Thận trọng cấp phép ngân hàng

Đã có hàng chục bộ hồ sơ nộp lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin cấp phép thành lập NH. Tuy nhiên, với điều kiện, quy định hết sức chặt chẽ nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn của hệ thống NH cũng như bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đến nay vẫn chưa có NH nào được cấp phép.

 

Đến cuối năm: chưa có NH mới

 

Cách đây 5 tháng, NHNN chi nhánh TPHCM đã có quy chế thành lập cấp giấy phép thành lập và hoạt động NH TMCP. Quy chế này đã quy định cụ thể, rõ ràng các điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cấp phép theo hướng chi tiết, công khai, minh bạch, cập nhật những thông lệ tốt nhất của quốc tế, đảm bảo nguyên tắc chung là không phân biệt đối xử. Về cơ bản không có khác biệt lớn giữa việc lập NH 100% vốn nước ngoài với việc lập NH TMCP, ngoại trừ một vài điểm khác biệt do đặc thù của hai loại hình này có sự khác nhau.

 

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Trần Minh Tuấn cho biết định hướng của NHNN Việt Nam là mọi tổ chức, cá nhân nếu có nhu cầu thành lập NH, lập hồ sơ đầy đủ, chứng minh được tính khả thi của Đề án thành lập, đáp ứng được mọi điều kiện theo quy định, sẽ được NHNN xem xét. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng các điều kiện, quy định hiện nay là hết sức chặt chẽ nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn của hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

 

Gần đây, nhiều thông tin cho rằng trong năm nay có thể có 2 NH TMCP và 4 NH 100% vốn nước ngoài được cấp phép thành lập. Trong đó, 2 TMCP là NH Công nghiệp Việt Nam (một trong những cổ đông sáng lập là BIDV) và NH Ngoại thương Châu Á (cổ đông sáng lập là VCB); 4 NH nước ngoài là NH Công nghiệp Hàn Quốc, Common Wealth Bank of Australia, Sumitomo Bank và Fubon Bank.

 

Tuy nhiên, theo một quan chức trong NHNN Việt Nam , do việc cấp phép sẽ theo một quy trình minh bạch, thận trọng, không ồ ạt, đảm bảo việc cấp phép phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngành NH nên khó có khả năng trong năm nay sẽ có NH được cấp phép. Quan chức này cho biết, hầu hết các bộ hồ sơ nộp xin thành lập NH đều chưa hoàn chỉnh, NHNN phải trả lại để bổ sung, chỉnh sửa.

 

Đáp ứng điều kiện: không dễ

 

Theo NHNN, quy định mới yêu cầu những pháp nhân phải bổ sung báo cáo tài chính kiểm toán trước 3 tháng, thể hiện vốn góp từ nguồn nào nhằm đánh giá đồng tiền góp vốn phải minh bạch, còn đối với cá nhân là cổ đông góp vốn phải kê khai tài sản. Các NH phải trình bày chi tiết phương án kinh doanh 3 năm đầu, khả năng công nghệ, quản trị điều hành và nhất là phương án chuẩn  bị nguồn nhân lực quản lý cho NH… NHNN cũng phải có những đợt khảo sát về cơ sở hạ tầng, công tác chuẩn bị thành lập có đáp ứng yêu cầu đặt ra.

 

Hiện nay một số tập đoàn, tổng công ty xin thành lập NH mới như Bảo Việt, Tập đoàn Dầu khí… đều muốn nắm giữ tỷ lệ cổ phần vượt mức cho phép (tối đa 20%), nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với trường hợp của Tập đoàn Dầu khí sẽ vẫn phải tuân thủ theo quy chế thành lập NH mới, là chỉ được nắm giữ tối đa 20% cổ phần. Riêng đối với Bảo Việt thì việc nắm giữ cổ phần có thể vượt mức 20%. Mới đây, Tập đoàn ANZ có kiến nghị NHNN xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ cho phép ANZ thành lập NH mới 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng đã chỉ đạo các vụ chức năng xử lý sớm các bộ hồ sơ xin thành lập NH mới, cấp phép NH có đủ điều kiện sớm đi vào hoạt động.

Theo SGGP

Tin liên quan:

Chỉ có 2 ngân hàng được cấp phép đến cuối năm

Năm 2007: Sẽ rất ít ngân hàng được thành lập mới