Biểu mẫu đăng ký mua CP của Công ty Toàn Cầu. Ảnh: SGGP

Biểu mẫu đăng ký mua CP của Công ty Toàn Cầu. Ảnh: SGGP

CIO rao bán CP không đúng luật

Sau bài điều tra “Tiền tươi mua cổ phiếu dự án ảo?” nêu việc CTCP Đầu tư công nghệ Toàn Cầu (CIO) - sau này đổi tên thành CTCP Bất động sản Vạn Thịnh Hưng - phát hành CP sai luật, một số người có trách nhiệm đã có những ý kiến phản hồi về vụ việc được nêu:

 

Ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng Ban quản lý phát hành (UBCKNN): Chuyển vụ việc sang Thanh tra xử lý

 

Ngay sau khi có phản ánh về việc CTCP Đầu tư công nghệ Toàn Cầu (CIO) - sau này đổi tên thành CTCP Bất động sản Vạn Thịnh Hưng - rao bán CP trên mạng có dấu hiệu mờ ám, chúng tôi đã kiểm tra lại DN này và kết luận như sau: Dù tên là CIO hay CTCP Bất động sản Vạn Thịnh Hưng thì DN này đều không đăng ký là công ty đại chúng và cũng không đăng ký phát hành CK với UBCKNN.

 

Theo quy định tại khoản 12 điều 6 Luật Chứng khoán, DN được chào bán CK thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet phải đăng ký. Tuy nhiên, do DN này không đăng ký chào bán CK ra công chúng với UBCKNN nên việc rao phát hành trên Internet là sai. Ngay sau khi xác định DN này phát hành CP không đúng luật, chúng tôi đã chuyển tài liệu sang Thanh tra UBCKNN để nghiên cứu, xử lý.

 

Ông Lê Nhị Năng, Phó Tổng giám đốc HOSE: CIO không được công bố thông tin như vậy

 

Luật CK quy định 1 trong 3 hình thức sau là hành vi phát hành CP ra công chúng của các công ty đại chúng: phát hành đăng trên phương tiện thông tin đại chúng; phát hành cho 100 NĐT trở lên; phát hành không hạn chế số lượng NĐT. Việc phát hành CP ra công chúng nhất thiết phải xin phép và được sự chấp thuận của UBCKNN.

 

Theo thông tin rao trên trang web thì CIO có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, cũng có thể dưới mức này nhưng nếu họ huy động được từ 100 NĐT trở lên đăng ký mua với giá 25 ngàn đồng/CP chẳng hạn thì công ty này đã trở thành công ty đại chúng rồi. Nếu CIO là CTCP nội bộ (NĐT sở hữu CP chưa đến 100 người), họ cũng không được được đưa thông tin lên mạng như vậy.

 

Theo luật thì một CTCP nội bộ tùy khả năng có thể tăng vốn lên 100 tỷ đồng, thậm chí 1.000 tỷ đồng cũng được, nhưng chỉ được phát hành riêng lẻ, nghĩa là đến trực tiếp từng người để đặt vấn đề thôi chứ không được đăng báo hoặc đưa thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng như trường hợp của CIO được.

 

Việc diễn đàn của một trang web nào đó đưa những thông tin như vậy là tiếp tay cho CIO thực hiện việc chào bán CK ra công chúng. Bản thân những người quản lý trang web phải biết đây là một hành vi phạm luật. Do đó, ban quản trị trang web cũng có lỗi bởi không ngăn chặn kịp thời hành vi này, và do vậy cũng bị xem như là gián tiếp tiếp tay cho công ty trên.

       

Luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung tâm TT-Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam ): CIO đã vi phạm Luật Chứng khoán

 

Theo những thông tin trong bài báo thì CIO đã vi phạm Luật CK. Điều 12 Luật CK quy định: “Điều kiện chào bán CP ra công chúng bao gồm: DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua”. Công ty CIO được cấp phép kinh doanh ngày 30-3-2007, nên không hội đủ điều kiện để chào bán CP ra công chúng.

 

Theo Điều 121 Luật CK thì tổ chức phát hành, giám đốc hoặc tổng giám đốc, kế toán trưởng và người khác có liên quan, nếu có hành vi vi phạm quy định về hoạt động chào bán CK ra công chúng thì “bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Đối với tổ chức phát hành thì “phải trả lại số tiền đã huy động được cộng thêm tiền lãi tiền gửi không kỳ hạn và phải nộp phạt từ 1% đến 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật”.

Theo SGGP

Tin liên quan:
Tiền tươi mua cổ phiếu dự án ảo?