Chạy đua hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư

(ĐTCK-online) Khi "sức khỏe" Vietcombank được công bố rộng rãi, lợi thế về thông tin là khá công bằng, tuy nhiên so về vốn thì nhà đầu tư cá nhân có phần lép vế, nhất là trong bối cảnh cửa ngân hàng dường như khóa chặt bởi Chỉ thị 03. Đây chính là cơ hội để các CTCK tận dụng đứng ra thu xếp vốn hỗ trợ NĐT. Nếu việc tham gia cung cấp dịch vụ đấu giá cổ phiếu Vietcombank đã là cuộc đua gay gắt giữa gần 60 CTCK thì hỗ trợ vốn ủy thác đấu giá xem chừng còn khốc liệt hơn.

Lãi suất ở mặt bằng chung là 1,2%/tháng, song mỗi công ty lại đưa ra hạn mức vay và thời hạn khác nhau. CTCK TP. HCM (HSC) hỗ trợ NĐT 40% vốn nhưng không quá 4,5 lần mệnh giá; Chứng khoán Hướng Việt hỗ trợ tối đa 40% giá trị vốn ủy thác đầu tư, nhưng không vượt quá 45.000 đồng/cổ phần. Để tăng tính hấp dẫn, Công ty này thêm một câu: "Do hạn mức hỗ trợ vay vốn có hạn, Hướng Việt có thể thông báo dừng hỗ trợ vay vốn bất kỳ lúc nào trước ngày 17/12". CTCK Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL cho vay tối đa 50% giá đấu bình quân trúng thầu và không vượt quá 6 lần mệnh giá. Chứng khoán SeABank sẽ thu xếp vốn mua ủy thác đấu giá tối đa 40% giá đấu thành công và không quá 50.000 đồng/CP. CTCK VPBank cũng chẳng kém khi hỗ trợ vốn tối đa 45% tổng giá trị hợp đồng ủy thác đấu giá...

Một số CTCK không thực hiện dịch vụ uỷ thác đấu giá Vietcombank, nhưng vẫn hỗ trợ vốn cho NĐT đăng ký đấu giá qua công ty mình. Đơn cử như CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS) đưa hạn mức tối đa 5 tỷ đồng/NĐT, hỗ trợ tối đa 50% mệnh giá thời hạn tới 12 tháng (gấp đôi mức thông thường).

Tìm hiểu nguồn tiền đổ về các CTCK để hỗ trợ NĐT trong đợt IPO Vietcombank có thể thấy muôn hình vạn trạng. Đại diện CTCK Hà Nội cho biết, đã bắt tay với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên nguồn tài chính khá dồi dào. Phòng đầu tư CTCK VPBank thì cho hay, Công ty không thể tìm vốn ở ngân hàng mẹ, song vẫn có nhiều kênh dẫn vốn khác, tổng hạn mức tự thu xếp được khoảng 150 tỷ đồng.

Cuộc chạy đua thu hút NĐT đã rất căng thẳng, song cuộc chạy đua tìm vốn hỗ trợ NĐT cũng căng thẳng không kém. Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc khối dịch vu, CTCK Tân Việt cho hay, Công ty dự kiến bắt tay với Ngân hàng Công thương - vốn còn rộng room, nhưng thời gian quá gấp, nên Tân Việt chỉ đăng ký đại lý ủy thác đấu giá, chứ không có dịch vụ hỗ trợ vốn cho NĐT.

Có mặt tại một số sàn giao dịch phiên cuối tuần, câu nói cửa miệng của một số NĐT là "hết tiền rồi". Phiên cuối tuần kết thúc khá nặng nề khi VN-Index mất xấp xỉ 24 điểm so với cuối tuần trước. Sức mua tiếp tục yếu đi khi khối lượng giao dịch chỉ đạt gần 600 tỷ đồng. Nhiều NĐT có ý định bán bớt cổ phần, cơ cấu lại danh mục để sẵn tiền dùng cho đợt đấu giá Vietcombank, song thị trường liên tục "tụt áp" khiến họ không dám mạnh tay cắt lỗ. Trong khi đó, kinh nghiệm dạn dày qua các đợt đấu giá CP khiến nhiều NĐT quyết định tìm đến dịch vụ ủy thác đấu giá cho an toàn. Đây chính là thời điểm CTCK có gói sản phẩm tài chính hỗ trợ NĐT được nhiều người ngó đến.

Tuy nhiên, mỗi dịch vụ tài chính thôi chưa đủ, để NĐT yên tâm ủy thác đồng vốn và cơ hội, CTCK cần chăm lo cả dịch vụ tư vấn thông tin, phân tích cổ phiếu... Đã có phàn nàn từ không ít nhà đầu tư khi họ đến tham dự buổi roadshow về Vietcombank tại một CTCK mà chẳng thu nhận được thông tin gì hữu ích.