Mức thuế thu nhập DN áp dụng chung cho các ngành kinh doanh được cho là không phù hợp

Mức thuế thu nhập DN áp dụng chung cho các ngành kinh doanh được cho là không phù hợp

Thuế thu nhập DN: Nên giảm và không cào bằng

Cho rằng, thuế suất thuế thu nhập DN ở mức 25% như hiện nay là quá cao, nhiều DN đang kiến nghị sửa đổi Luật Thuế này. Bên cạnh đó, theo nhiều DN cách áp mức thuế suất “cào bằng” hiện nay là bất hợp lý.

Lợi nhuận hàng năm tới cả nghìn tỉ đồng như Viettel, thuế thu nhập DN cũng không phải là “chuyện nhỏ”. Đại diện của tập đoàn này cho rằng, hiện có nhiều DN đang rất khó khăn, nên mức thuế áp dụng chung cho các ngành kinh doanh là không phù hợp.

 

Tính theo ngành nghề

 

Cách áp mức thuế suất “cào bằng” 25% như hiện nay với mọi DN được cho là dễ dàng hơn với ngành thuế, nhưng nhiều DN cho rằng không hợp lý, nhất là trong bối cảnh tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ, tài chính ở trong nước đến các DN không giống nhau.

 

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Thị Liên (Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính) cho rằng, thuế suất thuế thu nhập DN nên “mạnh dạn không chờ đến năm 2020 mà ngay năm 2015-2016 đã có thể giảm về mức 20%”.

 

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm, thuế suất thuế thu nhập DN của VN ở mức 25% như hiện nay đang ngang với Trung Quốc nhưng cao hơn Hong Kong, Singapore...

 

Bà cho rằng, mức thuế suất hiện hành chưa thực sự tạo điều kiện cho các DN tích tụ vốn tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Bà Cúc cũng ủng hộ mạnh mẽ việc giảm thuế suất thuế thu nhập DN.

 

"Giảm thuế suất thuế thu nhập DN thực ra sẽ tăng động viên cho ngân sách nhà nước, do giảm thuế chính là tạo điều kiện để DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất... tạo thêm nhiều lợi nhuận để nộp thuế" - bà nói.

 

Nên tính thêm nhiều chi phí hợp lý

 

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, điểm quan trọng không hẳn ở mức thuế suất là bao nhiêu, mà còn do nhiều quy định hiện có xu hướng bỏ qua các chi phí kinh doanh hợp lý của DN như tiếp thị, khánh tiết... gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

 

Theo các DN, chi phí tiếp khách, quảng cáo, khánh tiết, hội nghị... hiện nay đang bị bó lại với tỉ lệ 10% doanh thu. Trong khi đó, nhiều khoản chi cho dịch vụ quảng cáo liên quan đến DN nhà nước như các báo, đài truyền hình trung ương... “Có thể chi phí quảng cáo lên rất cao so với doanh thu, nhưng trả cho các cơ quan truyền thông nhà nước thì sẽ trở thành doanh thu của DN khác, “đi đâu mà thiệt” - lãnh đạo một DN cho biết.

 

Hay chuyện quy định ăn trưa thì không được tính vào chi phí của DN, trong khi ăn ca thì ngược lại được tính, vị đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho là quá “tủn mủn”.

 

Hay với trường hợp DN vay vốn kinh doanh của cá nhân, tổ chức không phải ngân hàng, theo quy định hiện nay chỉ được hạch toán chi phí lãi vay bằng 150% so với lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước là không hợp lý...

 

Những quy định quá khác biệt giữa hạch toán kế toán và thuế thu nhập DN, trên cả góc độ chi phí tính thuế, thuế suất... vẫn đang tồn tại, làm khó cho DN.

 

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, do các quy định về các khoản chi được hạch toán vào chi phí DN hiện nay không rõ ràng nên nhiều DN, tiếng là lãi và phải nộp thuế thu nhập, nhưng thực tế là lỗ khi đã “trót” chi cho ăn trưa công nhân thay vì... ăn ca vào buổi trưa, hay quảng cáo xúc tiến bán hàng, hoặc các khoản chi cho hoạt động đoàn thể trong DN... “Thực tế là có lãi đâu, nhưng theo quy định thì vẫn là lãi và phải nộp thuế”, ông cho biết.

 

Luật Thuế thu nhập DN sẽ được sửa đổi vào năm 2013. Ý kiến đóng góp của DN có thể chuyển trực tiếp đến Bộ Tài chính, thông qua www.mof.gov.vn.