Đang có nhiều cơ hội trên TTCK đối với các NĐT dài hạn.

Đang có nhiều cơ hội trên TTCK đối với các NĐT dài hạn.

Chứng khoán vẫn đáng quan tâm nhất

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm, bất động sản đóng băng, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, câu hỏi "nên đầu tư vào đâu" rất khó trả lời đối với hầu hết độc giả hiện nay.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Đinh Thế Hiển (ảnh dưới), chuyên gia tài chính đầu tư, xung quanh vấn đề này.

 

Lãi suất (LS) huy động của các ngân hàng hiện chỉ còn khoảng 11-12%/năm, ông có cho rằng kênh đầu tư này đã mất tính hấp dẫn?

 

 

Chứng khoán vẫn đáng quan tâm nhất  ảnh 1
Thạc sĩ Đinh Thế Hiển.

Việc LS huy động tăng cao trong những tháng đầu năm khiến cho tiết kiệm trở thành kênh đầu tư không chỉ an toàn mà còn sinh lời một cách hấp dẫn. Trường hợp trực tiếp kinh doanh thì suất sinh lời của các doanh nghiệp cũng chỉ khoảng từ 15% - 20%/năm trong khi LS huy động lên tới 18% - 19%/năm. Mức sinh lời này đã "bảo hành" cho LS tiết kiệm giữ vị trí đầu bảng trong các kênh đầu tư. LS hiện nay theo tôi vẫn còn tiếp tục giảm nữa, LS huy động có thể chỉ còn khoảng 8%/năm vào quý 1/2009, điều này sẽ đưa tiết kiệm trở về đúng nghĩa chứ không phải là kênh đầu tư như thời gian trước đây.

 

Với thị trường chứng khoán (TTCK) thì sao, thưa ông?

 

Nếu thị trường tăng trưởng là cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT) lướt sóng - đầu cơ trong ngắn hạn thì giai đoạn suy thoái lại mở ra cơ hội với các NĐT giá trị tìm kiếm lợi nhuận cao với khoản đầu tư dài hơn 1 năm. Tôi cho rằng từ nay đến quý 1/2009 là cơ hội cho những người có nguồn vốn ổn định và tìm kiếm lợi nhuận tương xứng trong vòng 1 - 2 năm tới. Nhiều người nhận định các khó khăn của nền kinh tế trong năm 2009 sẽ làm cho TTCK sẽ tiếp tục suy giảm và không có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng theo tôi những giai đoạn mà NĐT phản ứng quá mức với thị trường lại là cơ hội hiếm có để NĐT tìm kiếm mức sinh lời cao một cách khá chắc chắn. Cơ hội đó theo tôi đang diễn ra khi VN-Index xoay quanh mức 300 điểm. Ngay tại thời điểm này cũng đã xuất hiện nhiều cổ phiếu (CP) hấp dẫn. Trên thực tế thời điểm hiện nay đã có nhiều công ty chia cổ tức với tỷ lệ hấp dẫn hơn LS ngân hàng.

 

Ông có lời khuyên nào cho các NĐT dài hạn trong việc lựa chọn CP để đầu tư?

 

Khi thị trường suy thoái thì P/E (thị giá/thu nhập) không còn là chỉ số quan trọng hàng đầu. NĐT có xu thế chuyển niềm tin vào giá trị sổ sách của các CP (BV). Những CP có thị giá thấp hơn BV sẽ được lựa chọn. Điều này cũng dễ hiểu vì họ tin rằng, lúc thị trường trở lại bình thường thì những CP này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, khả năng thu lời cao hơn. Niềm tin này cũng hợp lý, tuy nhiên bên cạnh BV, theo tôi NĐT cần chọn lựa những công ty có khả năng tạo lợi nhuận trong khó khăn bằng chính năng lực sản xuất kinh doanh của họ và có sức cạnh tranh, phát triển mạnh trong giai đoạn thị trường hồi phục.

 

Bất động sản (BĐS) đã giảm giá từ 40% - 60% trong năm nay, ông nhận định thế nào về kênh đầu tư này?

 

Từ năm 2002 - 2007 giá BĐS đã tăng từ 300 - 500% nhưng chỉ khoảng một nửa mức tăng này là hợp lý, vì tăng do sự phát triển cơ sở hạ tầng và sự phát triển của nền kinh tế. Còn lại là tăng do sự kỳ vọng quá lớn cũng như tình trạng đầu cơ trên thị trường. Do đó, mức giảm hiện nay vẫn còn quá cao so với giá BĐS năm 2006. Vì vậy, đầu tư BĐS hiện nay chỉ hy vọng sinh lời khi có cơn sốt bất thường, còn với giá hiện nay thì khả năng sinh lời hợp lý là thiếu cơ sở. Câu hỏi đặt ra là, liệu có khả năng xảy ra cơn sốt hay không? Câu trả lời là có thể vì thị trường BĐS hiện nay chưa theo cơ chế thị trường và còn hạn chế về mặt điều tiết cung - cầu, do vậy nhà đầu cơ vẫn có thể kỳ vọng mức sinh lời cao vào cuối năm 2009. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi thì không nên đầu tư để chờ đợi một cơn sốt mới. Đầu ra cho các chủ đầu tư trong giai đoạn tới, theo tôi, nên tập trung vào thị phần căn hộ giá rẻ từ khoảng 400 - 500 triệu đồng/căn, đáp ứng nhu cầu có khả năng thanh toán rất lớn của người dân thành phố. Sự ra đời của các căn hộ giá rẻ sẽ là động lực để kéo giá căn hộ cao cấp xuống mức hợp lý hơn. Và việc đầu tư vào những BĐS như vậy sẽ đạt được mức sinh lời thỏa đáng với mức an toàn hơn các kênh đầu tư khác.

 

Nếu NĐT đem tiền mua vàng thì sao?

 

Nếu Chính phủ vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ và USD sẽ tăng giá thì đầu tư vàng cũng có khả năng sinh lời. Nhưng nhìn vào xu thế trên thế giới hiện nay và năm sau thì giá vàng sẽ giảm xuống nên kênh đầu tư này cũng không hứa hẹn sinh lời bằng chứng khoán hay BĐS.

 

Như vậy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất?

 

Nếu là NĐT giá trị, chứng khoán vẫn là đáng quan tâm nhất. Tôi cho rằng TTCK sẽ phục hồi mạnh để NĐT thu lợi nhuận trong khoảng 1-2 năm tới. Sớm hay muộn phụ thuộc vào kinh tế Mỹ. Có 2 kịch bản, nếu quý 3 năm sau kinh tế Mỹ phục hồi thì sẽ có dòng vốn đầu tư rất mạnh từ Mỹ chuyển sang Việt Nam . Như vậy khoảng quý 4 năm sau, chứng khoán Việt Nam sẽ tăng mạnh. Kịch bản xấu hơn là quý 1/2010 kinh tế Mỹ mới phục hồi thì đến quý 3/2010 chứng khoán Việt Nam sẽ bắt đầu tiến trình tăng trưởng mạnh. Nhưng dù là kịch bản nào thì các khoản đầu tư trong giai đoạn cuối năm nay và quý 1/2009 vào các CP tốt (ngành nghề triển vọng, lợi nhuận ổn định, ban quản trị năng động, chỉ số P/B tức giá trên giá trị sổ sách hấp dẫn) có thể thu hoạch tốt vào giai đoạn cuối năm 2009, hoặc xấu nhất là cuối năm 2010 với tổng mức lợi nhuận ít nhất là 25%/năm, kỳ vọng có thể lên đến 100% - hấp dẫn hơn nhiều so với gửi tiết kiệm. Còn trong ngắn hạn, tiền gửi USD cũng là một kênh hấp dẫn trong năm 2009.

 

GS-TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM: Cần đầu tư vào những ngành hướng đến tương lai

 

Thế giới đang có xu hướng đầu tư vào những ngành đón đầu những thay đổi sau khủng hoảng tài chính, như chương trình tiết kiệm năng lượng của Mỹ chẳng hạn. Càng về sau, khi thị trường nội địa càng mở cửa hơn nữa theo lộ trình WTO thì những ngành hoặc DN nào chỉ hướng đến mối lợi trước mắt chắc chắn sẽ khó lòng tồn tại. Vì vậy, nếu đầu tư tài chính, NĐT cần phải tính đến nên đầu tư vào ngành nào hướng đến tương lai, phải xem kỹ chiến lược kinh doanh thay đổi sau khủng hoảng tài chính của những DN muốn đầu tư. Hiện nay tính minh bạch trong thông tin rất yếu, thậm chí ngay cả đối với các công ty niêm yết. Nhà nước vì vậy càng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc yêu cầu và kiểm soát việc các DN công bố thông tin theo những chuẩn mực quốc tế.