Có thể đến tháng 6/2012, lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn so với hiện nay.

Có thể đến tháng 6/2012, lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn so với hiện nay.

Tháng 6, lãi suất sẽ giảm sâu

(ĐTCK) PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế TP. HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, yêu cầu bức thiết nhất của nền kinh tế hiện nay là gỡ nút thắt về lãi suất, giảm áp lực cho doanh nghiệp. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Ngân về vấn đề này.

Đâu là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay, thưa ông?

Tăng trưởng kinh tế quý I/2012 đạt thấp, đặt thách thức cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm nay. Thách thức nằm ở những vấn đề hiện hữu như lãi suất còn cao, thanh khoản ngân hàng chưa ổn định, nợ xấu ngân hàng cao… Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là lãi suất cao, khiến nền kinh tế trở nên thiếu vốn, đặc biệt là khu vực tư nhân - chủ yếu vay vốn từ ngân hàng.

Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng đã giảm liên tục trong 3 tháng liền và tính đến ngày 20/3, giảm 2,13% so với cuối năm 2011; tổng vốn huy động tăng 1,56% và tổng phương tiện thanh toán tăng 1,44% so với cuối năm trước.

 

Vậy theo ông, muốn lãi suất sớm hạ, cần phải làm gì?

Muốn hạ lãi suất, trước hết phải giải quyết vấn đề thanh khoản ngân hàng. Hiện thanh khoản của nhiều ngân hàng đã được cải thiện, nhưng còn một số vẫn yếu kém. NHNN đang từng bước giải quyết vấn đề này bằng cách cho hợp nhất, sáp nhập trên tinh thần tự nguyện trước. Kế đến, phải tập trung xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Trong tháng 4 tới, NHNN sẽ có biện pháp xử lý các ngân hàng có thanh khoản yếu kém, đồng thời có phương án xử lý nợ xấu của hệ thống cũng như việc hợp nhất, sáp nhập các nhà băng yếu kém. Sau khi giải quyết được các vấn đề trên thì trần lãi suất huy động có thể được gỡ bỏ. Hiện tại, trần lãi suất vẫn cần được duy trì và phải được thực hiện nghiêm.

Gần đây, nhiều người cho rằng, các ngân hàng không giảm lãi suất cho vay dù trần lãi suất huy động đã được giảm 1%. Tình trạng này có thể có, nhưng không phổ biến, do yêu cầu từ chính thực tế: lãi suất cao, nhiều khách hàng sẽ không vay; bản thân ngân hàng cũng không muốn cho vay với lãi suất cao, vì doanh nghiệp chấp nhận lãi cao tiềm ẩn rủi ro mất khả năng trả nợ, khiến nợ xấu ngân hàng tăng lên.

Tôi cho rằng, ách tắc lớn nhất hiện nay đối với việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng chính là tình trạng “vượt rào” lãi suất huy động. Lãi suất chưa thể hạ vì chi phí huy động thực tế vẫn cao hơn mức trần 13%/năm. Vì vậy, để giảm được lãi vay, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN cần có giải pháp xử lý mạnh hơn đối với các ngân hàng vượt trần lãi suất huy động13%/năm.

 

Khi nào lãi suất cho vay có thể giảm đồng loạt và giảm sâu hơn hiện nay, thưa ông?

Theo tôi, có thể đến tháng 6/2012, lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn so với hiện nay (nếu giải quyết xong các vấn đề trên). Lãi suất huy động sẽ về 10%/năm và lãi suất cho vay còn khoảng 14 - 16%/năm.

Trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang trong chiều hướng giảm, tổng cầu cũng giảm. Nhập siêu trong 3 tháng đầu năm chỉ ở mức 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước là 3 tỷ USD. Thị trường ngoại tệ đang trong chiều hướng ổn định, tỷ giá khó biến động mạnh. Đồng thời, NHNN tiếp tục siết cho vay ngoại tệ… là những yếu tố tác động tích cực đến CPI. CPI giảm sẽ tác động tích cực đến lãi suất.

Khi lãi suất giảm sẽ giải quyết được các vấn đề khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng lãi suất giảm để vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, lãi suất giảm sẽ kích thích thị trường chứng khoán. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn qua thị trường này cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay vì lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, chịu lãi suất cao.