Bay 50% giá, nhà đầu tư GIL thành cổ đông... thực sự

Bay 50% giá, nhà đầu tư GIL thành cổ đông... thực sự

(ĐTCK) Những nhà đầu tư mua cổ phiếu GIL của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh đầu quý II/2016 đến cuối quý III/2016 đạt mức lãi gấp đôi. Ngược lại, nhà đầu tư mua cổ phiếu này những ngày cuối tháng 9/2016 đến nay mất một nửa tài sản.

Một nhà đầu tư mua cổ phiếu GIL ở vùng giá 6x cuối tháng 9/2016 ngậm ngùi nhìn tài khoản giảm dần đều trong vòng 1 năm qua.

Hỏi lý do vì sao không cắt lỗ khi cổ phiếu giảm, nhà đầu tư này cho biết, trước đó đặt giá 57.000 - 59.000 đồng/cổ phiếu nhưng không mua được, nên đã canh mua những phiên tiếp theo với mức giá mục tiêu ngắn hạn là 65.000 đồng/cổ phiếu.

Các phiên sau, giá cổ phiếu GIL tiếp tục tăng, khiến mức giá đặt mua tăng theo. Chưa kịp mừng vì mua được “hàng ngon” thì giá điều chỉnh.

Có thể bán ra cắt lỗ, nhưng doanh nghiệp không có thông tin tiêu cực và xét thấy đây là doanh nghiệp cơ bản, hoạt động hiệu quả nên anh cho rằng, đó chỉ là những phiên điều chỉnh kỹ thuật, giá cổ phiếu sẽ duy trì xu hướng tăng trong trung và dài hạn. Với tâm lý đó, anh không bán ra từ đó đến nay.

“Mặt khác, khi giá cổ phiếu giảm sâu, tài sản bốc hơi quá nhiều, tôi không đành lòng bán ra”, nhà đầu tư trên nói.

Trên thực tế, không ít nhà đầu tư rơi vào tình cảnh như vậy và điều này càng chứng minh cho “chân lý”: Chọn đúng cổ phiếu nhưng vào sai thời điểm cũng “chết”.

Đối với GIL, đây là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong nhiều năm, chủ yếu từ thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm của GIL đã chinh phục được khách hàng khó tính là IKEA (tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp đồ gia dụng).

Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc GIL chia sẻ, cơ cấu khách hàng của GIL hiện nay đến từ IKEA (40%), Amazon (40%) và 20% từ các khách hàng khác.

Cơ cấu tài chính của GIL khá cân bằng, khả năng thanh toán hiện hành đảm bảo để trả các khoản nợ ngắn hạn, lần lượt trong 3 năm qua (2014 - 2016) là 1,38 lần, 1,39 lần và 1,13 lần. Các chỉ số ROE, ROA có sự cải thiện qua các năm. Cổ phiếu GIL trong giai đoạn đó đã phản ánh tính hình hoạt động của Công ty, giá có xu hướng tăng, nhưng không phi mã.

Mặt khác, kể từ khi niêm yết, GIL là một trong những doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn. Có thể thấy, với nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, ưa thích đầu tư cổ phiếu cơ bản và trả cổ tức đều đặn thì GIL là một trong những lựa chọn tốt.

Nhìn lại giai đoạn quý II - III/2016, giá cổ phiếu GIL tăng mạnh, được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu 2 quý đầu năm 2016 đạt 730 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 63,5 tỷ đồng, bằng cả năm 2015. Các nhà máy của GIL được đầu tư mở rộng.

Tương lai không chỉ màu hồng. "Biến cố" đầu tiên với cổ phiếu GIL bắt nguồn từ một năm trước. Sau khi giá cổ phiếu liên tục được đẩy lên, từ tháng 7 đến tháng 9/2016, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thực hiện thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại GIL từ 18,6% xuống 3,01% (cập nhật đến 31/12/2016).

Trong khi đó, giai đoạn này, thị trường chung không mấy tích cực, ngành dệt may bị tác động vì Mỹ có động thái rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chi phí lương tối thiểu tăng…

Theo đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành có diễn biến giảm. Riêng với GIL, giá cổ phiếu giảm nhanh và mạnh hơn các cổ phiếu khác bởi có mức tăng nhanh trước đó, không có nhà tạo lập, không có “câu chuyện” mới.

Trong 2 quý đầu năm nay, doanh thu của GIL tăng trưởng, nhưng giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn, khiến biên lợi nhuận gộp/doanh thu thuần 4 quý gần nhất liên tục giảm.

Quý III/2016, tỷ lệ này là 21,3%, sau đó giảm xuống 21%, rồi 17% và 11,5% (quý II/2017), kéo theo lợi nhuận sau thuế không đạt như kỳ vọng.

Khi cổ phiếu “đã không còn gì để kể”, kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, giá cổ phiếu giảm dần đều là chuyện không khó hiểu. Đóng cửa phiên 6/9/2017, thị giá cổ phiếu GIL là 33.100 đồng/cổ phiếu, P/E hơn 7 lần. Bao giờ giá quay về mức đỉnh là câu hỏi chưa lời đáp!

Tin bài liên quan