Diễn biến giá xăng trong nước trong năm tháng - Đồ họa: Như Khanh - Ảnh: T.T.D.

Diễn biến giá xăng trong nước trong năm tháng - Đồ họa: Như Khanh - Ảnh: T.T.D.

5 tháng: Giá xăng tăng 4 lần, giảm 1 lần

Đó là thực tế của diễn biến giá xăng trong năm tháng liên tiếp, từ tháng 10/2009 đến tháng 2/2010. Vì sao và có hợp lý? “Giá xăng trong nước đang cao hơn giá thế giới đến 5%” - ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn chúng tôi ngày 3/3.

Đặc biệt, tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận để tăng giá xăng quá dày thời gian qua là một thiếu sót và Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm.

 

Tăng nhanh hơn thế giới

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do tăng giá xăng đợt gần đây nhất ngày 21/2 được các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đưa ra là giá thế giới tăng cao, cộng với việc điều chỉnh tỉ giá VND/USD. Tuy nhiên, thời điểm đó giá nhập khẩu mặt hàng này chỉ tăng khoảng 400 đồng/lít so với lần tăng giá trước đó 37 ngày. Chỉ riêng với xăng, tính từ ngày 24/10/2009 đến lần tăng giá gần đây nhất là ngày 21/2/2010, giá mặt hàng này, theo các chuyên gia, đã tăng 8,76%, trong khi đó giá xăng nhập khẩu tại thị trường Singapore chỉ tăng 3,75%.

 

Không thừa nhận mật độ điều chỉnh giá xăng dầu là quá dày, ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho rằng, tốc độ điều chỉnh giá hiện tại vẫn như các năm trước, gần như mỗi tháng một lần, trong khi quy định cho phép 10 ngày/lần. Tuy nhiên trên thực tế, mật độ số lần tăng giá thường cao hơn số lần giảm giá. Trong năm tháng qua, giá xăng tăng bốn lần cũng được đánh giá là mật độ quá dày so với một lần giảm.

 

Nếu tính từ lúc DN được quyền tự điều chỉnh giá (ngày 15/12/2009) đến nay, xăng đã hai lần tăng giá, một lần giảm giá. Cả hai lần tăng giá trong giai đoạn này đều cao hơn mức tăng của thế giới. Chẳng hạn trong đợt tăng giá ngày 14/1, giá thế giới chỉ tăng tương đương 200 đồng/lít thì trong nước tăng 450 đồng/lít. Ngày 21/2, giá thế giới tăng 400 đồng/lít thì trong nước tăng 590 đồng/lít!

 

Mức chiết khấu quá cao

 

Một điểm khác thường không được cơ quan quản lý giám sát đúng mức là việc chiết khấu các DN dành cho đại lý thường rất cao. Petrolimex có hệ thống đại lý hùng hậu nhất nên duy trì mức chiết khấu cao luôn có lợi cho đầu mối này. Trong khi đó, cũng vì Petrolimex chiếm thị phần áp đảo nên các DN khác phải chạy theo định hướng giá của đầu mối này. Tương tự việc điều chỉnh giá, các DN kinh doanh xăng dầu nhỏ đều đang chạy theo mức chiết khấu do Petrolimex đưa ra.

 

Trong hai tuần đầu tháng 2/2010, khi giá nhập khẩu dầu liên tục xoay quanh mức 78-80 USD/thùng, các DN đầu mối vẫn im lặng dù thuế suất thuế nhập khẩu dầu giảm từ 20% còn 15%. Việc giảm thuế này không cản được đợt tăng giá lúc đó, thậm chí lại kéo theo động thái tăng mức chiết khấu cho đại lý. Cụ thể, mức chiết khấu từ 600-700 đồng/lít các DN đã tăng lên 800-1.000 đồng/lít.

 

“Giảm mức chiết khấu xuống để giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng là điều nên làm nhưng chúng tôi không thể làm khác Petrolimex” - Trưởng phòng kinh doanh một DN nhập khẩu thừa nhận.

 

Dù cơ chế điều hành xăng dầu đã thay đổi, công thức giá cũng được công khai nhưng vẫn còn khá nhiều nghịch lý trong hoạt động này. Cơ quan quản lý nhà nước vẫn không nắm chắc chi phí hoạt động của DN. Bằng chứng là trong đợt tăng giá xăng ngày 21/2, trong khi một lãnh đạo Cục Quản lý giá cho rằng mức tăng hợp lý thì một lãnh đạo khác lại khẳng định DN đầu mối có thể lãi 200 đồng/lít!

 

Cũng chính vì nhận thấy còn nhiều điểm bất hợp lý trong cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét điều chỉnh cơ chế này cho phù hợp với thực tế, nhất là việc giám sát chi phí của các đầu mối nhập khẩu.

 

Bà Nguyễn Thanh Hương (Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính): Chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên

 

5 tháng: Giá xăng tăng 4 lần, giảm 1 lần ảnh 1
Bà Nguyễn Thanh Hương

Liên quan việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, chiều 4/3 chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hương, Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Bà Hương nói:

 

Từ ngày 15/12/2009, khi chúng ta cho doanh nghiệp (DN) được quyền tự điều chỉnh giá, bước đầu theo cơ chế thị trường, xăng dầu ở Việt Nam đã năm lần điều chỉnh. Tôi không nhận định, bình luận nhưng là người làm quản lý giá, tôi thấy các số liệu cho thấy rất khó có thể nói xăng dầu từ ngày 15/12 tăng giá dồn dập. Lý do: năm lần đó có lần giảm, có lần tăng chứ không phải chỉ tăng.

 

Đã có quan chức cấp bộ trưởng nhận thiếu sót về việc điều hành, để tăng giá dồn dập thời gian qua, đặc biệt là lần tăng giá ngay sau Tết. Vậy thiếu sót đó nằm ở đâu?

 

Mặc dù DN được tự quyết giá nhưng ở tổ giám sát liên bộ về giá xăng dầu, chúng tôi luôn phải tính toán. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên. Nếu giá xăng tăng trên 500 đồng/lít, người đi nhiều hết 30 lít/tháng thì số tiền tăng thêm chỉ trên 15.000 đồng/tháng. DN kinh doanh theo thị trường thì họ phải có lãi.

 

Một quan chức ở ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia khẳng định từ tháng 10/2009 đến nay giá xăng dầu của Việt Nam đang tăng cao hơn giá thế giới 5%.

 

Chúng tôi đã tính toán và quy ra tiền Việt Nam giá xăng dầu nhiều nước trên thế giới sau khi Việt Nam điều chỉnh giá xăng sau Tết. Kết quả cho thấy đúng là giá xăng của Việt Nam có cao hơn Indonesia và Malaysia, nhưng chúng ta không thể so với họ được vì họ có trợ giá của chính phủ. Nếu so với các nước áp dụng cơ chế thị trường với xăng dầu như chúng ta thì giá của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Như Lào, giá xăng A92 của họ ở mức 18.500đ/lít, Campuchia 18.500đ/lít, Thái Lan 17.400đ/lít, Trung Quốc cũng ở mức 18.700đ/lít...

 

Trong khi đó, giá xăng của Việt Nam hiện là 16.990đ/lít... Việc DN tăng giá ngay sau Tết, tôi nghĩ rằng nếu tôi là người tham mưu quyết định thời điểm tăng giá thì cũng đề nghị không nên chọn tăng ngay sau Tết mà có thể vào thời điểm khác, lùi lại lâu hơn.

 

Quy định hiện nay, cứ cách 10 ngày DN lại được tăng giá, đây là mật độ khá dày, đặc biệt khi giá thế giới tăng đều, sẽ gây ảnh hưởng lớn. Theo bà, có nên sửa điều này trong Nghị định 84/2009?

 

Việc giao quyền điều chỉnh giá xăng dầu cho DN là theo cơ chế thị trường. Còn việc cho DN cứ 10 ngày được điều chỉnh tăng giá một lần là phù hợp. Ở đây có hai mặt. Nếu cho họ 10 ngày được tăng một lần thì mỗi lần tăng họ chỉ tăng giá ở mức độ vừa phải. Nếu để 20-30 ngày tôi nghĩ DN cũng chấp nhận, nhưng như thế mỗi lần điều chỉnh giá họ sẽ phải điều chỉnh lớn, giật cục, gây sốc. Khi soạn thảo Nghị định 84/2009, cũng có nhiều quan điểm cho rằng nên để khoảng cách mỗi lần tăng giá tối thiểu là 20 ngày, nhưng sau thảo luận Chính phủ đã quyết mức 10 ngày.

 

Quy định của Nghị định 84 nói chỉ dùng quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%. Như vậy sẽ rất khó có cơ hội dùng quỹ này vì giá cơ sở chỉ vừa tăng, DN đã tăng giá bán ra rồi?

 

Đúng là có quy định đó. Nhưng Nghị định 84/2009 cũng có nói thêm là ngoài mức tăng giá từ 7-12%, nếu việc tăng giá có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội thì cơ quan chức năng có quyền yêu cầu dùng quỹ ngay mà không cần đợi giá tăng trên 7%. Nghĩa là chúng ta đã tính cả và không hạn chế khả năng của mình. Còn quỹ bình ổn đã có bao nhiêu, chúng tôi đang cho kiểm tra con số, sẽ cần thời gian tổng hợp từ các DN.