Hy vọng, khi giá chứng khoán xuống đến mức đủ hấp dẫn, thị trường sẽ đảo chiều.

Hy vọng, khi giá chứng khoán xuống đến mức đủ hấp dẫn, thị trường sẽ đảo chiều.

Chấp nhận quy luật “bàn tay vô hình”

(ĐTCK-online) Thị trường tài chính cuối tuần qua hướng tập trung vào chính sách điều hành lãi suất mới của NHNN: bỏ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay không quá 18%/năm, cơ chế mới được phân tích sẽ tạo ra sinh lực cho hoạt động ngân hàng.

Còn TTCK, không quá hy vọng vào những biện pháp mới hỗ trợ thị trường, song một lần nữa NĐT vẫn nhen nhóm niềm tin, cơ quan quản lý cũng không muốn thị trường rớt quá sâu để chịu nhiều hệ luỵ đáng tiếc. Tuy nhiên, chốt lại các cuộc họp quan trọng, thông tin ĐTCK ghi nhận được là sẽ không có một giải pháp nào mới, mà để thị trường vận hành theo quy luật “bàn tay vô hình".

Trong cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ngoài nội dung chủ yếu về chủ trương bỏ trần lãi suất, thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, câu chuyện về TTCK cũng được đề cập. Kiến nghị giải pháp hỗ trợ thị trường, về mặt vĩ mô, Bộ Tài chính kiến nghị để mặt bằng lãi suất giảm, không để lãi suất cao như hiện nay; xử lý vấn đề thanh khoản nhằm đảm bảo an toàn cho ngân hàng, kết hợp với xử lý vấn đề nợ đọng cho vay chứng khoán, cầm cố, repo cũng như vay bất động sản để có hướng xử lý tháo gỡ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị tạm giãn bớt việc thắt chặt tín dụng đối TTCK và bất động sản, hạn chế giải chấp. Những đề xuất như vậy không mới và trong mối tương quan với việc NHNN cuối tuần qua thông báo bỏ trần lãi suất huy động, thay đổi cơ chế điều hành lãi suất từ thỏa thuận sang điều hành theo lãi suất cơ bản thì việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay chưa thể thực hiện.

Trên thực tế, một loạt ngân hàng đã tuyên bố tăng lãi suất huy động, có ngân hàng tới 15%/năm, lãi suất cho vay do đó vẫn đứng ở mức cao. Tín hiệu đáng mừng nằm ở chỗ, trần lãi suất cho vay ở mức 18%/năm và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu tuyên bố, sẽ xử lý nghiêm những ngân hàng nào cho vay nặng lãi trên ngưỡng quy định. Mức lãi suất “cắt cổ” 20 - 21%/năm mà nhiều DN buộc phải chấp nhận vay trong thời gian vừa qua sẽ được gỡ bỏ, vốn chảy vào ngân hàng nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc DN dễ chịu hơn khi có nhu cầu tiếp cận vốn. Tuy nhiên, tác động trở lại của việc ngân hàng tăng lãi suất huy động lên mức rất cao có thể nằm ở chỗ, trong số luồng tiền mới chạy vào ngân hàng, không loại trừ có tiền của NĐT chứng khoán. Về khả năng hạn chế giải chấp cổ phiếu cầm cố tại các ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính đề nghị thì cứ đề nghị, nhưng theo lời của một thành viên Hội đồng, điều này khó khả thi trong điều kiện giá cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh.

Nhiều ý kiến trên thị trường đề cập đến biện pháp mở room cho các DN niêm yết. Tuy nhiên, cả UBCK và Bộ Tài chính đều cho rằng, không thể thực hiện biện pháp trên trong thời điểm này. Thay vào đó, để hỗ trợ cho sức cầu ngoại, NHNN cần tháo gỡ những thủ tục hành chính trong quá trình xét duyệt hồ sơ bán cổ phần của ngân hàng nội cho nhà ĐTNN. Cụ thể, ngân hàng TMCP Việt Nam hội đủ điều kiện được chủ động bán cổ phần cho nhà ĐTNN với mức không quá 5%/vốn điều lệ (trong khung tỷ lệ 30%/vốn điều lệ mà nhà ĐTNN được phép nắm giữ) thì không cần làm thủ tục xin phép NHNN đối với từng giao dịch chuyển nhượng. Thế nhưng, như đã nói, ở thời điểm này NHNN còn bận rộn với bao vấn đề như điều hành lãi suất, tính thanh khoản của các ngân hàng, xử lý ngân hàng cho vay với lãi suất quá cao..., nên đề xuất của UBCK vẫn ở trạng thái... cứ đợi đấy.

Đề cập đến vấn đề biên độ giao dịch, UBCK cho biết, tạm thời duy trì biên độ như hiện nay, khi thị trường có dấu hiệu ổn định trở lại sẽ từng bước nới biên độ. Và trong một nỗ lực hỗ trợ cho các thành viên thị trường, Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh phí giao dịch.

Với những diễn biến như trên, Bộ Tài chính nhận định, TTCK khó có khả năng  hồi phục với tốc độ nhanh. Trường hợp TTCK tiếp tục suy giảm mạnh, một bộ phận NĐT sẽ bị thua lỗ và có thể rời bỏ thị trường, nhất là NĐT nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sự suy giảm của thị trường có thể không tác động nhiều đến hệ thống tài chính. Điểm sáng trong báo cáo trên là thông tin các DN niêm yết về cơ bản vẫn hoạt động bình thường và kinh doanh có hiệu quả. Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm dư nợ và giảm việc siết thu hồi nợ chứng khoán.

Như vậy, điểm sơ qua một loạt kiến nghị nêu trên thì thấy thị trường sẽ không có chính sách gì mới. NĐT sau quá nhiều lần mệt mỏi với những biến động từ can thiệp hành chính mang lại, giờ cũng đâm bàng quan và nhìn về động thái của cơ quan quản lý ban hành chính sách hỗ trợ thị trường với tâm lý tò mò hơn là phấn khởi. Bản thân họ cũng nhận ra rằng, ban hành chính sách nào trong bối cảnh này cũng khó có tác dụng vẹn cả đôi đường.

Đề cập đến diễn biến trên TTCK, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, ở thời điểm này chính sách tiền tệ vẫn là chính sách chi phối, ưu tiên chống lạm phát vẫn được đặt hàng đầu, vì thế TTCK khó tránh khỏi tác động. Tuy nhiên, khi giá chứng khoán đã xuống đến mức đủ hấp dẫn, thị trường sẽ đảo chiều bởi những yếu tố nội tại như tình hình sản xuất - kinh doanh của DN niêm yết vẫn tốt, kinh tế vĩ mô nằm trong tầm kiểm soát.