3 nhóm kiến nghị “nóng” gửi VBF

3 nhóm kiến nghị “nóng” gửi VBF

(ĐTCK) Khẩn cấp cứu DN, sớm có giải pháp để thu hút thêm dòng vốn ngoại và tăng tính minh bạch cho TTCK là 3 nhóm giải pháp chính mà các thành viên thị trường gửi tới Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013, dự kiến diễn ra vào ngày 3/6 tới.

Cứu doanh nghiệp như… cứu hỏa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Liên minh VBF vừa cơ bản thống nhất chủ đề chính của VBF giữa kỳ 2013 là: “Giai đoạn mới trong cải cách kinh tế, từ chương trình nghị sự tới hành động”. Là diễn đàn đối thoại lớn và uy tín bậc nhất giữa Chính phủ với cộng đồng DN trong và ngoài nước, trong bối cảnh nền kinh tế cũng như khối DN đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, VBF được kỳ vọng sẽ đưa ra những sáng kiến đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt hiện tại, để giúp nền kinh tế và DN hồi sinh.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các thành viên TTCK đang chờ đợi Quốc hội, Chính phủ khẩn cấp quyết định để triển khai sớm các giải pháp đủ mạnh, nhằm cứu DN đang cận kề tình trạng giải thể, phá sản, trong đó DN niêm yết không phải là ngoại lệ.

3 nhóm kiến nghị “nóng” gửi VBF ảnh 1

Hàng loạt cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo,  buộc rời sàn vì thua lỗ cho thấy DN niêm yết  cũng đang kiệt quệ

Đến nay, gần 1/3 trong tổng số hơn 700 DN niêm yết trên HOSE và HNX đang phải chịu các hình thức xử lý như cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch và hủy niêm yết, phản ánh một thực tế, chưa bao giờ sức khỏe của khối DN niêm yết lại yếu như hiện tại. Vấn đề không dừng lại ở yếu nữa, mà “bệnh tình” đang có dấu hiện trầm trọng thêm do các giải pháp hỗ trợ DN vừa thiếu, vừa chưa đủ liều lượng trong bối cảnh ngày càng nhiều DN kiệt sức.

“Thực tế, số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng đột biến từ đầu năm đến nay ai cũng biết. Thế nhưng, không hiểu sao các giải pháp hỗ trợ DN lại diễn ra quá chậm trễ, chưa phát huy tác dụng…”, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã CK DBC, sàn HNX), đại diện cho tiếng nói của khối DN niêm yết chia sẻ.

Xuất phát từ cách nhìn DN không sống, không khỏe, thì TTCK cũng sẽ rơi vào tình trạng èo uột, ông So cho rằng, cái  gốc của mọi giải pháp vực dậy nền kinh tế và TTCK lúc này là làm hồi sinh cộng đồng DN. Muốn vậy, việc cần làm lúc này là hành động bằng các giải pháp trực diện và đủ mạnh. Theo đó, cần tập trung vào 3 giải pháp chủ chốt.

Thứ nhất, giãn thời gian thực hiện Thông tư 02/2013 của NHNN về hướng dẫn việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro có hiệu lực từ ngày 1/6 tới. Tuy đây là giải pháp tạm thời nhưng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Nếu không, ngay cả khi lãi suất giảm về 0%, thì rất nhiều DN vẫn không vay được vốn do nợ cũ chưa trả được.

Thứ hai, Chính phủ cần thúc đẩy các bộ, UBND cấp tỉnh khẩn trương giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Trong đó, trọng tâm là ưu tiên bố trí ngân sách để trả nợ cho DN. Cũng cần quyết liệt hơn trong thúc đẩy triển khai các dự án xây dựng cơ bản có sức lan tỏa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội sắp hoàn thành, để tăng cầu cho nền kinh tế, từ đó, giải tỏa tình trạng tồn kho kéo dài như hiện tại.

Thứ ba, để khơi thông kênh huy động vốn qua TTCK cho các DN niêm yết, cần sớm cho phép DN được phát hành cổ phần dưới mệnh giá để tăng vốn. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng cần nghiên cứu để đưa ra các hình thức mới về huy động vốn qua TTCK.

 

Thêm hấp lực để hút khối ngoại

“Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các nguồn lực cho thực hiện tái cơ cấu TTCK rất hạn chế. Vậy nên, Bộ Tài chính, UBCK ngoài nỗ lực đưa ra cơ chế mới để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn, cần khẩn trương tháo gỡ các bất cập đang tồn tại...”, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nói và đề xuất, một trong những bất cập cần ưu tiên tháo gỡ là có cơ chế rõ ràng cho phép NĐT nước ngoài được chủ động chuyển nhượng cổ phiếu của các DN niêm yết cho nhau, với mức giá họ tự thỏa thuận, mà không phải chịu khống chế bởi biên độ giá như hiện tại. Thực ra, với quy định hiện hành, việc chuyển nhượng cổ phiếu với giá vượt biên độ vẫn thực hiện được, nhưng phải mất thời gian chờ UBCK phê duyệt. Mất thời gian là mất cơ hội, nên một khi bất cập này được tháo gỡ, giao dịch của khối ngoại chắc chắn sôi động hơn.

Cũng cần sớm cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu trên 49% cổ phần tại các DN niêm yết theo cơ chế nắm giữ và được phép tự do chuyển nhượng, nhưng không có quyền biểu quyết. Khẩn trương cho phép NĐT nước ngoài linh hoạt trong lựa chọn các ngưỡng sở hữu tại CTCK Việt Nam, thay vì chỉ có hai mô hình là 49% hoặc 100% như hiện tại. Nên sớm có chính sách ưu đãi thuế cho lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ, để thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn.

 

Tăng tính minh bạch

Dưới cái nhìn của các thành viên thị trường, trong khoảng thời gian giữa hai kỳ VBF 2012 và năm nay, tính minh bạch của TTCK chưa có nhiều cải thiện. Điều này thể hiện qua các trường hợp DN niêm yết, CTCK vi phạm các quy định về công bố thông tin như yêu cầu của Thông tư 52/2012 vẫn diễn ra khá nhiều, nhưng chưa được kịp thời phát hiện và xử lý, hoặc kết quả xử lý chậm được công khai ra thị trường. Nhiều vụ việc vi phạm được cổ đông DN phản ánh công khai trên báo chí, nhưng phải hàng tháng, thậm chí cả năm sau mới thấy có quyết định xử phạt DN từ cơ quan quản lý.

Trong các kỳ VBF gần đây, một kiến nghị đáng chú ý của nhóm thị trường vốn là Bộ Tài chính, UBCK cần có lịch biểu về các sự kiện kinh tế vĩ mô lớn định kỳ được cập nhật theo tuần, hoặc theo tháng, nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường. Thế nhưng, đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được triển khai. Để thực hiện kiến nghị này không khó, nhưng ý nghĩa mà nó mang lại cho TTCK sẽ rất đáng kể. Các thành viên thị trường tiếp tục gửi kiến nghị cũ này tới VBF năm nay, với hy vọng nó sẽ không bị quên lãng như đã từng xảy ra.        

“Chậm trễ trong tái cơ cấu NĐT”

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Việc tái cơ cấu NĐT mà Bộ Tài chính, UBCK đề ra theo hướng gia tăng số lượng NĐT tổ chức chuyên nghiệp, chưa mang lại kết quả như mục tiêu trong Đề án Tái cấu trúc TTCK, nếu không muốn nói là có những biểu hiện bước lùi. Trong bối cảnh nguồn lực trong nước hạn hẹp, rõ ràng mục tiêu tăng thu hút NĐT tổ chức chuyên nghiệp buộc phải hướng đến khối ngoại. Thế nhưng, đang có sự chậm trễ trong triển khai các giải pháp thu hút khối ngoại. Việc nới room cho NĐT tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các DN niêm yết, cũng như linh hoạt hơn trong chọn các ngưỡng sở hữu tại CTCK, đến thời điểm này thị trường vẫn chưa biết có được triển khai hay không, nếu được thì bao giờ.

Gia tăng số lượng NĐT tổ chức chuyên nghiệp không thể không nhắc tới các quỹ đầu tư, các định chế đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, một công cụ quan trọng nhất là miễn, giảm thuế trong thời gian đầu khi đầu tư vào quỹ đầu tư, để kích thích các đối tượng này gia tăng lượng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam sau nhiều lần các thành viên thị trường kiến nghị, đến nay không mang lại kết quả. Nếu tiếp tục chậm chân trong tháo gỡ các bất cập hiện hành, rất có thể, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút thêm dòng vốn ngoại, cũng như khó gia tăng số lượng NĐT tổ chức chuyên nghiệp cho thị trường.

“Cần công bằng hơn với CTCK”

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam

Việc Bộ Tài chính, UBCK tăng cường các biện pháp quản lý, nhằm đảm bảo cho khối CTCK ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, an toàn hơn là cần thiết. Tuy nhiên, đừng vì một vài trường hợp vi phạm, mà đưa ra các quy định áp dụng chung cho toàn khối CTCK. Bởi điều này khiến các CTCK cảm thấy bị can thiệp quá sâu vào hoạt động, cũng như thu hẹp môi trường kinh doanh vốn không lấy gì làm thuận lợi do sự cạnh tranh khốc liệt. Các CTCK đang chờ đợi Bộ Tài chính, UBCK sớm triển khai các giải pháp quản lý mới, để cân bằng hơn giữa việc siết chặt quản lý hoạt động của khối CTCK với việc tạo dư địa hợp lý cho các CTCK chủ động hơn trong triển khai các nghiệp vụ, sản phẩm mới. Nếu không, dư địa để các CTCK tạo ra sự cạnh tranh khác biệt sẽ bị thu hẹp. Điều này sẽ khiến quá trình tái cơ cấu khối CTCK chậm về đích như mục tiêu đã đề ra.