Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023 sắp được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một phiên họp trong tháng 8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một phiên họp trong tháng 8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chương trình phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được Chủ tịch Quốc hội quyết định, dự kiến chia làm hai đợt.

Đợt 1 (từ ngày 12-14/9), các nội dung được đặt lên bàn nghị sự gồm báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước; báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2023.

Dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 cũng nằm trong chương trình của đợt này.

Nội dung đợt 1 còn có xem xét báo cáo của Chính phủ (trong đó có nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước) về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.

Xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Đây cũng là những nội dung đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra trong phiên họp toàn thể ngày 6/9 vừa qua.

Riêng về phòng chống tham nhũng, một trong những kết quả được Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp ghi nhận là cơ quan chức năng đã quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

Như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm một số địa phương; vụ án Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị có liên quan...

Cạnh đó, nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý. Như vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Rửa tiền xảy ra tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai; vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận...

Kết quả được ghi nhận còn có việc nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Điển hình là khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng Công an đã nghỉ hưu, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 13 cán bộ thanh tra các địa phương…

Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 1.738 tỷ đồng và 70.950,9 m2 đất; đã thu hồi trên 1.237 tỷ đồng và 28.822,6 m2 đất.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Nhóm nghiên cứu đánh giá, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.

Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố; một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản..., làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm.

Đợt 2 của phiên họp (ngày 18 và 20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và nhiều dự án luật, Gồm, dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tin bài liên quan