảo.

 

Một là, để nữ trang trở thành sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ thị trường trong nước. Hai là, tạo điều kiện và cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Thực tế, ở các nước lân cận, chẳng hạn như Thái Lan, xuất khẩu nữ trang hàng năm mang về 3 tỷ USD mỗi năm. Chính vì thế, Việt Nam không nên quá nặng nề đối với quản lý hoạt động vàng nữ trang, mà chỉ cần điều chỉnh bằng chính sách thuế. Ngược lại, nếu quản lý quá chặt chẽ sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực khác, chẳng hạn như công ăn việc làm của ngành kim hoàn nói riêng và hoạt động của nghề kim hoàn nói chung sẽ bị mai một. Bên cạnh đó, nếu quản lý quá chặt thì thị trường nữ trang Việt Nam sẽ phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài, do hàng hóa trong nước bị quản lý chặt, giá thành bị đội lên, DN sẽ không mặn mà với sản xuất, sẽ tạo cơ hội cho hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa.

Trong khi đó, nếu chiếu theo quy định được đưa ra tại Dự thảo, khi có nhu cầu sản xuất vàng nữ trang thì DN phải có giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận sản xuất vàng trang sức và cuối cùng là phải có giấy chứng nhận cửa hàng bán vàng trang sức. Như vậy, một sản phẩm vàng trang sức muốn ra được thị trường phải qua 4 giấy phép. Theo tôi, điều đó không cần thiết. Cần tạo điều kiện để ngành kim hoàn phát triển, từ đó có thể tạo thêm công ăn việc làm cho những người thợ kim hoàn và nhiều lao động khác.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)

 

Nội dung của Dự thảo còn nhiều yếu tố chưa được quy định rõ. Đơn cử như mức vốn điều lệ và doanh thu tính thuế của hoạt động kinh doanh vàng chưa biết là bao nhiêu. Bên cạnh đó, một số vấn đề còn để mở là chọn ai để được nhập khẩu hoặc chọn ai để đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng… cũng chưa biết được cụ thể. Tuy nhiên, đứng về mặt dư luận, Dự thảo lần này đã phần nào giải tỏa được vấn đề tâm lý là cấm kinh doanh vàng miếng như thông tin trước đây. Dự thảo lần này chỉ hạn chế việc kinh doanh vàng miếng, chứ không cấm hoàn toàn trên thị trường tự do, đồng thời sẽ quy định một số đầu mối để được kinh doanh vàng miếng. Theo tôi, đây sẽ là điều kiện tốt cho các NHTM, vì NHTM có mạng lưới hoạt động rộng, được NHNN kiểm soát chặt, dễ kiểm soát hơn các đơn vị kinh doanh vàng khác.

Có một vấn đề cần xem xét lại, đó là quy định về mức vốn điều lệ và doanh thu tính thuế nên có tính ổn định và mang tính chất dài hạn, hơn là theo từng thời kỳ, nhằm tạo điều kiện tốt cho hoạt động của DN.

Đối với hoạt động kinh doanh trang sức, theo tôi, nó có đặc thù riêng là tính phong phú và mang tính chất công nghiệp của ngành kim hoàn. Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, tôi luôn mong muốn tạo điều kiện cho các DN có nguyên liệu để sản xuất, cũng như tạo công ăn việc làm cho các thợ kim hoàn. Nhưng với trang sức vàng, để quản lý ngành công nghiệp này, cần phải có sự tham gia của Bộ Công thương, thay vì chỉ có NHNN. Tóm lại, để ngành công nghiệp này phát triển, cần tạo điều kiện cho DN kim hoàn. Còn nếu quy về quản lý một mối, liệu NHNN có kiểm soát được hết hay không?

Một vấn đề mà chúng tôi cũng cảm thấy cần phải nêu ra, đó là chính sách vàng tài khoản, cũng như việc hình thành Sở giao dịch vàng. Nếu chỉ kinh doanh một mặt hàng vàng vật chất thì sẽ có nhiều rủi ro. Trên thế giới hiện nay, tỷ trọng kinh doanh vàng lớn nhất vẫn là vàng tài khoản và vàng tín chỉ, thay vì vàng vật chất như ở Việt Nam. Chủ trương của Chính phủ là hạn chế kinh doanh vàng vật chất, nhưng nếu không mở ra vàng tài khoản thì cũng khó có thể hạn chế được hoạt động kinh doanh vàng của các sàn vàng "chui".

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Theo tôi, Dự thảo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà NHNN đưa ra lần này đã có độ mở, nhưng cũng kiểm soát chặt hơn đối với việc kinh doanh vàng miếng. Trong đó, các DN được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện như có mức vốn điều lệ và doanh thu tính thuế của hoạt động kinh doanh vàng, có mạng lưới chi nhánh theo quy định trong từng thời kỳ… Như vậy, kinh doanh vàng miếng sẽ trở thành hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Trên thực tế hiện nay, cả nước có 7.000 địa điểm kinh doanh vàng nữ trang, họ cũng có quyền kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, chính sách thuế chưa thực sự công bằng, các DN kinh doanh vàng lâu năm luôn kê khai hóa đơn rõ ràng, dù họ chỉ bán một phân vàng cũng có hóa đơn. Trong khi đó, với những cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ thì không phải đơn vị nào cũng ra hóa đơn, vì họ nộp thuế khoán. Vì thế, rất khó có thể quản lý, nên việc đưa ra điều kiện trên theo tôi là hợp lý, nhưng cần sớm có Thông tư hướng dẫn sau khi Nghị định được ban hành để hiểu rõ hơn.

 

Song có một điểm đáng chú ý trong Dự thảo là hoạt động kinh doanh, mua bán vàng trang sức cũng được đưa vào hoạt động kinh doanh có điều kiện. Theo đó, DN mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ các điều kiện như: có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua bán vàng trang sức theo quy định của NHNN. DN phải niêm yết giá công khai tại địa điểm giao dịch về chất lượng, giá mua bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường…

Theo tôi, việc đăng ký hoạt động kinh doanh qua NHNN là đúng, nhưng phía NHNN phải kiểm soát được việc này, trong đó quan trọng là chất lượng. Bởi ngành nữ trang phải là ngành công nghiệp, vì hiện ở các nước lân cận trong khu vực cũng xem nữ trang là ngành công nghiệp, đem lại doanh thu xuất khẩu và tạo giá trị thặng dư (tạo được công ăn việc làm và có nhập khẩu, xuất khẩu). Trong khi đó, thực tế trên thị trường Việt Nam hiện nay còn bỏ ngỏ việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng nữ trang vàng, mà tự các DN kiểm tra, kiểm soát chất lượng nữ trang vàng.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi , Tổng giám đốc Công ty Sacombank - SBJ

Theo tôi, với hoạt động kinh doanh nữ trang, thì trước đây, khi đăng ký hoạt động kinh doanh vàng, các DN đã đăng ký chức năng kinh doanh vàng trang sức. Như vậy, với nội dung đưa ra tại Dự thảo thì liệu các DN có phải đăng ký lại hay không? Riêng đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng, hiện chưa rõ NHNN sẽ cấp phép cho đơn vị nào và liệu có giới hạn việc cấp phép kinh doanh vàng miếng đối với các DN hay không.

 

Theo nội dung của Dự thảo lần trước liên quan tới các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng, DN phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, doanh thu tính thuế trong hai năm liên tiếp gần nhất từ 500 tỷ đồng và phải có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng từ 3 tỉnh, thành trở lên. Tuy nhiên, Dự thảo lần này được NHNN đưa ra chỉ yêu cầu chung là phải đáp ứng một số điều kiện về vốn, doanh thu và mạng lưới do NHNN quy định trong từng thời kỳ. Do đó, nội dung quy định trong Dự thảo lần này đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng nhìn chung thoáng hơn, vì có cấp phép cho các DN đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng, thay vì quy về một mối theo chỉ định của NHNN như ý kiến đưa ra trước đây. Nhưng mọi vấn đề cần phải đợi Nghị định chính thức quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, cũng như Thông tư hướng dẫn Nghị định được đưa ra. Vì thế, hiện tâm lý của người dân cũng như các nhà đầu tư trong mua bán vàng miếng còn tỏ ra thận trọng, dẫn đến các giao dịch vàng miếng gần đây khá trầm lắng.

 

Theo dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng lần này, quyền mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân vẫn được thừa nhận. Tuy nhiên, các giao dịch này phải thực hiện tại ngân hàng và DN được NHNN cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng, nếu đáp ứng đủ điều kiện. Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán được cho là hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân phải thành lập DN và được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu được quy định theo hướng hạn chế xuất khẩu, trong khi nhập khẩu sẽ phải tuân theo những điều kiện khắt khe.

Ngoài NHNN, chỉ các DN có giấy phép khai thác vàng mới được cấp phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do DN khai thác được. Với hoạt động nhập khẩu, giấy phép chỉ được cấp cho một số DN sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, DN đầu tư khai thác vàng ở nước ngoài có nhu cầu nhập số vàng đã khai thác về nước...

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định sẽ phải hoàn tất khâu lấy ý kiến các bên và trình Chính phủ trong tháng