Thị trường ngoại hối cuối năm sẽ ổn định

Thị trường ngoại hối cuối năm sẽ ổn định

(ĐTCK) Đó là nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Ông nhìn nhận thế nào về thị trường ngoại hối trong tháng 8 vừa qua?

Nhìn chung, thị trường ngoại hối vẫn nằm trong cách thức điều hành tỷ giá của NHNN, vẫn giữ được sự ổn định. Quan hệ cung - cầu khá ổn.

Về phía cầu, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Sau 2 tháng xuất siêu, nhập siêu đã trở lại nhưng mới ở mức khoảng 300 triệu USD. Bên cạnh đó, cho vay ngoại tệ tiếp tục giảm bởi NHNN vẫn đang khống chế việc cho vay ngoại tệ theo lộ trình chống đô la hóa và chỉ có một vài nhu cầu phát sinh theo thời vụ, có tác động không đáng kể. Thời gian qua cũng có một chút nhu cầu nữa là việc mua chuyển đổi ngoại tệ phục vụ du học sinh vào thời điểm bắt đầu năm học mới, nhưng cũng không nhiều.

Về phía cung, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 8 tháng đầu năm tốt, trên 7 tỷ USD; giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khá ổn định so với năm ngoái. Đối với kiều hối, dù chưa có số liệu chính thức, nhưng tính đến nay đã ước đạt khoảng 6 tỷ USD.

 

NHNN đã tăng mạnh tỷ giá mua vào thêm 274 đồng lên 21.100 ngoại hối vào ngày 7/8. Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này nhằm mua bổ sung dự trữ ngoại hối. Quan điểm của ông?

Bổ sung dự trữ ngoại hối là điều NHNN đã và đang thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh NHNN năm nay đã phải tung ngoại tệ ra can thiệp thị trường ngoại hối và nhập khẩu vàng bình ổn thị trường. Vì vậy, việc NHNN phải mua vào để bù đắp sao cho đủ định mức, đủ mạnh để can thiệp thị trường, cũng như theo mức khuyến nghị chung của IMF là điều bình thường. Tính đến đầu tháng 8, thị trường ngoại hối đã có hơn 1 tháng ổn định trở lại, tỷ giá đã giảm đến 80 đồng về 21.050 VND/USD, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6, trong khi thanh khoản được cải thiện đáng kể, nguồn cung dồi dào. Những điều kiện này hỗ trợ quyết định điều chỉnh của NHNN, nhưng mức thay đổi không lớn.

 

Sau 2 tuần không có biến động, tỷ giá lại tăng vọt 100 đồng lên 21.190 VND/USD trong ngày 22/8. Theo ông, nguyên nhân của lần tăng này là gì?

Tôi cho rằng, có 2 nguyên nhân cơ bản là: một số nhu cầu thanh toán nhập khẩu, chuyển lợi nhuận về nước và cuối tháng 8 là thời điểm một vài hợp đồng xăng dầu lớn đến hạn. Ngoài ra, cũng phải kể đến tâm lý thị trường, một lần nữa bất ổn trước những tin đồn cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục hạ giá đồng Việt Nam . Tuy nhiên, NHNN đã lên tiếng trấn an nên thị trường quay về trạng thái bình thường, nhưng quan trọng hơn cả là quan hệ cung - cầu về ngoại tệ khá cân đối. Tỷ giá theo đó đã giảm trở lại, duy trì trong biên độ 21.140 - 21.170 VND/USD trong tuần cuối tháng 8.

 

Dự đoán của ông về thị trường ngoại hối tháng 9 và đến cuối năm?

Về cơ bản vẫn ổn định, và nhiều khả năng chưa có thay đổi trong tháng 9 bởi 3 nguyên nhân chính: thứ nhất, quan hệ cung - cầu vẫn ổn định; thứ hai, vấn đề tâm lý đã được giải tỏa; thứ ba, NHNN sẽ hết sức thận trọng trong điều hành tỷ giá trong tháng này để tránh tác động mạnh đến lạm phát. Lạm phát trong 2 tháng vừa qua đã tăng lên, trong khi đó, tháng 9 còn có nhiều yếu tố có thể tác động đến lạm phát như học phí, giá điện, giá dịch vụ y tế…

Nhập siêu tháng 9 có thể tăng một chút lên 400 - 500 triệu USD, nhưng mức này rất nhỏ so với định hướng ban đầu của Việt Nam là dưới 10% xuất khẩu. Cán cân thanh toán tổng thể duy trì thặng dư, chênh lệch lãi suất huy động VND - USD chưa thay đổi, chênh lệch lãi suất VND - USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục khuyến khích xu hướng bán âm trạng thái ngoại tệ của các NHTM.

Từ nay đến cuối năm, về cơ bản, thị trường ngoại hối sẽ ổn định, có thể có một vài đợt sóng nhẹ như tháng 8 vừa qua, chủ yếu do yếu tố thời vụ và yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, NHNN cũng cần phải trú trọng hơn nữa về vấn đề truyền thông, bác bỏ tin đồn tác động mạnh đến yếu tố tâm lý. Đồng thời, tiếp tục lộ trình minh bạch hóa thông tin để người dân không phỏng đoán những vấn đề không cần thiết, giảm thiểu sóng nhỏ do tác động tâm lý.