Đổi mới công nghệ nuôi trồng và chế biến thuỷ sản đang được xem là việc cần làm ngay đối với các DN chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu

Đổi mới công nghệ nuôi trồng và chế biến thuỷ sản đang được xem là việc cần làm ngay đối với các DN chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu

Cần đổi mới công nghệ nuôi trồng thuỷ sản

(ĐTCK-online) Số lượng các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị các nhà nhập khẩu trả về trong những tháng đầu năm là lời cảnh báo về chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu nước ta. Thực tế này không chỉ gây tổn hại cho cả nền kinh tế, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín và sự sống còn của các nhà sản xuất và chế biến thuỷ sản. Vì vậy, đổi mới công nghệ nuôi trồng và chế biến thuỷ sản đang được xem là việc cần làm ngay đối với các DN chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, ông Lương Thế Phương cho rằng, muốn tạo uy tín tốt và gia tăng lượng thuỷ sản xuất khẩu vào nhiều thị trường lâu dài và bền vững, các DN cần phải đổi mới mạnh mẽ về công nghệ nuôi trồng và chế biến, cũng như thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Theo ông Phương, sở dĩ có tình trạng lạm dụng thuốc tăng trọng trong nuôi trồng và chế biến thủy sản là do sự phát triển ồ ạt, phá vỡ cả quy hoạch, dẫn đến việc ngành chức năng khó kiểm soát.

Cụ thể, từ năm 1997-2006, sản lượng cá nuôi đã tăng 36,2 lần (từ 22.500 tấn lên 825.000 tấn); sản lượng các sản phẩm cá tra, basa chế biến xuất khẩu tăng hơn 40 lần (từ dưới 7.000 tấn lên 286.000 tấn), đưa giá trị xuất khẩu tăng 37,4 lần (từ dưới 20 triệu USD lên gần 737 triệu USD).

Mặc dù Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia chế biến và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng và An toàn vệ sinh thú y thuỷ sản (Nafiquaved), vẫn còn tới 154 trong số 470 doanh nghiệp chế biến thủy sản (chiếm gần 33%) không chịu nâng cấp cơ sở sản xuất, vệ sinh kém, thiếu đội ngũ và thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn cho sản phẩm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ sản cho rằng, trong lúc các DN chưa kịp đầu tư đổi mới công nghệ, để đối phó với tình trạng dư lượng thuốc kháng sinh quá mức cho phép, đặc biệt với chất Chloramphenicol (một loại kháng sinh, có các đặc tính kháng khuẩn), có thể dùng phương pháp GICA kiểm tra nhanh, rẻ tiền và tiện lợi để tránh đến mức thấp nhất thiệt hại. Vừa qua, phương pháp này đã được Trung tâm Khuyến ngư Bình Thuận tiến hành thử nghiệm và cho kết quả tốt. Điều đáng nói là, phương pháp GICA được sử dụng rộng rãi ngoài trời tại các điểm thu mua hoặc khi thanh tra..., nên rất tiện lợi. Theo ông Vũ Minh Tín, Giám đốc Công ty TNHH Hiển Đạt, nhà nhập khẩu và cung cấp thiết bị, phương pháp này thực sự hiệu quả, nhanh, chính xác và dễ thực hiện. Được sản xuất tại Trung Quốc theo công nghệ Mỹ, thiết bị xử lý mẫu có giá khoảng 30 triệu đồng, mỗi lần thử chi phí từ 150.000 đến 160.000 đồng, tổng thời gian thực hiện xét nghiệm chỉ khoảng 25 phút.