NĐT cần được bảo vệ quyền lợi khi sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến

NĐT cần được bảo vệ quyền lợi khi sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến

Có can thiệp quá sâu vào CTCK?

Ngày 20.12, UBCKNN đã tổ chức lấy ý kiến về Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK. Đây là lần đầu tiên có một văn bản pháp lý hướng dẫn và quy định chặt chẽ về hoạt động đặt lệnh qua mạng - một dịch vụ mà rất nhiều CTCK đang thực hiện một cách tự phát.

 

Siết chặt tiêu chuẩn và trách nhiệm

 

Dịch vụ đặt lệnh qua mạng Internet đến thời điểm này không có gì mới khi hàng loạt CTCK đều cung cấp như một tiện ích nhằm lôi kéo khách hàng. Đối với những CTCK mới ra đời, lợi thế của công nghệ này càng được tận dụng hơn với nhiều sản phẩm chuyên nghiệp như sản phẩm VNDirect online của CTCK VNDirect, gói sản phẩm iTrade của CTCK Tân Việt, cho phép sử dụng đường truyền trực tiếp đưa thẳng lệnh tới danh sách chờ tại bàn của đại diện sàn trong trung tâm hoặc sở giao dịch.

 

Một số CTCK cũng cung cấp dịch vụ này như một cách giảm tải khi số lượng tài khoản quá lớn gây áp lực lên diện tích có hạn của mặt bằng sàn giao dịch.

 

Tuy nhiên theo quy trình giám sát hiện tại, mọi căn cứ phải được dựa trên phiếu lệnh bằng giấy. Do đó, khá nhiều CTCK khi cung cấp dịch vụ đặt lệnh qua mạng hay qua điện thoại vẫn yêu cầu NĐT ký khống lệnh từ trước và nhân viên môi giới sẽ điền giúp thông tin. Thậm chí có một số CTCK "linh động" bằng cách NĐT cứ đặt lệnh vào buổi sáng và buổi chiều đến ký lệnh sau!

 

"Nguyên nhân của tình trạng này là do vẫn chưa có một khung pháp lý quy định tính hợp pháp của các giao dịch điện tử. Các thỏa thuận sử dụng dịch vụ giữa CTCK và NĐT rất sơ sài, chỉ viết chung chung rằng NĐT phải tự nhận thức được những rủi ro và phải chấp nhận nó. Điều này là không phù hợp với thông lệ và NĐT không được bảo vệ", đại diện ban soạn thảo cho biết.

 

Theo dự thảo, không phải CTCK nào cũng sẽ được cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến mà Cty phải đáp ứng khá nhiều những tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo các giao dịch được thực hiện thông suốt và an toàn, minh bạch. Đặc biệt các CTCK sẽ phải có các biện pháp dự phòng rủi ro, tuân thủ chế độ mã hóa, bảo mật thông tin khách hàng.

 

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của NĐT, các CTCK sẽ phải công bố cụ thể các rủi ro có thể gặp phải như lệnh có thể bị treo, lỗi dữ liệu, lỗi bảo mật... Đối với các trường hợp vi phạm, UBCKNN có thể phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc đình chỉ không cho phép cung cấp dịch vụ.

 

Nguy cơ giấy phép con?

 

Tại buổi hội thảo, hầu hết các ý kiến từ CTCK và Sở GD, TTGDCK đều nêu lên tính cấp thiết của việc ban hành một văn bản pháp lý quy định chặt chẽ hoạt động giao dịch điện tử. Tuy nhiên, lo ngại nhất được nêu lên là thông tư còn quá sơ sài, có rủi ro "vênh" với hoạt động thực tiễn.

 

Theo đại diện Sở GDCK TPHCM (HoSE), quy định UBCKNN được quyền từ chối hoặc chấp thuận cho CTCK cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử có thể mâu thuẫn với Luật Chứng khoán: "Luật đã cho phép CTCK được cung cấp 4 dịch vụ cơ bản là môi giới, tư vấn, lưu ký và bảo lãnh. Giao dịch điện tử, trong đó bao hàm giao dịch CK qua mạng bản chất cũng là một dạng của môi giới. Giờ CTCK lại phải đăng ký để được cấp phép thì có hợp lý hay không?".

 

Cũng theo ý kiến này, nội dung thông tư thể hiện mong muốn quản lý của cơ quan chức năng nhưng dường như đã đi quá sâu vào hoạt động nội bộ của CTCK. Chẳng hạn để được cung cấp dịch vụ, Cty phải làm bản thuyết trình kỹ thuật rất chi tiết nộp cho UBCK trong khi bí mật công nghệ cũng là lợi thế cạnh tranh của DN, đó là chưa kể đến việc UBCKNN cũng chưa hẳn đã thẩm định được. Để hoàn thành bộ hồ sơ, DN có nguy cơ phải trải qua thủ tục với nhiều giấy phép con khi yêu cầu các thiết bị kỹ thuật chính phải trải qua kiểm định và chứng nhận an toàn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

 

Phần mềm an ninh cũng phải ủy thác mật khẩu nguồn và môi trường biên dịch cho một tổ chức độc lập... Điều bất cập là các chuẩn công nghệ có thể thay đổi rất nhanh trong khi chưa hẳn các cơ quan kiểm định cập nhật kịp, như vậy vô tình lại hạn chế DN áp dụng công nghệ mới.

 

Một vấn đề nữa cũng nhận được nhiều ý kiến là việc thông tư chưa làm rõ được trách nhiệm bồi thường của các bên khi xảy ra rủi ro cũng như các chế tài cụ thể. Theo đại diện CTCK NH Công thương (IBS), cần làm rõ trong những trường hợp rủi ro khách quan CTCK phải có trách nhiệm chứng minh. Nếu rủi ro từ nguyên nhân chủ quan từ phía Cty thì phải quy định chế tài xử lý cụ thể, tùy vào mức độ thiệt hại.

 

Ý kiến khác cho rằng UBCKNN cần ban hành một hợp đồng mẫu để làm căn cứ giải quyết các tranh chấp vì việc sử dụng dịch vụ thuần túy là quan hệ dân sự giữa NĐT và CTCK.

Theo LĐ

Tin liên quan:
>>Quản lý giao dịch chứng khoán trực tuyến