Giá vàng trong nước tăng vô lý so với thế giới được doanh nghiệp lý giải là do hiện tượng đầu cơ

Giá vàng trong nước tăng vô lý so với thế giới được doanh nghiệp lý giải là do hiện tượng đầu cơ

Thị trường vàng bị làm giá

Giá vàng thế giới tăng cao do tin xấu từ Mỹ và châu Âu, nhưng không đến mức khiến nhiều doanh nghiệp trong nước loạn cào cào, thay giá hàng chục lần trong hai tiếng đồng hồ và đẩy giá vênh hàng triệu đồng so với thế giới.

Sau thông tin Mỹ rớt hạng tín nhiệm công bố từ cuối tuần trước, nhiều người đã lường trước đà tăng giá mạnh mẽ trong sáng nay, nhưng không ngờ nó lại "điên loạn" tới mức như vậy.

"Điên. Thật là loạn. Họ đẩy giá lên cao để bán. Nhân viên của tôi cũng quay cuồng, họ liên tục hỏi tôi tại sao không đẩy lên trên 44 triệu đồng như người ta. Nhưng tôi không thể làm thế, giá vàng trong nước không đáng ở mức giá đó", lãnh đạo một doanh nghiệp vàng bạc có uy tín thốt lên.

Suốt cả buổi sáng nay và ngay cả khi các bạn hàng đẩy giá lên trên 44,2 triệu đồng một lượng, giá bán tại đơn vị này vẫn ở trên mốc 43 triệu đồng một chút.

"Chuyện điên loạn này nếu xảy ra mấy năm trước, tôi chỉ cần bán ra vài tạ có thể dẹp yên thị trường, những kẻ làm giá sẽ chết ngay. Nhưng bây giờ lực một mình doanh nghiệp tôi không đủ, tôi chỉ giữ giá ở mức vừa phải như một cách tham gia bình ổn thị trường", vị lãnh đạo này tâm sự.

Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu, lý giải phải ngưng giao dịch trong một tiếng đầu giờ sáng nay là do diễn biến quá nhạy cảm, giá quá loạn thay đổi quá nhanh.

"Thị trường vàng hiếm khi rơi vào trạng thái như sáng nay. Vì thế chúng tôi cần thời gian thu thập thông tin trước khi mua bán bình thường", ông Châu nói.

Với 20 năm kinh nghiệm lăn lộn trong ngành, ông Châu khẳng định giá sốt như hiện nay chủ yếu do khan hiếm nguồn cung sau thời gian dài các doanh nghiệp trong nước lách quy định để xuất khẩu vàng nguyên liệu, trong khi cánh cửa nhập khẩu vẫn đóng im ỉm.

Gần hai tháng qua, biên độ giữa giá mua và bán vàng luôn duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 0,2-0,25%, tức chưa đầy 100.000 đồng một lượng, trong khi biên độ để duy trì lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp phải ở mức 1-2%. Đã thành quy luật, biên độ giao dịch thấp là tín hiệu cho thấy các tiệm đang muốn thu gom vàng, và ngược lại.

"Doanh nghiệp thời gian qua trở thành công cụ thu gom vàng cho các đầu mối xuất khẩu. Lợi nhuận cho bản thân mình không đáng là bao, mà cứ để vàng nguyên liệu xuất đi như thế thị trường sẽ khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao", ông Châu phân tích.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ cũng cho rằng khan cung là một lý do đẩy giá lên cao, bên cạnh tác động từ thị trường thế giới. Nhưng một nguyên nhân quan trọng đó là vàng có dấu hiệu bị làm giá.

Bà Chi phân tích giá tăng đột ngột trong đầu giờ sáng nay có thể xuất phát từ một lực mua không quá lớn, nhưng gây tác động tâm lý tới số đông. Giá tăng rất nhanh rồi giảm nhanh trong vòng vài tiếng đồng hồ, và lực mua cũng không lớn. Trong hệ thống của SBJ, tình hình giao dịch sáng nay khá trầm và không có dấu hiệu bất thường. Không có tình trạng dân chúng đổ xô đi bán, hoặc quyết mua bằng mọi giá. Thế nhưng giá vàng vẫn liên tiếp bị điều chỉnh tăng giảm với tốc độ chóng mặt. Điều đó cho thấy đã có dấu hiệu làm giá.

"Giá tăng loạn xạ nhưng mãi lực mua bán không bao nhiêu. Giá hiện giờ chỉ là giá ảo. Khi thị trường tăng giá, các doanh nghiệp như chúng tôi cũng phải tăng theo để đảm bảo an toàn hệ thống, chứ không phải vì giao dịch tăng", bà Chi nhấn mạnh.

Theo vị tổng giám đốc này, trước giờ giá vàng được doanh nghiệp lớn niêm yết dựa vào giá thế giới và cung cầu trong nước. Thông thường, những đơn vị nhỏ sẽ căn cứ vào mức giá của đơn vị lớn và yết theo. Nhưng trong những trường hợp phức tạp, chẳng hạn như sáng nay, phần lớn các đơn vị tự đặt giá loạn xạ, tuỳ vào lực mua bán và thanh khoản của từng nơi.

"Nơi nào có nhiều khách đến mua vàng nhưng nguồn hàng ít thì giá bị họ đẩy lên cao. Ngược lại, nơi có thanh khoản nguồn vàng tốt, nhưng lực mua không nhiều thì vẫn yết giá thấp hơn, và thu hẹp khoảng cách giữa mua và bán. Do đó, sáng giờ mỗi nơi một giá và biên độ cũng khác nhau", bà Chi nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ thì nhìn nhận, thực ra nguồn cung không thực sự khan, nhưng do những người đang nắm giữ vàng thì không bán lúc này, trong khi số khác lại muốn mua thêm càng khiến cầu vượt cung nên thị trường đẩy giá lên cao. Từ sáng đến đầu giờ chiều, tổng lượng vàng PNJ bán ra đạt 1.100 lượng, còn mua vào chỉ khoảng 300 lượng. "Cầu vượt cung, nên càng khiến giá vàng bị đẩy lên với tốc độ chóng mặt", bà Cúc nói.

Biểu giá online của Công ty Vàng bạc Đá quý TP HCM mở đầu ngày mới với mốc 42,6-42,8 triệu đồng một lượng, tăng 1 tới triệu đồng so với đóng cửa cuối tuần trước. Nhưng đó chỉ là màn dạo đầu cho vũ điệu tăng giá sau đó. Sau một tiếng giao dịch và hơn 10 lần thay giá, đến 9h15, vàng SJC bán ra lập kỷ lục 44,22 triệu đồng một lượng, bỏ xa giá thế giới vào cùng thời điểm đó tới 3 triệu đồng một lượng.

 Từ lúc mở cửa giao dịch cho đến hơn 2h chiều nay, SJC đã hơn 30 lần cập nhật giá trên website. Kỷ lục mới được ghi nhận là 44,4 triệu đồng một lượng, đạt được vào đầu giờ chiều. Ảnh chụp màn hình SJC.com.vn

 

Thị trường vàng bị làm giá ảnh 2

Giá vàng thế giới tăng trong biên độ hẹp suốt phiên giao dịch sáng nay. Ảnh chụp màn hình Kitco.com

 

Giá vàng SJC niêm yết tại nhiều điểm kinh doanh lớn cũng như một số ngân hàng cũng nhảy nhót liên hồi. Một số khác như Bảo Tín Minh Châu hay Phú Quý ngoài Hà Nội theo không kịp, đành bỏ trống bảng giá tới hơn 9h. Và suốt một tiếng đầu giờ đó, trung tâm giao dịch của hai hãng này tại Trần Nhân Tông hầu như không mua, không bán.

Khoảng 9h30, giá vàng SJC bắt đầu giảm nhanh dù thế giới không nhiều biến động. Mức đáy trong sáng nay được ghi nhận là 42,1-42,8 triệu đồng một lượng, thấp hơn mức đỉnh 1,44 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều nay, khi giá thế giới vọt lên 1.710 USD một ounce, giá trong nước lại vọt lên 44,4 triệu đồng một lượng, cao hơn cả kỷ lục buổi sáng. Lúc 15h16, giá thế giới giao ngay chốt tại 1.701 USD một ounce, quy đổi ra tiền Việt theo tỷ giá liên ngân hàng là hơn 42 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, giá bán vàng SJC là 44-44,02 triệu đồng một lượng.

Trong cơn "điên loạn" của giá vàng sáng nay, các tiệm vàng tại TP HCM và nhiều tỉnh thành khác vắng hoe. Nhưng tại Hà Nội, bất chấp kỹ thuật nới biên độ của các doanh nghiệp, nhiều người vẫn đổ xô đi mua bán giữa cơn mưa tầm tã, nước ngập mênh mông ở nhiều tuyến phố.

Vàng SJC được cho là đối tượng bị các thế lực đầu cơ tập trung làm giá sáng nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, không tin ai đó có thể thành công trong việc đầu cơ làm loạn thị trường lúc này. Theo ông, chỉ cần xuất hiện lực mua giá cao, sẽ nhiều người bán ra ngay và khi đó giá sẽ lại đi xuống.

Ông Tường cho biết hôm nay mãi lực thị trường không lớn, nhưng lực cầu của thị trường áp đảo cung nên tất nhiên giá phải tăng cao. Theo ông Tường, trong buổi sáng, tổng lượng bán ra của công ty khoảng 2.500 lượng trong khi mua vào chỉ chừng 500 lượng.

"Trong kinh doanh, vấn đề cân đối nguồn hàng rất quan trọng. Nếu chỉ có bán ra mà không có thu vào thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro vì hiện nay hầu như không có người bán vàng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước thì chưa cho nhập vàng, trong khi giá thế giới điều chỉnh tăng liên tục", ông nói.

Theo ông, để cân đối nguồn hàng thì công ty bán ra cho khách, cũng buộc phải đi tìm bạn hàng mua lại. Nếu tính ra, với sự chênh lệch lớn giữa mua vàn bán hiện nay 600.000-700.000 đồng, và giá liên tục điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng bị lỗ. Bởi vừa bán ra cho khách 43 triệu thì vài phút sau giá đã tăng vọt lên 43,5 thậm chí 44 và trên 44 triệu đồng, nhưng doanh nghiệp cũng phải mua lại để cân đối. Do đó, doanh nghiệp phải dãn khoảng cách ở một biên độ nhất định để giữ an toàn.

"Giá hiện nay do thị trường quyết định. Nếu đà mua vàng của các nhà đầu tư trong nước vẫn tăng thì giá sẽ còn tiếp tục đi lên mạnh vì hiện giờ giá trong nước và thế giới không có sự liên thông", ông Tường nói