Sọt rác tài chính

Sọt rác tài chính

Nếu xem nợ xấu là túi rác thì việc doanh nghiệp vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác sẽ khiến cho một số ngân hàng vô tình trở thành "sọt rác tài chính".

Bức tranh tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đã cho thấy một sự phân hóa mạnh mẽ. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) tăng trưởng dư nợ 6 tháng đầu năm tới 8,61%. Còn tăng trưởng tín dụng của khối khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) trong 9 tháng đã lên tới gần 17%. Hồi tháng 8, đây cũng là nhóm ngân hàng xin nâng hạn mức tín dụng tới 27-30% dù chưa tăng trưởng hết hạn mức và đa số đều là những ngân hàng nhỏ.

Trong khi đó, viễn cảnh tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng lớn lại khá ảm đạm. Tăng trưởng tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong 8 tháng đầu năm đã âm 2,3% hay Ngân hàng Á Châu (ACB) tăng trưởng gần như bằng 0.

Vì sao lại có sự phân hóa này? Liệu có tình trạng doanh nghiệp dùng tiền vay ở ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác? Trong bối cảnh hoạt động sản xuất đình đốn, đầu ra khó khăn, nợ nần chồng chất, liệu các ngân hàng trên có trở thành nơi ôm nợ xấu "chạy lòng vòng" của doanh nghiệp?

Phần lớn tín dụng hiện nay không chảy vào khu vực sản xuất vì có một thực tế là khu vực này vẫn còn hàng tồn kho rất nhiều. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho trong tháng 9 đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, một bộ phận doanh nghiệp vay vốn không phải để sản xuất mà để “cầm hơi”. Bởi sản xuất ra mà không bán được thì sản xuất để làm gì?

Riêng thị trường tài chính, hoạt động vay nợ đã giảm hẳn (tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2,35%). Tại Hội nghị Đầu tư 2012 do Tạp chí NCĐT tổ chức vào tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng nhận xét: “Xu thế hiện giờ là xu thế thoái vốn sau quá trình tăng trưởng tín dụng nóng”.

Vì thế, có thể nghi ngờ một bộ phận doanh nghiệp đã dùng tiền ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác, nhất là trong bối cảnh nợ xấu tăng cao. Và nếu xem các món nợ xấu là “túi rác tài chính” thì rất dễ để ngân hàng này trở thành “sọt rác tài chính” cho các ngân hàng khác.

Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ ở TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết một doanh nghiệp có thể tạo lập mối quan hệ với nhiều ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn bổ sung khi cần thiết. Ngân hàng khó có thể kiểm soát đường đi của vốn sau khi vào doanh nghiệp, mà chỉ có thể xét duyệt cho vay dựa trên năng lực của doanh nghiệp đi vay mà thôi.

Trả lời một tờ báo chứng khoán gần đây, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, còn đề nghị cho phép các doanh nghiệp đảo nợ cũ, sau đó cho vay mới để tiếp tục hoạt động.

Vì thế, nhiều ngân hàng trong giai đoạn này có thể vô tình hay cố ý trở thành nơi chứa đựng các món nợ xấu của doanh nghiệp được ném qua ném lại. Và trong bối cảnh ngân hàng nhỏ tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng lớn tăng trưởng tín dụng thấp, có thể suy luận rằng các ngân hàng nhỏ rất dễ trở thành những “sọt rác”.

Trên thực tế, các ngân hàng dù lớn dù nhỏ vẫn tích cực giảm dần xợ xấu, trong đó có cả cách tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, với tỉ lệ nợ xấu 5%, nghĩa là cho vay 100 đồng thì nợ xấu là 5 đồng, khi tăng cường cho vay 110 đồng thì nợ xấu vẫn giữ nguyên, còn tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống.

Theo một chuyên gia ngân hàng (không muốn nêu tên), tăng trưởng tín dụng hiện nay cũng có thể là một biện pháp làm đẹp báo cáo tài chính của ngân hàng. Phương pháp này còn bao gồm cả việc ghi nhận tăng trưởng tín dụng từ việc tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp và các hạng mục tài sản khác. Nhưng đây không phải là biện pháp căn cơ và lâu dài.

Dù cho tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, nhưng với quy mô tài sản nhỏ, phần tín dụng tăng lên sẽ tác động không đáng kể tới thị trường (vì có sự chênh lệch rất lớn giữa tài sản của ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ). Tuy nhiên, việc đẩy qua đẩy lại có thể dẫn đến trường hợp một sọt rác nhỏ phải đựng quá nhiều túi rác. Điều này không chỉ tác động trực tiếp lên lợi nhuận của chính ngân hàng mà còn cả sự an toàn thanh khoản của toàn hệ thống.