TTCK thế giới vẫn bất ổn

(ĐTCK-online) Sự tăng giá chứng khoán trở lại của các TTCK trên thế giới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần qua đột ngột cắt giảm mạnh lãi suất đồng USD, cũng không khiến các chuyên gia và nhà đầu tư lạc quan về một tương lai tươi sáng.

Ngày 22/1 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 2001, FED đã bất ngờ cắt giảm lãi suất  đồng USD giữa hai kỳ họp của mình, với mức giảm mạnh chưa từng có là 0,75%, từ mức 4,25% xuống còn 3,5%, sau khi chứng kiến sự mất điểm hàng loạt trên các TTCK Mỹ và thế giới do lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Đây được coi là đợt cắt giảm mạnh nhất của FED kể từ những năm 1990. Ngay sau đó, FED cũng tuyên bố sẽ có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất đồng USD trong tương lai gần. 

Tuy nhiên, bất chấp hành động khẩn cấp của FED, chỉ số Dow Jones, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của TTCK Mỹ, đã chứng kiến mức giảm điểm mạnh nhất trong một ngày, giảm 465 điểm vào phiên mở cửa, trước khi đóng cửa ở mức 11.971,19 điểm, giảm 128,11 điểm, mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng qua.

Các nhà phân tích cho rằng, quyết định cắt giảm lãi suất của FED là một liều kháng sinh cực mạnh và có tác dụng chặn đứng cơn lũ giảm giá trên TTCK Mỹ và thế giới. TTCK Mỹ đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau đó, chỉ số Dow Jones tăng mạnh trở lại hơn 400 điểm, đóng cửa ở mức 12.378,61 điểm hôm 24/1 và các TTCK khác cũng hồi phục mạnh.

Tuy nhiên, hành động cắt giảm lãi suất bất ngờ của FED đã khiến các nhà phân tích nghi ngờ khả năng hồi phục của TTCK trong dài hạn, khi mà chính cơ quan này cũng thừa nhận, nền kinh tế Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái trong năm 2008 và nguy cơ này rất nghiêm trọng.

“Việc FED cắt giảm lãi suất sẽ không giúp các TTCK giảm tốc, thậm chí là suy thoái”, Lawrence Peterman, Giám đốc đầu tư tại Eden Financial ở Luân Đôn lo lắng. Trong khi đó, các TTCK trên thế giới lại phản ứng tiêu cực với lời tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet, khi ông này phát biểu rằng, ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu là chống lạm phát và sẽ không tiếp bước FED trong việc cắt giảm lãi suất, điều đó có nghĩa là sẽ không có ưu tiên cho sự tăng trưởng của TTCK châu Âu. TTCK châu Á cũng tăng trở lại sau khi thị trường phố Wall tăng điểm, tuy nhiên sự tăng điểm này ẩn chứa nhiều thận trọng, do nền kinh tế châu lục này vốn chịu tác động mạnh từ sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.

Theo một thống kê, khoảng 40 TTCK trên thế giới đã bị mất 20% giá trị so với mức điểm cao nhất đạt được. Với những dấu hiệu kém lạc quan như vậy, các nhà phân tích cho rằng, TTCK thế giới sẽ sớm rơi vào tình trạng ảm đạm trở lại (bear market). Hiện chỉ số Dow Jones mất khoảng 15% so với mức cao nhất vào tháng 10/2007. Được biết, TTCK Ấn Độ đầu tuần qua cũng phải ngừng giao dịch trong vòng một giờ sau khi chỉ số chứng khoán Sensex giảm sàn 10% ngay sau khi mở cửa, một sự hoảng loạn của nhà đầu tư về những dấu hiệu bất ổn của kinh tế Mỹ.

“Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình kinh tế Mỹ, nếu có dấu hiệu bất ổn, chúng tôi sẽ thoát nhanh ra khỏi thị trường này”, Stephen Carl, Trưởng nhóm môi giới chứng khoán của The Williams Capital Group phát biểu.

FED cho rằng, nguy cơ về khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu trong ngắn hạn đã giảm chút ít, tuy nhiên các điều kiện cơ bản của thị trường tài chính đã yếu hơn và các doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng gặp khó khăn trong vấn đề tín dụng, nhất là bối cảnh thị trường nhà đất và lao động chưa có gì sáng sủa hơn.

“Chúng tôi hiểu những rủi ro suy thoái vẫn còn và sẽ hành động nếu cần thiết”, FED tuyên bố. Và như vậy, nhiều khả năng FED có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất vào cuộc họp ngày 29/1.

Những nhà phân tích lạc quan thì cho rằng, TTCK sẽ khó giảm giá mạnh hơn nữa. “Nửa đầu năm 2008 sẽ là thời gian khó khăn đối với các nhà đầu tư. Chúng ta đang ở khu vực nguy hiểm nhưng nói một cách công bằng, giá nhiều loại cổ phiếu trên thế giới hiện rất hấp dẫn (rẻ)”, Bob Parker, Phó chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Credit Suisse Asset Management cho biết. “Chúng ta đang ở thời điểm nhạy cảm. Nếu suy thoái xảy ra, TTCK thế giới sẽ mất thêm 10% giá trị nữa, nhưng nếu thị trường đang ở gần cuối chu kỳ giảm giá, đây sẽ là cơ hội tốt để mua vào”, Karen Olney, Trưởng nhóm chuyên gia chứng khoán châu Âu của Merrill Lynch phát biểu. Gần đây, Tổng thống Bush cũng phải đề xuất một khoản cứu trợ trị giá 150 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất ở Mỹ có thể khiến người tiêu dùng chi tiêu ít hơn và các doanh nghiệp cũng không  mặn mà phát triển sản xuất, điều có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2001.