NĐT rất bức xúc về việc luôn bị các CTCK tranh mua, tranh bán. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Đức Thanh.

NĐT rất bức xúc về việc luôn bị các CTCK tranh mua, tranh bán. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Đức Thanh.

Bàn tiếp chuyện tự doanh…

(ĐTCK-online) Một trong những bất cập hiện nay là việc các công ty chứng khoán (CTCK) vi phạm về hoạt động giao dịch chứng khoán. Nhất là vi phạm nguyên tắc trong giao dịch đối với hoạt động tự doanh của các công ty với khách hàng (hiện tượng chèn lệnh).

Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư, những người phải trả phí để mua những dịch vụ này từ các CTCK. Đáng lẽ ra, họ là những “thượng đế”, họ phải được ưu tiên (và trong Luật Chứng khoán cũng đã quy định như vậy). Thế nhưng, trong thực tế, họ lại là những người luôn chịu thiệt khi bị chính các CTCK và thậm chí là ngày cả các nhân viên môi giới, những người trực tiếp nhập lệnh của các CTCK đã  “cướp” đi cái quyền và ưu thế đó của mình.

Điều này không chỉ mới xảy ra một vài ngày hay một vài tuần, mà nó đã tồn tại từ rất lâu, gây nhiều bức xúc cho nhà đầu tư. Đặc biệt, trong thời gian gầy đây, khi thị trường sụt giảm và có những diễn biến khó lường, việc vi phạm nguyên tắc trong giao dịch của các CTCK càng làm cho nhà đầu tư bức xúc hơn, thâm chí họ đã thật sự nổi giận vì hành vi “chơi không đẹp” và không đúng luật này của các CTCK.

Trước những bức xúc trên của nhà đầu tư, UBCK mới đây đã chính thức vào cuộc và đã tiến hành giám sát, kiểm tra tại một số CTCK. Sau khi giám sát, kiểm tra tại một số CTCK, UBCK cho biết, đã phát hiện một số hành vi vi phạm về hoạt động giao dịch chứng khoán gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư cũng như không đảm bảo nguyên tắc công bằng và khách quan trong việc cung cấp dịch vụ cho giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

Theo UBCK, để xảy ra tình trạng này trước hết do các CTCK chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, đặc biệt công tác kiểm soát nội bộ làm chưa tốt cũng như chưa chú trọng thực hiện đạo đức nghề nghiệp của công ty và nhân viên kinh doanh.

Về việc nhập lệnh của khách hàng và lệnh tự doanh của CTCK, UBCK đã yêu cầu việc nhập lệnh phải theo đúng thứ tự và thời gian nhận lệnh và đúng quy trình giao dịch của công ty. UBCK nghiêm cấm việc nhân viên công ty chứng khoán chèn lệnh của khách hàng và nếu các CTCK vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.


Có nên cấm tự doanh?

Sau khi UBCK đưa ra văn bản trên, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra vẫn chưa thật sự hài lòng, vì theo nhiều người, mức phạt đối với các hành vi trên là rất thấp so với những khoảng lợi mà họ có được từ những hành vi vi phạm của mình. Phản ánh với ĐTCK-online, một nhà đầu tư ở Hà Tây cho rằng: “UBCK cần có biện pháp mạnh tay hơn trong xử phạt, tránh tình trạng là CTCK thích phạt để được sai. Vì nó không đáng bao nhiêu giữa mức phạt và lợi nhuận họ kiếm được từ lỗi sai đó.”

Còn một nhà đầu tư từ TP. HCM còn bức xúc hơn, khi đề nghị nên cấm hẳn mảng tự doanh của CTCK để đem lại sự công bằng cho nhà đầu tư. “Các nhân viên của CTCK không được mua bán trên sàn, nếu muốn mua bán thì nghỉ việc hẳn mà làm NĐT để không có cảnh ăn tiền ăn tiền phí giao dịch của NĐT mà còn tranh cướp lệnh của NĐT. Việc các CTCK muốn đầu tư mua bán thì lập quỹ như các quỹ đầu tư hiện tại”, nhà đầu tư này bày tỏ thêm.

Tuy nhiên, trên thực tế, CTCK cũng là một định chế hoạt động trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán. Việc kinh doanh của các CTCK được luật pháp cho phép, trong đó có cả nghiệp vụ tự doanh (nếu đủ điều kiện). Thực tế là, trong thời gian trước, khi thị trường lên như diều gặp gió thì mảng tự doanh đem lại một khoản lợi nhuận không nhỏ cho các CTCK và chính nó đã “làm đẹp” báo cáo tài chính năm 2007 của rất nhiều CTCK. Ngoài lợi thế nhất định, việc kinh doanh của các CTCK cũng gặp những rủi ro tác động.

Có thế nhận thấy, CTCK có những thế mạnh riêng biệt. Bản thân các CTCK là nhà cung cấp các dịch vụ cho các công ty niêm yết, nên rõ ràng là có nhiều thông tin hơn. Nắm lợi thế là người biết thông tin sớm nên rõ ràng CTCK có thể ra quyết đinh mua - bán “nhanh” hơn nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh đó, CTCK cũng chính là nhà cung cấp các dịch vụ cho khách hàng nên có thể đánh giá được các cơ hội .

Trao đổi với ĐTCK-online về các hiện tượng trên, chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho biết: “Hiện nay, chưa có cung pháp lý rõ ràng cũng như hệ thống giám sát thị trường chưa “hoàn hảo” nên sự thiếu minh bạch trong hoạt động tự doanh của các CTCK là điều khó tránh khỏi. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý nhà đầu tư trong thời gian qua. Nhưng nếu có các cơ chế giám sát, phát hiện xử lý tốt và tách bạch được hoạt động tự doanh, môi giới của các CTCK thì thị trường vẫn cần các lệnh lớn giao dịch mua bán của các CTCK” . Ông Nam cũng cho biết, ở các thị trường phát triển khác như châu Âu và Mỹ, bộ phân tự doanh và bộ phận môi giới của CTCK là tách rời nhau,  giữa hai bộ phận này có “bức tường lửa”, thế nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự “lập lờ” giữa chúng.

Ông Lê Mạnh Hà, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho rằng, bản thân việc tự doanh của các CTCK dù đã có quy trình giao dịch nhưng không thể tránh khỏi sự “nhập nhèm” với lệnh của nhà đầu tư. Theo ông Hà, không chỉ các lệnh tự doanh của các CTCK mà lệnh của chính các nhân viên môi giới, là người trực tiếp nắm con bài “nhập lệnh”, cũng cần được xem xét đến. Chuyện này vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều các CTCK. Vấn đề này chỉ phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp của nhân viên CTCK. Ông Hà nhấn mạnh: “Họ luôn tự tin để tranh mua khi thị trường có dấu hiệu quay đầu. Bởi hơn ai hết, họ là người có thông tin đầu tiên. Nhà đầu tư chỉ mong rằng, UBCKNN nên tạo sự công bằng giữa các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, mà điều này chỉ thực hiện được khi TTCK Việt Nam tiến tới giao dịch không sàn”.

Còn anh Việt, một nhà đầu tư khác ở Hà Nội thì cho rằng, không thể cấm các CTCK tự doanh, nhưng bắt buộc CTCK phải mở tài khoản giao dịch tự doanh tại một CTCK khác và đặt lệnh mua bán tự doanh qua tài khoản này. Như vậy, sẽ tránh được xung đột lợi ích giữa CTCK và khách hàng của mình.

Thiết nghĩ đó cũng là những ý kiến mà cơ quan quản lý, các CTCK có thể tham khảo. Tuy nhiên, để tranh hiện tượng này, quan trọng nhất vẫn là cách quản lý từ chính nội bộ của CTCK và đạo đức nghề nghiệp của từng nhân viên môi giới của CTCK. Và nên chăng, UBCK nên tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và cần công bố công khai, minh bạch những CTCK vi phạm, cũng như xử lý nghiêm khắc đối với CTCK vi phạm, không chỉ đối với hành vi vi phạm về nguyên tắc giao dịch và còn rất nhiều hành vi vi phạm khác của CTCK và cả các thành viên khác của thị trường!?